Tiểu thương chợ truyền thống Nghệ An 'dọn hàng' lên Facebook

Thanh Phúc 19/09/2021 16:33

(Baonghean.vn) - Nhằm giữ chân khách, tăng sức mua, nhất là trong thời điểm dịch bệnh kéo dài, các tiểu thương ở chợ truyền thống Nghệ An đã dần thay đổi tư duy, tiếp cận cách bán hàng online.

Vừa bán hàng trực tiếp ở chợ, chị Lê Thị Hương vừa bán hàng online qua Facebook, Zalo các mặt hàng rau, củ, quả... Ảnh: Thanh Phúc
Vừa bán hàng trực tiếp ở chợ, chị Lê Thị Hương vừa bán hàng online qua Facebook, Zalo các mặt hàng rau, củ, quả... Ảnh: Thanh Phúc

Kinh doanh rau, củ, quả và đồ muối sẵn (dưa, cà…) tại chợ hàng chục năm nay, vợ chồng chị Lê Thị Hương cho biết, càng ngày, bán hàng tại chợ càng khó khăn khi phải cạnh tranh với các cửa hàng tiện lợi, siêu thị… Và đặc biệt, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân ngại đi chợ nên càng ế ẩm. “Doanh thu mùa dịch giảm đến 70%, chợ vắng nên không có người mua”, chị Hương cho biết.

Với chị Hương, trong thời gian thành phố có lệnh đóng cửa chợ dân sinh lại mở ra cơ hội mới, giúp chị tiếp cận với việc bán hàng online. “Những ngày ở yên trong nhà, để mua lương thực, thực phẩm tôi phải đặt mua qua Zalo, qua Facebook của các siêu thị, cửa hàng. Từ đó, tôi nghĩ, mình mua hàng qua mạng được thì cũng tập bán hàng qua mạng. Rồi tôi đăng thử các mặt hàng mình bán như: rau, củ, quả các loại, dưa, cà, sung muối… lên Zalo, Facebook cá nhân. Không ngờ, rất nhiều người đặt mua, khách hàng chủ yếu là người quen, người trong tổ dân cư, trong xóm, xã nên việc đưa hàng cũng tiện lợi”.

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, các tiểu thương quay trực tiếp, chụp ảnh, rao bán các mặt hàng trên mạng xã hội, Ảnh: Thanh Phúc
Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, các tiểu thương quay trực tiếp, chụp ảnh, rao bán các mặt hàng trên mạng xã hội. Ảnh: Thanh Phúc

Còn khá trẻ nên anh Nguyễn Ngọc Điệp, tiểu thương kinh doanh thịt bò ở chợ Cọi (Hưng Lộc) cho biết, hiện nay, người dân ngại đi chợ nên để tăng sức bán, anh đã tham gia vào các hội chợ online, nhất là những nhóm hội gần khu vực anh ở, đăng bán hàng trên đó.

Hàng ngày, sau khi soạn hàng ở chợ, anh Điệp lại "dọn hàng" lên Facebook cá nhân, các hội nhóm kinh doanh bằng cách quay video, chụp ảnh thịt bò các loại kèm giá cụ thể để khách hàng lựa chọn. Nhờ đó, ngoài giữ được các mối khách quen, mở rộng lượng khách mới và có doanh thu ổn định như trước.

Công việc mỗi ngày của anh Điệp, ngoài bán tại chợ thì anh còn livestream, chốt đơn cho khách đặt online. Nhờ đó, anh duy trì lượng khách quen và tiếp cận thêm khách mới. Ảnh: Thanh Phúc
Công việc mỗi ngày của anh Điệp, ngoài bán tại chợ thì anh còn livestream, chốt đơn cho khách đặt online. Nhờ đó, anh duy trì lượng khách quen và tiếp cận thêm khách mới. Ảnh: Thanh Phúc

Hiện nay, hầu hết các phường xã ở thành phố Vinh đều có các Fanpage các hội nhóm kinh doanh online của địa bàn mình, thu hút rất đông tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống vào tham gia bán hàng, người mua chủ yếu là người dân trong khu vực của phường, xã đó. Và mỗi ngành hàng khác nhau lại có những trang Fanpage khác nhau: Hội mua bán lúa, gạo; Hội kinh doanh trứng, thịt gia cầm; Chợ thực phẩm online…

Hiện nay, rất nhiều fanpage hội nhóm kinh doanh online thuộc địa bàn phường, xã, tạo điều kiện cho tiểu thương chợ truyền thống và người dân khu vực tham gia mua - bán. Ảnh: Thanh Phúc
Hiện nay, rất nhiều Fanpage hội nhóm kinh doanh online thuộc địa bàn phường, xã, tạo điều kiện cho tiểu thương chợ truyền thống và người dân khu vực tham gia mua - bán. Ảnh: Thanh Phúc

Chị Hồ Mỹ Anh, một người dân ở xã Nghi Phú cho biết: “Tham gia vào nhóm chợ online xã Nghi Phú, hàng ngày, thay vì phải ra chợ mua hàng, tôi truy cập vào nhóm, hàng được giao tận nơi, tiền thì chuyển khoản. Người bán chủ yếu là người mình thường xuyên mua ở chợ, đã quen thân nên cũng không lo ngại về chất lượng, nguồn gốc, rất tiện lợi, ở trong khu vực nên đỡ phí ship”.

Nếu như trước đây, hầu hết các tiểu thương chợ truyền thống đều quen với kiểu bán hàng “tiền trao cháo múc” nên rất ngại lập tài khoản ngân hàng, với việc thanh toán chuyển khoản. Vì phần lớn những người tham gia bán hàng tại chợ đều lớn tuổi “ngại công nghệ”. Nhưng giờ đây, ngoài việc dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến kinh doanh thì chợ truyền thống còn phải chịu áp lực lớn khi phải cạnh tranh với các hình thức bán hàng hiện đại như siêu thị, trung tâm thuơng mại, các cửa hàng tiện lợi… Do đó, tiểu thương buộc phải thay đổi suy nghĩ, tiếp cận cách bán hàng qua các ứng dụng mạng xã hội như Zalo hay Facebook… để giữ chân khách, duy trì doanh thu, lợi nhuận.

Ngoài tác động của dịch bệnh, hiện nay, chợ truyền thống còn phải cạnh tranh với các cửa hàng bán lẻ hiện đại nên ngày càng thưa vắng khách, kinh doanh ế ẩm, buộc tiểu thương phải thay đổi và thích nghi. Ảnh: Thanh Phúc
Ngoài tác động của dịch bệnh, hiện nay, chợ truyền thống còn phải cạnh tranh với các cửa hàng bán lẻ hiện đại nên ngày càng thưa vắng khách, kinh doanh ế ẩm, buộc tiểu thương phải thay đổi và thích nghi. Ảnh: Thanh Phúc

Không chỉ ở thành phố, hiện hình thức kinh doanh online này bắt đầu manh nha tại các chợ dân sinh khác trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua các nhóm hội mua bán online, các tiểu thương đã tìm cách kết nối giao thương, trao đổi hàng hóa qua Facebook, zalo.

"Đổi mới cách thức bán hàng tại chợ truyền thông là điều không dễ. Tuy nhiên, trước tình hình này, các tiểu thương phải tự thích nghi, chuyển đổi để thu hút khách hàng, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng và giá cả. Hiện, nhiều tiểu thương đã ứng dụng công nghệ thông tin vào bán hàng qua mạng, bán hàng online trên các trang mạng xã hội và bước đầu cũng cho kết quả khả quan.

Tuy nhiên, để phát triển và tạo thành một kênh bán hàng hiệu quả thì cần thời gian, còn rất nhiều việc phải làm...”.

Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An

Mới nhất
x
Tiểu thương chợ truyền thống Nghệ An 'dọn hàng' lên Facebook
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO