Thành phố Vinh cần khắc phục ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp

Mai Hoa 19/10/2018 19:16

(Baonghean.vn) - Đó là yêu cầu của HĐND tỉnh tại cuộc làm việc với UBND thành phố chiều 19/10 theo chương trình giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động và chế độ chính sách đối với người lao động.

  Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa
Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Nhiều nỗi lo về môi trường

Đối với thành phố Vinh, công tác bảo vệ môi trường trong thời gian qua đã được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, gắn với thu hút các nguồn lực để đầu tư hạ tầng. Đáng chú ý là thành phố đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt có công suất 25.000 m3/ngày đêm; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Nghi Yên; đầu tư hệ thống thoát nước trong thành phố, trồng cây xanh, vệ sinh môi trường…

Tuy nhiên, thông qua giám sát thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và theo dõi phản ánh kiến nghị của cử tri, của báo chí, một số thành viên chỉ ra nhiều vấn đề mà thành phố cần quan tâm.

Mặc dù thành phố đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nhưng chưa đáp ứng thực tiễn, bởi lượng nước thải sinh hoạt của thành phố là khoảng 40.000 m3/ngày đêm, trong khi đó hệ thống xử lý mới chỉ có công suất 25.000 m3/ngày đêm.

Riêng về Khu liên hợp xử lý rác thải Nghi Yên cũng đang có tình trạng quá tải và chưa có biện pháp xử lý nước thải ở khu vực này.

Bên cạnh đó, 3/5 cụm công nghiệp đi vào hoạt động hiện nay, hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ, nước thải của các doanh nghiệp cơ bản thải trực tiếp ra môi trường.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Thanh Tịnh khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục khắc phục tình trạng ô nhiễm tại CCN. Ảnh: Mai Hoa
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đậu Vĩnh Thịnh khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục khắc phục tình trạng ô nhiễm tại CCN. Ảnh: Mai Hoa

Nêu thực tiễn tại Công ty TNHH Xuân Ngọc (Cụm công nghiệp Đông Vĩnh), năm 2016 và 2017, Thanh tra Sở TN&MT đều có thanh tra và có kết luận yêu cầu doanh nghiệp này khắc phục các vấn đề về bảo vệ môi trường, như xử lý chất thải độc hại, xử lý chất thải công nghiệp…, tuy nhiên, cơ sở này chưa thực hiện; Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan đề nghị thành phố cần giám sát yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, tạo chuyển biến về môi trường.

Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Đình Toàn thông tin thêm về Công ty TNHH Xuân Ngọc, kiểm tra hồ sơ bản cam kết bảo vệ môi trường của đơn vị quá sơ sài; kết quả quan trắc môi trường do đơn vị hợp đồng một doanh nghiệp khác thực hiện đều tốt, nhưng thực tiễn giám sát thì hoàn toàn khác.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tìm hiểu chế độ ăn ca của công nhân tai Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan. Ảnh: Mai Hoa
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tìm hiểu chế độ ăn ca của công nhân tại Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan. Ảnh: Mai Hoa

Kết luận tại nội dung này, chia sẻ số doanh nghiệp trên địa bàn nhiều, chủ yếu vừa và nhỏ; công tác đầu tư, quản lý các cụm công nghiệp còn nhiều bất cập, trong khi đó lực lượng phụ trách công tác môi trường quá mỏng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đề nghị thành phố cần rà soát, phân loại các từng nhóm doanh nghiệp, trong đó chú ý đến các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường để thanh tra, kiểm tra thường xuyên, gắn với xử lý nghiêm sau thanh tra, kiểm tra, có như vậy mới tạo được chuyển biến về môi trường trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, thành phố cần nghiên cứu để khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các cụm công nghiệp; kiểm tra lại quy trình thẩm định, phê duyệt bản cam kết và kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh một cách chặt chẽ, đồng thời giám sát sau phê duyệt, đảm bảo các cam kết được thực hiện nghiêm túc.

Thành phố cũng cần có giải pháp để đảm bảo hoạt động quan trắc môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo thực chất; quan tâm giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri và nhân dân liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH lớn

Theo báo cáo, trên địa bàn thành phố hiện có 3.696 doanh nghiệp tham gia đóng BHXH cho người lao động thì có tới 2.481 doanh nghiệp nợ BHXH, trong đó có 155 doanh nghiệp nợ đóng trên 12 tháng; tổng nợ BHXH là 148 tỷ đồng. Thực trạng này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, đặc biệt là giải quyết chế độ cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc không may bị tai nạn rủi ro.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền kết luận tại cuộc họp. Ảnh: Mai Hoa
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đề nghị thành phố khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp. Ảnh: Mai Hoa

Ngoài vấn đề nêu trên, thông qua giám sát, một vấn đề nổi lên được giám sát HĐND tỉnh chỉ ra, đó là do doanh nghiệp chủ yếu vừa và nhỏ, dây chuyền sản xuất lạc hậu, cộng với ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp chưa cao, cho nên môi trường lao động tại nhiều cơ sở sản xuất có nguy cơ mất an toàn lao động rất cao. Thêm vào đó, ở một số cơ sở cường độ làm việc của người lao động lớn, nhưng chế độ tiền lương được trả chưa tương xứng.

Từ những vấn đề đặt ra đó, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND thành phố Vinh tích cực phối hợp với các ngành để tăng cường công tác thanh tra và xử lý đủ sức răn đe, điều quan trọng là bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Thành phố Vinh cần khắc phục ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO