Tiêu chí nào để chọn HLV cho Sông Lam Nghệ An?
(Baonghean.vn) - Huấn luyện viên bóng cho CLB SLNA đã nhiều năm nay đang là mối quan tâm của người hâm mộ trong cả tỉnh, bởi vai trò này là tổng tư lệnh, là linh hồn của một đội bóng.
Việc tìm kiếm để chọn HLV như thế nào cần có bộ tiêu chí dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn, chứ không phải trên cảm tính của một số người.
“Không thầy đố mày làm nên”, đó là cách nói trong dân gian từ xưa tới nay. Trên thực tế câu nói ấy đã được đúc kết từ thực tiễn qua bao năm tháng. Trong giáo dục là vậy, trong thể thao cũng không phải là ngoại lệ.
Phòng ngự - phản công là lối đá truyền thống của đội bóng. Ảnh: Đức Anh |
Hãy nhìn vào thực tiễn trong những năm gần đây, dưới góc độ đội tuyển Quốc gia, nhiều huấn luyện viên đã được LĐBĐVN mời vào chiếc ghế nóng Huấn luyện viên trưởng, nhưng giấc mơ Vô địch Đông Nam Á vẫn là giấc mơ.
Sau thất bại của HLV Hữu Thắng, cũng những vận động viên nội ấy, nhưng chỉ vài tháng sau, ông thầy Hàn Quốc Pack Hang-seo dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam đạt được những thành tích làm cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam hả lòng hả dạ. Mới đây thôi, đội bóng Hoàng Anh - Gia Lai đang ở tận đáy bảng, khi thay người cầm lái, HLV Kiatisak đã đưa đội ấy vượt qua vùng nguy hiểm để vươn lên nhóm trên, bằng hàng loạt trận thắng liên tiếp.
Nói vậy để chúng ta thấy, người huấn luyện viên trường đội bóng có vai trò, tầm quan trọng như thế nào, nhất là lúc này SLNA đang tại vị chót bảng ở vòng đấu lượt đi của giải vô địch năm 2021.
HLV Nguyễn Đức Thắng có uy tín với các cầu thủ SLNA. Ảnh: Đức Anh |
SLNA đang trải qua một cuộc cải tổ toàn diện, các vấn đề khác đang diễn ra tuần tự. Tuy nhiên, chiếc ghế nóng đang được dư luận quan tâm, đó cũng là điều dĩ nhiên, vì tầm quan trọng vai trò của nó. Là người đã trải qua bao năm tháng cùng thể thao Nghệ An với các cương vị khác nhau, đã từng làm huấn luyện viên trưởng không dưới chục năm, công tác quản lý, lựa chọn huấn luyện viên cho các môn thể thao tỉnh nhà trong đó có bóng đá. Với mong muốn và bằng kinh nghiệm của mình, trên cơ sở thực tiễn khoa học, tôi xin nêu một số suy nghĩ dưới đây, đặng giúp ý kiến để tham khảo, những mong SLNA lấy lại “niềm tự hào của người dân xứ Nghệ”.
1. Tình hình SLNA hiện nay, việc tìm Huấn luyện viên trưởng đang là vấn đề cấp thiết. Bởi người thầy này đóng vai trò là tổng tư lệnh, là nhà chiến thuật, chiến lược, là nhà tâm lý. Họ không những là người thầy mà là người cha, người anh và hơn thế nữa là người bạn luôn tận tụy, giúp đỡ cho cầu thủ trong mọi hoạt động đời thường.
Trên cơ sở ấy, thầy và trò toàn tâm, toàn ý hết mình cống hiến vì mục đích là chiến thắng vì danh dự và màu cờ sắc áo của quê hương, mà đoàn kết, quyết tâm đem vinh quang về cho tỉnh, thỏa lòng mong muốn của người hâm mộ.
HLV Nguyễn Huy Hoàng. Ảnh: Đức Anh |
2. Để tìm, chọn được người Huấn luyện viên trưởng giỏi cho đội bóng, chúng ta cần có những tiêu chí để qua đó đánh giá năng lực, trình độ của mỗi HLV. Lâu nay thường thì người ta chỉ xem người ấy có thành tích ra sao và bằng cấp của họ có đạt tiêu chuẩn mà LĐBĐVN đặt ra không. Theo tôi như thế là chưa đủ, bởi còn những yếu tố liên quan cần được xem xét một cách toàn diện đối với một huấn luyện viên bóng đá giỏi. Để có đầy đủ thực tiễn và khoa học trong cách đánh giá thật khách quan, trên cơ sở ấy chọn được người HLV đủ năng lực gánh vác trọng trách nặng nề hiện nay là đưa đội SLNA giữ hạng. Với suy nghĩ ấy, tôi xin nêu 4 tiêu chí để lựa chọn HLV bóng đá sau đây:
Kết quả công tác: Tục ngữ có câu: “Trăm nghe không bằng một thấy”, kết quả công tác (hiệu quả công tác) là thước đo về trình độ, năng lực đối với một HLV.
Khi xem xét để chọn HLV điểm dễ thấy và thu hút người chọn đó là thành tích cầm quân của người đó ra sao, đạt được danh hiệu gì, giải nào. Bề dày của người huấn luyện viên ấy đã từng trải qua hay chưa? Đó là tiêu chuẩn cơ bản nhất không thể bỏ qua khi chọn HLV. Tiêu chí này không thể thiếu, bởi triết học đã chỉ rõ: “Thực tiễn là cơ sở của nhận thức, là tiêu chuẩn của chân lý”.
HLV Văn Sỹ Sơn. Ảnh: FBNV |
Bằng cấp chuyên môn: Đó là trình độ, khả năng, là thước đo chuyên môn đối với một HLV. Ở môn nào người thầy cũng phải có trình độ giỏi của môn ấy. Vậy nên HLV thường xuất phát từ vận động viên có đẳng cấp của môn thể thao đó. Trên thực tế sau khi nghỉ thi đấu, vận động viên đều được bồi dưỡng để trở thành HLV. Hiện nay, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quy định muốn làm HLV trưởng các đội bóng chuyên nghiệp phải có trình độ bằng A do AFC cấp theo tiêu chuẩn của FIFA. Theo tôi, ngoài tiêu chuẩn bằng A về huấn luyện bóng đá, người thầy ấy cần có bằng Đại học TDTT. Vì học Đại học TDTT, ở đó được trang bị đầy đủ kiến thức khoa học về tâm, sinh lý, phương pháp huấn luyện, kế hoạch huấn luyện, phương pháp tuyển chọn VĐV, quản lý thể thao… giúp cho HLV trưởng có đầy đủ kiến thức cần thiết phục vụ cho công tác huấn luyện, quản lý VĐV.
SLNA lại gục ngã tại Lạch Tray. Ảnh: VPF |
Thời gian công tác: Huấn luyện viên cũng là người thầy, nhà sư phạm. Vì vậy, càng giảng dạy, huấn luyện lâu năm, càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt là trong huấn luyện, chỉ đạo thi đấu bóng đá. Trải qua thi đấu nhiều trận, nhiều giải, gặp nhiều đối tượng, tình huống khác nhau diễn ra trong một trận đấu, trong một giải đấu, sẽ giúp cho người HLV đúc rút ngày càng nhiều kinh nghiệm để họ khắc phục, xử lý mỗi khi tình huống đột xuất xảy ra. Trong đó bài học thất bại, sai lầm trong chuyên môn, bố trí đội hình, thay người là cực kỳ quan trọng. Ngày này qua ngày khác, trận này qua trận khác họ sẽ có đầy đủ kinh nghiệm để khắc phục xử lý ngay, chuẩn xác mỗi khi có tình huống xảy ra.
Chúng ta còn nhớ tình huống của đội tuyển bóng đá Việt Nam, trong khi hậu vệ bị chấn thương đưa ra ngoài để chăm sóc; do thiếu kinh nghiệm không điều cầu thủ trám vào chỗ trống ấy nên đối phương đã nhanh chóng tận dụng thời cơ, khoét sâu đi bóng qua đó ghi bàn thắng. Nếu là huấn luyện viên lâu năm bằng kinh nghiệm của mình chắc chắn sẽ không mắc sai lầm chết người ấy.
Các cầu thủ trẻ SLNA "lực bất tòng tâm". Ảnh tư liệu: Kỷ Luật |
Mật độ công tác: Đây là thời gian, sức lực và kinh nghiệm bỏ ra của một huấn luyện viên. Đối với một huấn luyện viên A, thời gian huấn luyện 1 năm liên tục nhất định sẽ được đánh giá cao hơn đối với huấn luyện viên B mỗi năm chỉ làm việc có 6 tháng. Như vậy, mật độ công tác nhiều hơn sẽ được đánh giá cao hơn. Bởi họ bỏ ra công sức lớn hơn và càng huấn luyện lại càng có thêm nhiều kinh nghiệm quý giá hơn.
Trên đây là những tiêu chí có tính khoa học, thực tiễn, để sử dụng đánh giá năng lực, trình độ của huấn luyện viên thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Mỗi tiêu chí dùng để đánh giá so sánh từng mặt, tuy nhiên nó có mối quan hệ hữu cơ, logic với nhau đối với một huấn luyện viên bóng đá.
Thiết nghĩ, với những tiêu chí nêu trên sẽ giúp các nhà quản lý thể thao tham khảo, nhất là với CLB SLNA trong giai đoạn tìm kiếm HLV trưởng cho đội bóng tỉnh nhà. Có VĐV giỏi phải có người thầy giỏi mới đưa bóng đá tỉnh nhà ngày càng vươn lên đáp ứng với lòng mong muốn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.