Thú chơi diều sáo công phu của cụ ông U80 xứ Nghệ

Ngọc Phương 06/07/2018 16:55

(Baonghean.vn) - Nói đến làm và chơi diều sáo, những người có cùng “gu” đam mê này trên địa bàn huyện Đô Lương, Nghệ An ai cũng phải thừa nhận ông Đinh Xuân Quảng là số 1.

Ông Đinh Xuân Quảng (xóm 5 xã Lạc Sơn, Đô Lương) hiện đang sở hữu hàng chục ống sáo diều. Những ống sáo diều của ông được làm từ những vật dụng quen thuộc như lon nước ngọt, quả bầu phơi khô, ống nhựa, ống bơm tay bằng nhôm, ống tre, ống nứa…Dù là đồ tự chế, những ống sáo này lại ngân vang, vi vu một cách diệu kỳ khi diều vút lên không trung.

Ông Đinh Xuân Quảng là người chơi, sưu tầm diều sáo lâu năm. Ảnh: Ngọc Phương
Ông Đinh Xuân Quảng là người chơi, sưu tầm diều sáo lâu năm. Ảnh: Ngọc Phương

Năm nay đã bước sang tuổi 78 nhưng ông Quảng vẫn làm diều, làm sáo và đi thả hàng ngày. Đam mê diều, từ năm 10 tuổi ông đã biết làm diều. Gia đình ông có truyền thống làm và chơi diều từ nhiều đời. Thừa hưởng từ ông cha cách làm và chơi diều nên ông Quảng tiếp thu bí quyết làm diều sáo rất nhanh.

Tuổi thơ ấu qua nhanh cùng những cách diều no gió trên không, lớn lên ông đi bộ đội ở trong quân ngũ hết chiến trường này đến chiến trường khác. Năm 1984, được nghỉ hưu theo chế độ, về quê nhà, ông lại tiếp tục với thú vui làm và chơi diều sáo trong những ngày hè.

Bộ sưu tập sáo của ông Đinh Xuân Quảng. Ảnh: Ngọc Phương
Bộ sưu tập sáo của ông Đinh Xuân Quảng. Ảnh: Ngọc Phương

Khi được hỏi về công đoạn làm diều, ông nói một cách say sưa và cũng không hề giấu bí quyết gia truyền của dòng họ. Ông chia sẻ: “Làm diều sáo cánh trên phải cứng, 2 đầu dẻo. Tre làm khung diều phải chọn chặt tre đúng tiết từ tháng 11 đến tháng 12 âm lịch. Cây tre để làm diều mắt phải đều, thẳng, không cong. Tre chặt xong phơi khô, không ngâm. Nếu ngâm nước sẽ mau yếu diều. Khi vót thanh tre làm cánh diều phải vót đều, giữa cứng, càng về cuối càng phải mềm mại. Chiều dài và chiều rộng của diều phải tương ứng tỷ lệ 1/3." Riêng vải để may diều, ông Quảng thường tận dụng vải của những chiếc ô đã hư, bởi vải của ô rất bền, lại nhẹ.

Ngoài việc làm diều, thì làm sáo để gắn lên diều cũng rất kỳ công. Ông Quảng chứng minh được tay nghề cao khi làm được sáo diều từ đa dạng các vật dụng. Ông cho biết, sáo gắn lên diều cũng có nhiều loại như: sáo 2 khe, 3 khe. Rồi sáo tầng cũng có sáo tầng 3 sáo, 5 sáo, 7 sáo, 9 sáo. Nguyên liệu làm sáo có thể từ lon nước ngọt, quả bù phơi khô, tre, nứa,ống nhựa…Riêng miệng sáo được làm bằng gỗ vàng tâm hoặc gỗ mít. Trong làm diều sáo khó nhất là làm miệng sáo, phải tạo cho tiếng sáo gặp gió kêu đanh, ngân dài, có lên cao xuống thấp…

Pin điện thoại di động và đèn led đùng để gắn lên diều giúp ban đêm có thể nhìn thấy diều. Ảnh: Ngọc Phương
Pin điện thoại di động và đèn led đùng để gắn lên diều giúp ban đêm có thể nhìn thấy diều. Ảnh: Ngọc Phương

Để thả diều buổi tối, ông Quảng đã sáng chế ra đèn chiếu sáng cho diều. Đó là pin từ điện thoại di động gắn với một chiếc đèn led nhỏ xíu. Nhờ lấy nguồn điện tích từ pin, đèn led sẽ đỏ suốt đêm.

Hiện nay, ngoài hàng chục chiếc sáo đủ các loại, trong nhà ông Quảng còn có đến 9 con diều sáo, con dài nhất 5m, rồi đến các kích cỡ khác từ 3,5m xuống 3,2m, 2,5m, 2,2m. Khi làm được diều, ông thường tặng cho bạn bè, con cháu, những người có cùng sở thích chơi diều.

Ông Quảng mang diều ra thả trên cánh đồng. Ảnh: Ngọc Phương
Ông Quảng mang diều ra thả trên cánh đồng. Ảnh: Ngọc Phương

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng mỗi buổi chiều hè trên cánh đồng lộng gió, ông lại cùng nhiều người bạn có già, có trẻ chung thú vui thả diều. Để rồi tiếng sáo diều lại ngân nga trên khắp cánh đồng quê…


Mới nhất

x
Thú chơi diều sáo công phu của cụ ông U80 xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO