Tiêu chí đặt tên đường, phố thị xã Thái Hòa
Căn cứ để xây dựng tiêu chí:
- Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
- Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hoá- Thông tin về Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
- Qui hoạch thành phố thị xã Thái Hòa đã được phê duyệt.
- Kinh nghiệm việc đặt, đổi tên đường, phố của một số thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... thực trạng hiện nay và quy hoạch trên địa bàn thị xã Thái Hòa.
I. Về tên danh nhân, sự kiện, địa danh lịch sử được xem xét, lựa chọn để đặt tên đường, phố:
1.Tên danh nhân:
- Là những danh nhân tiêu biểu, những nhân vật lịch sử, văn hoánổi tiếng, có đức, có tài, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, quê hương, có công lớn trên các lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá- nghệ thuật, y tế, giáo dục, quốc phòng an ninh, ngoại giao và các ngành khoa học khác, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc; được nhân dân suy tôn và thừa nhận.
- Những danh nhân ấy, nhân vật ấy đã được các thư tịch (sách lịch sử, sách từ điển nhân vật lịch sử của Quốc gia và Xứ Nghệ) ghi nhận và đã qua đời cách đây ít nhất là 5 năm.
- Ưu tiên danh nhân, nhân vật là người Nghệ An và thị xã Thái Hòa.
- Danh nhân nước ngoài phải là người có những đóng góp lớn hoặc có mối liên hệ đặc biệt với thành phố, với Nghệ An.
*. Chia thành các nhóm cụ thể như sau:
1.1, Danh nhân thuộc lĩnh vực chính trị, hoạt động xã hội: là những người giữ những vị trí trụ cột trong bộ máy nhà nước qua các thời kỳ lịch sử, có những đóng góp to lớn cho sự tồn vong và phát triển đất nước, là tấm gương sáng về đạo đức, được nhiều người ngưỡng mộ, biết đến.
Đối với danh nhân chính trị hoạt động ở Nghệ An: là những người đứng đầu tỉnh, thành phố qua các thời kỳ, ở những mốc thời gian có ý nghĩa, có những đóng góp to lớn, để lại những dấu ấn nổi bật trong quá trình hình thành và phát triển của thị xã Thái Hòa, của tỉnh Nghệ An; là tấm gương sáng về đạo đức, được nhiều người ngưỡng mộ, biết đến.
1.2, Danh nhân thuộc lĩnh vực Quân sự: là những Anh hùng dân tộc, những danh tướng, giữ những trọng trách quan trọng, những nhân vật có đóng góp nổi trội trong sự nghiệp bảo vệ và giải phóng dân tộc, các phong trào yêu nước trước 1945; hoặc là những anh hùng liệt sỹ được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND có thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong công cuộc bảo vệ đất nước hiện nay; là tấm gương sáng về đạo đức, được nhiều người ngưỡng mộ, biết đến.
1.3, Danh nhân thuộc lĩnh vực kinh tế: là những người có công chiêu dân khai canh lập làng, phát triển kinh tế, tổ sư các ngành nghề truyền thống nổi tiếng; những người có đóng góp nổi trội trên lĩnh vực kinh tế.
1.4, Danh nhân văn hoá: những nhà khoa bảng lớn có học hàm, học vị từ Phó bảng (trước 1945), hoặc PGS, Tiến sỹ khoa học (sau1945) trở lên; những nhà giáo, thầy thuốc, nghệ nhân, nghệ sỹ tiêu biểu... có nhiều cống hiến cho dân, cho nước, được nhiều người biết đến và tôn vinh;
Những nhà kiến trúc, hội hoạ, những nhà văn, nhà thơ... sáng tạo nên những công trình đặc sắc, để lại những tác phẩm đặc sắc về kiến trúc, hội hoạ, văn học, nghệ thuật; những nhà khoa học tiêu biểu có học hàm học vị, có những phát minh, cống hiến nổi bật trong các ngành khoa học được nhận các giải thưởng cao của quốc tế, quốc gia;
2. Tên những phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của đất nước, của Nghệ An.
3. Tên những địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xưa đến nay, đã đi sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt với thị xã Thái Hòa; tên các nghề, làng nghề truyền thống tiêu biểu; tên một số di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng.
4. Tên những danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hoá, xã hội.
II. Về đường, phố:
1. Những đường đã được xây dựng theo Qui hoạch đô thị của thị xã, được sử dụng ổn định, đặt tên đường cho 3 loại đường như sau:
- Đường có lòng đường rộng từ: 24 - 30m; chỉ giới đường đỏ từ 39 - 52m.
- Đường có lòng đường rộng: 15m; chỉ giới đường đỏ từ 27m.
- Đường có lòng đường rộng từ: 8 – 12; chỉ giới đường đỏ từ 16 - 24m.
2. Qui mô đường: rộng từ 8 m, dài từ 200m trở lên. Đường phải liên thông, có điểm đầu và điểm cuối.
3. Trường hợp đặc biệt không đủ kích thước về chiều rộng và chiều dài của đường sẽ do HĐTV xem xét cụ thể.
4. Đường đã được đặt tên nhưng quá dài, căn cứ vào điều kiện cụ thể, có thể phân ra từng đoạn để đặt tên cho hợp lý và khoa học hơn.
5. Những đoạn đường lệch trục nhiều hoặc bị cắt qua Đại lộ không có ngã tư, hoặc chưa thông tuyến tạo hiểu lầm về 2 đường cùng mang 1 tên danh nhân thì đặt tên mới.
III. Về nguyên tắc lựa chọn, sắp xếp:
1. Căn cứ vào qui mô của đường, phố để đặt tên cho xứng với tầm vóc của danh nhân, nhân vật, sự kiện, ý nghĩa của danh từ, địa danh.
- Tên sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hoặc danh nhân, nhân vật tiêu biểu nhất trong số những người tiêu biểu nhất có những đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc và của quê hương được đặt cho các đại lộ, các trục đường, phố chính ở khu trung tâm, tập trung đông dân cư. Qui mô đường rộng: từ 24m - 30m, chỉ giới đường đỏ từ 39 - 52m.
- Những sự kiện, danh từ, địa danh có ý nghĩa lớn; những danh nhân, nhân vật lớn, có tầm ảnh hưởng lớn, có những đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc và của quê hương được đặt tên cho những đường ở khu trung tâm có qui mô tương đối lớn: mặt đường rộng 15m, chỉ giới đường đỏ từ 27m.
- Những sự kiện, danh từ, địa danh có ý nghĩa tương đối lớn; những danh nhân, nhân vật có tầm ảnh hưởng tương đối lớn, có những đóng góp tương đối lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc và của quê hương có thể chọn đặt tên cho những đường có qui mô là: lòng đường rộng từ 8 - 12m, chỉ giới đường đỏ từ 16m - 24m.
2. Không đặt tên đường, phố bằng các tên gọi khác nhau của cùng một danh nhân trên địa bàn thị xã.
3. Tên sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hoặc danh nhân lớn nhưng qui mô đường chưa đủ tầm thì để dành cho đợt sau.
4. Sắp xếp theo nhóm loại hình, theo niên đại: những nhân vật có liên quan với nhau, có chung lĩnh vực hoạt động hoặc cùng thời đại thì tập trung ở một khu vực.
5. Ưu tiên đặt tên danh nhân cho đường trên địa bàn nơi sinh ra danh nhân đó hoặc có liên quan đến danh nhân đó.
6. Hạn chế việc thay đổi tên đường, trừ trường hợp thật cần thiết để tránh gây phiền phức, tốn kém về kinh phí của Nhà nước và của nhân dân.
CTHĐTV đặt, đổi tên đường phố thị xã Thái Hòa
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Nguyễn Công Nhuần