"Thuận vợ, thuận chồng..."

06/11/2014 07:54

(Baonghean) - Có một mái ấm hạnh phúc, con cái chăm ngoan, học giỏi, kinh tế khá giả, gia đình chị Nguyễn Thị Lộc (Đông Hiếu, TX. Thái Hòa) được mọi người tin yêu, nể phục, coi là gương sáng để học tập. Chia sẻ bí quyết về xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, chị Lộc cười giản dị “thuận vợ, thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”…

(Baonghean) - Có một mái ấm hạnh phúc, con cái chăm ngoan, học giỏi, kinh tế khá giả, gia đình chị Nguyễn Thị Lộc (Đông Hiếu, TX. Thái Hòa) được mọi người tin yêu, nể phục, coi là gương sáng để học tập. Chia sẻ bí quyết về xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, chị Lộc cười giản dị “thuận vợ, thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”…

Đến thời điểm này, chuồng bò của gia đình chị Lộc có 12 con bò sữa, trong đó có 6 con cho sữa thường xuyên và 6 con bê. Với sản lượng sữa trung bình một ngày vắt được khoảng 120 lít, và theo mức giá thị trường hiện nay là 17.000 đồng/lít thì đều đặn mỗi ngày, gia đình chị có thu nhập 2 triệu đồng. Tôi nói vui: “Chả mấy chốc mà chị thành triệu phú”, chị cười: “Tiền tươi thật đấy nhưng biết bao nhiêu chi phí. Nuôi bò sữa nếu biết cách thì rất dễ làm giàu và giá trị hơn rất nhiều so với trồng cao su hay chăn nuôi các loại động vật khác. Ngoài sự chăm chỉ, hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi đòi hỏi phải có sự tính toán kỹ lưỡng”.

Chị Nguyễn Thị Lộc trong vườn cỏ được trồng phục vụ chăn nuôi bò sữa.
Chị Nguyễn Thị Lộc trong vườn cỏ được trồng phục vụ chăn nuôi bò sữa.

Thực tế, gần 10 năm nuôi bò sữa, chị Lộc và chồng, đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Năm 2006, thời điểm anh chị quyết định dồn tất cả tài sản đầu tư gần 200 triệu đồng để mua về cặp bò đầu tiên và xây dựng chuồng trại thì ở Đông Hiếu người chăn nuôi bò vừa trải qua một “cú sốc” lớn. Trong đó, 6 hộ được địa phương chọn làm thí điểm nuôi bò sữa theo dự án của tỉnh phải bán đổ, bán tháo bò vì không có nơi tiêu thụ sữa. Trước khi chuyển sang nuôi bò sữa, anh chị đã tính toán, nuôi bò sữa có lợi như thế nào so với nuôi bò sinh sản hay là nuôi bò thịt, hai giống bò mà trước đó anh chị đã có nhiều năm kinh nghiệm. Cân nhắc một thời gian, anh chị tin rằng quyết định của mình là đúng và lấy bài học của những gia đình đi trước làm kinh nghiệm cho mình. Thuận lợi là thời điểm anh chị bắt đầu nuôi bò sữa cũng là lúc Nhà máy sữa Vinamilk được đầu tư xây dựng trên địa bàn. Do đó, nguồn sữa có người đến thu mua tại chỗ.

Cái khó là anh chị chưa có kinh nghiệm, cũng chưa có mô hình hiệu quả để học tập. Vậy nên, mọi thứ đều phải tự mày mò, nghiên cứu, vừa làm vừa học. Anh chị chăm chỉ đọc sách, báo, có cuộc tập huấn nào về nuôi bò sữa cũng đăng ký tham gia để học hỏi kinh nghiệm. Kiên trì, bền bỉ nên từ một người còn mù mờ về nuôi bò sữa trở thành một người dày dạn trong việc chăm sóc, nhân giống và nổi tiếng “mát tay” được nhiều người đến học hỏi. Đơn cử như việc chăm bò bị bệnh. Trước đây nỗi lo nhất của anh chị là bò bị viêm vú. Nếu đã mắc bệnh, thì một con bò dù có năng suất mấy cũng phải bán rẻ. Nay thì để xử lý bệnh này, anh chị thấy rất đơn giản vì chỉ cần dùng đúng thuốc là được. Hoặc trong khi mang thai, bò hay đẻ non, nếu biết đặt thuốc trước khi sinh là có thể hạn chế…

Song song với nuôi bò, gia đình chị Lộc còn trồng gần 2 ha cỏ voi để có thể chủ động nguồn thức ăn. Vào vụ mùa chính, nguồn cỏ tiêu thụ không hết, anh chị bán cho Nhà máy sữa Vinamilk cũng thu được hàng chục triệu đồng. Chưa kể, mỗi năm còn sinh sản thêm 4, 5 con bê, giúp anh chị có từ 200 - 300 triệu đồng thu được từ bán bò giống cho bà con trong vùng.

Với những nguồn lợi nhuận không nhỏ đó, từ hai bàn tay trắng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lộc và anh Trần Ngọc Cường đã làm giàu khi cả hai chưa đến 40 tuổi. Nói ra điều này, chính anh Cường cũng thầm cảm ơn vợ bởi gần 20 năm chung sống, anh là chủ gia đình nhưng vào những lúc quan trọng nhất chị vẫn là người dám nghĩ, dám làm, dám quyết. Trước đây, khi mọi người đang quẩn quanh với cây ngô, cây lúa trên vườn, chị đã bàn với anh phải chú trọng vào chăn nuôi mới có thể cho thu nhập cao. Có những lúc anh chị đã đầu tư nuôi một lúc hàng chục con lợn, khi giá lợn xuống thấp, không còn lãi cao chị lại bàn với anh chuyển sang nuôi bò thịt và trực tiếp đi bán ở chợ. Một thời gian sau, anh chị lại chuyển sang nuôi bò sinh sản vì thu lời nhanh hơn. Chị cũng là người quyết định chuyển từ trồng cây cao su sang trồng cỏ để nhanh chóng có nguồn hàng cung cấp cho nhà máy sữa, quyết định mua máy cắt cỏ, máy vắt sữa, máy phát điện… Ngược lại, bất cứ quyết định về một vấn đề gì, chị cùng bàn bạc với anh cùng thảo luận để đưa ra phương án tốt nhất. Và lúc nào anh cũng hết lòng ủng hộ chị, khuyến khích chị... Vợ chồng đồng thuận, chung lưng đấu cật nên mọi việc thuận lợi trôi chảy...

Riêng về chuyện chăm sóc con cái thì anh chưa bao giờ phải lo lắng, bởi anh biết dù có bận bịu thế nào, dù có lợi nhuận cao ra sao thì chị vẫn sẵn sàng bỏ tất cả vì “con cái phải luôn luôn là hàng đầu”. Thế nên, từ nhà lên Thị xã Thái Hòa dẫu hơn 10 cây số, nhưng mưa hay nắng chị vẫn bền bỉ chở con lên trung tâm để theo thầy học vẽ. Qua bao nhiêu năm nỗ lực, cuối cùng chị cũng đã được đền đáp phần nào khi trong kỳ thi đại học năm 2013, cậu con trai đầu đã thi đỗ vào Trường Đại học Kiến trúc, con gái thứ hai đang học lớp 5, nhưng năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Câu tục ngữ “thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” rất đúng với gia đình anh Trần Ngọc Cường và chị Nguyễn Thị Lộc…

Bài, ảnh: Mỹ Hà

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
"Thuận vợ, thuận chồng..."
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO