Tiềm năng đầu tư phát triển du lịch ở Nam Đàn

29/04/2017 16:06

(Baonghean) - Đồng chí Đinh Xuân Quế - Phó Bí thư Huyện ủy Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn trả lời phỏng vấn báo Nghệ An.

Làng Hoàng Trù (Kim Liên, Nam Đàn) Ảnh: Sách Nguyễn
Làng Hoàng Trù (Kim Liên, Nam Đàn) Ảnh: Sách Nguyễn

P.V: Nam Đàn được xác định là điểm đến hấp dẫn, trung tâm du lịch văn hóa của cả tỉnh. Xin đồng chí cho biết quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nam Đàn giai đoạn 2015 - 2020?

Đồng chí Đinh Xuân Quế: Để khai thác tiềm năng du lịch, huyện quan tâm công tác quy hoạch, hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nam Đàn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 một cách đồng bộ, phù hợp với đặc điểm tài nguyên du lịch của huyện trong giai đoạn mới. Như vậy, du lịch Nam Đàn sẽ có 3 vùng trọng điểm:

Vùng Kim Liên - Đại Huệ: Hoạt động du lịch của vùng này chủ yếu là đón khách về thăm quê nội, quê ngoại Bác Hồ, khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, thăm đền Chung Sơn, đền Tướng quân Nguyễn Đắc Đài, chùa Đạt, chùa Đại Tuệ, các trang trại, vườn cây ăn quả, thưởng thức ẩm thực... Ở khu vực này tập trung quy hoạch bãi đỗ xe, dịch vụ như nhà hàng, đồ lưu niệm, khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của huyện tại các điểm di tích, các điểm dừng chân.

Vùng thị trấn Nam Đàn và các xã phụ cận: Bao gồm du lịch tham quan Khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu, đền Mai Hắc Đế và Thân mẫu của Ngài, Khu di tích Truông Bồn, Tháp Nhạn và đền Nhạn Tháp, chùa Viên Quang, du lịch sinh thái hồ Tràng Đen, đập Đá Hàn, thưởng thức ẩm thực... Ở khu vực này tập trung quy hoạch khu nhà nghỉ, khách sạn chất lượng cao, khu văn hóa ẩm thực, vui chơi giải trí, trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề, khu sinh thái nghỉ dưỡng...

Vùng Năm Nam: Tập trung tại các điểm như đập Hồ Thành, mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, thành Lục Niên, di tích lịch sử đình Giáp Đông, đền, lăng bà Chúa Lãng ở xã Nam Kim; đình Hoành Sơn ở xã Khánh Sơn; đình Trung Cần, Khu lưu niệm đồng chí Trần Quốc Hoàn, đồng chí Nguyễn Tiềm, một số nhà cổ của người dân ở xã Nam Trung, thưởng thức ẩm thực... Tại khu vực này tập trung quy hoạch khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của vùng núi Thiên Nhẫn và sông Lam, một số nhà hàng ẩm thực để phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, huyện tập trung quy hoạch xây dựng vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa, sản phẩm hàng hóa phục vụ khách du lịch.

Chùa Đại Tuệ ở xã Nam Anh (Nam Đàn).    Ảnh: Thành Cường
Chùa Đại Tuệ ở xã Nam Anh (Nam Đàn). Ảnh: Thành Cường

P.V: Để khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, thời gian qua Nam Đàn đã có những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư như thế nào?

Đồng chí Đinh Xuân Quế: Để đưa Nam Đàn trở thành một trung tâm du lịch của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ, hàng năm đón 2 - 2,5 triệu lượt khách, đến năm 2020 có từ 10 - 15% khách lưu trú tại địa bàn, thời gian qua, Nam Đàn đã có chủ trương ưu tiên, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, quảng bá để liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh nhằm đưa khách về tham quan du lịch tại huyện Nam Đàn. Huy động các nguồn lực, nguồn vốn từ nhiều nguồn khác nhau để phục dựng, trùng tu tôn tạo các di tích, trong đó có nhiều dự án được Trung ương, tỉnh đầu tư đã hoàn thành và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch như: Khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu, mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Dự án Bảo tồn và tôn tạo Khu Di tích Lịch sử Văn hoá Kim Liên gắn với phát triển du lịch... Huyện còn huy động nguồn vốn xã hội hoá để bảo tồn tôn tạo các di tích như: chùa Đại Tuệ, chùa Viên Quang, đền Vua Mai, đền thờ Tướng quân Nguyễn Đắc Đài. Ngoài ra, còn có 1 số dự án lớn đã và đang triển khai như đền thờ hai cụ thân sinh, anh, chị, em ruột của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, huyện Nam Đàn đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa. Ngoài các chính sách ưu đãi của tỉnh, huyện còn có thêm chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư như hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đồng thời hỗ trợ đào tạo lao động, hỗ trợ đổi mới công nghệ.... và nhiều chính sách hấp dẫn khác.

Khu lăng mộ Bà Hoàng Thị Loan - Thân mầu Bác Hồ. Ảnh: Sách Nguyễn
Khu lăng mộ Bà Hoàng Thị Loan - Thân mầu Bác Hồ. Ảnh: Sách Nguyễn

P.V:Với những ưu thế về tiềm năng, cùng với sự vào cuộc tích cực của tỉnh, của huyện trong “trải thảm đỏ” về chính sách cũng như cơ chế cho các nhà đầu tư, xin đồng chí cho biết định hướng của Nam Đàn thời gian tới trong thu hút đầu tư phát triển du lịch?

Đồng chí Đinh Xuân Quế: Giai đoạn 2015 – 2020, huyện tiếp tục huy động và khai thác có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Tranh thủ sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh, vận động xã hội hóa để tôn tạo, tu bổ khôi phục các di tích lịch sử văn hóa, chú trọng các di tích đã được xếp hạng, di tích có tầm ảnh hưởng lớn như: đền Vua Mai, Tháp Nhạn và Đền Nhạn Tháp, đình Hoành Sơn, đình Trung Cần và một số đền, chùa trên địa bàn... Tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức JICA Nhật Bản trong việc phát triển du lịch dựa vào sinh kế nhằm hình thành và phát triển tuyến du lịch cộng đồng. Xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho các vùng du lịch, đặc biệt là các vùng du lịch trọng điểm và các khu ẩm thực. Kêu gọi đầu tư xây dựng khách sạn có chất lượng cao để phục vụ nhu cầu của khách du lịch, phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện sẽ có 35 - 40 cơ sở lưu trú, trong đó có 3 - 5 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 2 sao trở lên. Có cơ chế đặc thù để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng Khu Văn hóa ẩm thực các dân tộc Nghệ An tại Kim Liên theo quy hoạch của UBND tỉnh, Khu ẩm thực tại vùng ven sông Lam các xã Vân Diên, Nam Hưng, Nam Nghĩa. Chỉ đạo thị trấn và các đơn vị có làng nghề truyền thống xây dựng gian hàng giới thiệu sản phẩm; kêu gọi xây dựng một số trung tâm thương mại, siêu thị nhỏ và vừa để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách... Tất cả hướng đến mục tiêu tạo thương hiệu “Du lịch Nam Đàn thân thiện, mến khách”, xứng đáng là trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh Nghệ An.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thanh Thủy

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tiềm năng đầu tư phát triển du lịch ở Nam Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO