Tỉnh cần có thái độ quyết liệt hơn đối với các dự án chậm triển khai

Mai Hoa 11/12/2020 18:04

(Baonghean.vn) - Thảo luận tại tổ 1, một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất là tỉnh cần có thái độ quyết liệt đối với các dự án chậm triển khai và quan tâm ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho các vùng trọng điểm.

Tại tổ 1 gồm các đại biểu HĐND thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò. Tham gia tại tổ 1 có đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phan Đức Đồng - Bí thư Thành ủy Vinh và Nguyễn Thị Kim Chi - Bí thư Thị ủy Cửa Lò. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long; đại diện một số sở, ban, ngành cấp tỉnh. Ảnh: Thành Cường

Nhiều dự án chậm triển khai

Thảo luận tại tổ, các đại biểu đánh giá cao vai trò chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành trong năm 2020. Mặc dù đây là năm có nhiều biến động tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 4,45%, đứng thứ 19 trong cả nước và thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng nêu nhiều băn khoăn liên quan đến những bất cập, khó khăn, vướng mắc. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi (thị xã Cửa Lò) cho rằng, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang có một “làn sóng” đầu tư mới với nhiều dự án mang tính động lực, đột phá về thu ngân sách cho tỉnh; song tâm tư, nguyện vọng của nhiều cử tri gửi gắm là tỉnh cần quan tâm đến sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ kinh doanh cá thể.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi (thị xã Cửa Lò) kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: Thành Cường
Bởi vai trò, vị trí của các thành phần kinh tế này trong nền kinh tế rất quan trọng, nhất là trong việc khai thác, phát huy các lợi thế, sản phẩm của mỗi địa phương và đặc biệt khi xuất khẩu bị “đóng băng” như thời gian qua. Quan tâm ở đây là về mặt chủ trương, đường lối; về cơ chế chính sách; về chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi phản ánh về những bất cập trong đầu tư ở thị xã Cửa Lò. Clip: Thành Cường

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi cũng cho rằng, năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp và nặng nề đến kinh tế du lịch và bước sang năm 2021, việc kiểm soát dịch bệnh chưa cho thấy sự khả quan, đồng nghĩa với việc kinh tế du lịch tiếp tục bị tác động. Vì vậy, xu hướng phát triển du lịch nội địa cần được quan tâm đẩy mạnh.

Tuy nhiên, thực trạng hạ tầng du lịch, chỉnh trang đô thị của thị xã Cửa Lò đang yếu kém, vì vậy, đề nghị tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng của thị xã Cửa Lò. Song song với đó là cần quyết liệt trong xử lý các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai, bởi thực tế ở thị xã có nhiều dự án đã chấp thuận đầu tư nhiều năm nhưng không triển khai, gây ra sự trì trệ trong phát triển của thị xã.

Đại biểu Cao Tiến Trung phát biểu tại phiên thảo luận Ảnh: Thành Cường

Cũng quan tâm đến dự án chậm tiến độ, đại biểu Cao Tiến Trung (thành phố Vinh) nêu: Nhiều năm qua, kỳ tiếp xúc cử tri nào cũng ghi nhận phản ánh các dự án được chấp thuận đầu tư 10 - 15 năm nhưng không triển khai, vừa gây lãng phí tài nguyên đất, vừa làm mất cơ hội đầu tư cho nhiều nhà đầu tư khác. Bởi vậy, UBND tỉnh cần tiếp tục rà soát để chấm dứt đối với các dự án không triển khai để chuyển cho nhà đầu tư khác hoặc xóa bỏ quy hoạch.

Liên quan đến dự án chậm tiến độ, đại biểu Lê Tiến Trị (Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam) phản ánh, hiện trong Khu kinh tế Đông Nam có 17 dự án chậm tiến độ và đề nghị UBND tỉnh, các ngành có liên quan cần đánh giá khách quan các dự án để thu hồi, chấm dứt đầu tư theo quy định.

Đại biểu Lê Tiến Trị (Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam) phản ánh, hiện trong Khu kinh tế Đông Nam có 17 dự án chậm tiến độ. Ảnh: Thành Cường

Giải trình vấn đề dự án chậm tiến độ, đại biểu Nguyễn Thị Giang - Phó trưởng phòng Tổng hợp, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, thời gian qua, tỉnh đã rất nỗ lực cho công tác này. Minh chứng là trong giai đoạn 2016- 2020, tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra 454 dự án (số lượng dự án được kiểm tra gấp 2,18 lần số dự án kiểm tra trong giai đoạn 2011-2015); trong số đó, có tới 56,6% dự án đã được giao đất, cho thuê đất. Và số dự án thu hồi chiếm gần 32% tổng số lượng dự án được kiểm tra.

Nghệ An cũng là tỉnh đầu tiên ban hành quy chế phối hợp kiểm tra xử lý dự án chậm tiến độ trong cả nước tại Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm chưa được rà soát kiểm tra. Nguyên nhân do việc rà soát, tổng hợp thông tin, dữ liệu các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn; nhất là các dự án được chấp thuận trước Luật Đầu tư năm 2014 - thời điểm này nhiều dự án không phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư; mặt khác mỗi dự án phải thực hiện 10 nhóm thủ tục tại các sở, ban, ngành liên quan.

Trong thời gian tới, thực hiện Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xử lý quyết liệt hơn nữa các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai.

Cần có cơ chế đặc thù cho các vùng trọng điểm

Ngoài vấn đề nêu trên, một số đại biểu tại tổ 1 cũng đề xuất tỉnh cần có cơ chế chính sách đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh; khi thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò phát triển sẽ tạo động lực phát triển chung cho tỉnh.

Đưa vấn đề ảnh hưởng dịch Covid-19 liên quan đến thiếu hụt thu một số khoản thu ngân sách so với dự toán cả năm 2020, đại biểu HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh có phương án giải quyết bù hụt thu, đáp ứng các nguồn chi từ ngân sách.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Trường Giang tham gia thảo luận tại tổ 1. Ảnh: Thành Cường

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo đôn đốc việc thực hiện các quyết định, kết luận sau thanh tra, kiểm tra, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật hành chính được thực hiện nghiêm, nhất là thực hiện đầy đủ các nội dung kết luận sau thanh tra toàn diện các dự án đô thị, chung cư vừa qua, đảm bảo quyền lợi cho người dân và đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị văn minh, hiện đại của thành phố Vinh.

Một vấn đề nữa cũng được đại biểu HĐND tỉnh đề xuất UBND tỉnh cần có phương án cụ thể trong việc sử dụng cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa - thể thao ở các đơn vị hành chính cấp xã và khối, xóm, bản thực hiện sáp nhập; quan tâm có các giải pháp hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và tệ nạn sử dụng ma túy; các hành vi trái pháp luật như hoạt động đa cấp, tín dụng “đen”, ”xã hội đen”; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định mới của Chính phủ về việc đốt pháo hoa, tránh hiểu và làm sai quy định...

Tỉnh cần có thái độ quyết liệt hơn đối với các dự án chậm triển khai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO