Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức

Thành Duy 28/01/2021 10:25

(Baonghean.vn) - Một trong những tồn tại, hạn chế cải cách hành chính thời gian qua được Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ chỉ ra là ​công cuộc cải cách luôn “đụng chạm” đến lợi ích của không ít cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích ngành khiến cho việc thực hiện luôn gặp khó khăn.

Sáng 28/1, đại biểu dự Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận các văn kiện đại hội. Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên thảo luận.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với đại biểu dự phiên thảo luận các văn kiện đại hội, sáng 28/1. Ảnh: Thành Duy
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với đại biểu dự đại hội, sáng 28/1. Ảnh: Thành Duy

GIẢM NHIỀU ĐẦU MỐI, BIÊN CHẾ

Thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trình bày tham luận liên quan đến công tác cải cách hành chính.

Đánh giá kết quả cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng nền hành chính Nhà nước góp phần đổi mới sáng tạo, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết: Thể chế của nền hành chính được cải cách và dần được hoàn thiện cơ bản phù hợp với yêu cầu chủ trương quan trọng của Đảng và cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính để giảm gánh nặng cho người dân doanh nghiệp; hình thành các cơ chế, chính sách ưu đãi và các thủ tục hành chính thuận lợi theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ...

Bên cạnh đó, bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương bước đầu đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; cơ cấu bên trong đã có sự phân định rõ hơn giữa cơ quan quản lý và đơn vị sự nghiệp.

Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp. Ảnh: Thành Duy

Việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, đã giảm nhiều đầu mối và giảm đáng kể biên chế của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và bộ máy hành chính nhà nước.

Những đổi mới về đánh giá cán bộ, công chức; về tuyển dụng, thi nâng ngạch; thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý được nghiên cứu, triển khai có kết quả; việc áp dụng những phương pháp quản lý mới, công nghệ hiện đại đã góp phần nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm, phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng “Chính phủ điện tử”, “Chính quyền điện tử” là kết quả nổi bật.

Các bộ, ngành, địa phương từng bước xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử; đô thị thông minh; tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, triển khai xây dựng nhiều phần mềm, cơ sở dữ liệu nền tảng.

Kết quả nổi bật là việc phát triển hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã cho tới mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công tập trung cấp tỉnh; các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

 Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trình bày tham luận. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trình bày tham luận. Ảnh: Thành Duy

Trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số, phương thức hoạt động, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và hệ thống cơ quan hành chính các cấp ở địa phương đã có nhiều đổi mới theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả, từng bước tiến tới một nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã nêu ra 5 tồn tại, hạn chế của cải cách hành chính thời gian qua, trong đó chưa có sự đồng bộ trong cải cách hành chính với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp. Thể chế, pháp luật vẫn còn chưa đồng bộ và thiếu nhất quán, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và dân chủ hóa đời sống xã hội trong điều kiện mới.

Công cuộc cải cách luôn “đụng chạm” đến lợi ích của không ít cá nhân và lợi ích nhóm, lợi ích ngành khiến cho việc thực hiện luôn gặp khó khăn, cản trở.

Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, đặc biệt là các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng...

LẤY NGƯỜI DÂN LÀM TRUNG TÂM

Với tinh thần đổi mới, với kinh nghiệm và kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua và với phương châm: Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ nhân dân, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, cần tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp.

Đại biểu Đoàn đại biểu Đảng bộ Nghệ An dự Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Thành Duy

Nâng cao trách nhiệm giải trình, từng bước hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước.

Nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, người dân, doanh nghiệp đối với công tác cải cách hành chính, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động, chỉ đạo, điều hành và là nhiệm vụ chính trị cần phải triển khai thực hiện tại các cấp, các ngành, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, phải đi tiên phong, nêu gương sáng, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì sự nghiệp chung.

Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ cũng đề nghị tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế của nền hành chính Nhà nước.

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 28/1 tại Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Thành Duy

Tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nâng cao kỹ năng, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức trong xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp.

Triển khai mạnh mẽ việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ của cơ quan hành chính các cấp theo hướng công khai, minh bạch, hiện đại;…

Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO