Tinh thần dấn thân của những nhà báo với tâm nguyện để cuộc sống tốt đẹp hơn

Thành Chung 21/06/2022 10:30

(Baonghean.vn) - Trong Giải Báo chí Nghệ An năm 2021, Báo Nghệ An có 2 tác phẩm đạt giải Nhất, đó là ghi chép “Sáng tinh thần đoàn kết, quyết tâm chiến thắng đại dịch” và phóng sự “Dược liệu Pù Mát và khát vọng của Phan Văn Diện”… Cả 2 tác phẩm là câu chuyện kể về tinh thần, ý chí, quyết tâm và nỗ lực của những con người vượt lên khó khăn, nghịch cảnh để xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Nhân lên những màu xanh

Trong làn sóng dịch Covid-19, thực hiện nhiệm vụ của tòa soạn giao phó, các phóng viên Báo Nghệ An đã liên tục bám sát với từng điểm nóng của dịch để đưa tin, phản ánh kịp thời về tình hình dịch bệnh, cuộc sống người dân trong vùng dịch và các giải pháp, bài học kinh nghiệm phòng, chống dịch.

Các phóng viên ở Nghệ An tác nghiệp tại Cảng Hàng không Quốc tế Vinh. Ảnh: Thành Chung

Phóng viên Nguyễn Thành Cường (Phòng Thời sự - Chính trị, Báo Nghệ An) kể về câu chuyện tác nghiệp thời kỳ dịch: Những ngày tác nghiệp chống dịch, đảm bảo an toàn cho bản thân, cơ quan và cộng đồng, phóng viên theo dịch cũng đã gần như phải “cách ly”. Cơ quan Báo Nghệ An đã tạo điều kiện bố trí riêng một phòng đầy đủ tiện nghi, nằm ở một tầng riêng biệt để dành cho phóng viên mỗi khi đi tác nghiệp phòng, chống dịch về lại vào đây để sinh hoạt… Bất cứ ở đâu, khu vực nào có ca nhiễm cộng đồng mới, phóng viên Báo Nghệ An lại có mặt.

“Xác định những nguy cơ bản thân cũng có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào, khi tác nghiệp ở điểm nóng của dịch, mỗi phóng viên cũng phải mặc đầy đủ trang phục bảo hộ như nhân viên y tế. Việc test xét nghiệm diễn ra thường xuyên… về cơ bản, trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, những phóng viên đưa tin, phản ánh về dịch đều phải chấp nhận sống “xa gia đình”, tránh gặp gỡ những người thân quen” - phóng viên Nguyễn Thành Cường chia sẻ.

Trong số các công dân từ Nhật Bản trở về có 4 người nhiễm Covid-19. Ảnh: Thành Chung

Bây giờ dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế, cuộc sống dần trở lại bình thường, song những ngày chống dịch vẫn là nỗi “ám ảnh” khôn nguôi. Những phóng viên Báo Nghệ An đưa tin về dịch Covid-19 vẫn nhớ rất rõ: Nếu tính ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở tỉnh thì phải kể về chuyến bay mang số VJ7835 chở 224 hành khách từ sân bay Narita (Nhật Bản) nhập cảnh về Cảng Hàng không Quốc tế Vinh vào tối 14/4/2021. Các hành khách này sau khi về cách ly tại huyện Con Cuông thì phát hiện 4 ca mắc Covid-19. Còn ca nhiễm cộng đồng đầu tiên là ca nhiễm ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai vào ngày 5/5/2021… Sau ca nhiễm cộng đồng này, Nghệ An đã có hơn 1 tháng bình yên. Thế nhưng rồi, bắt đầu từ ngày 13/6/2021, các ca nhiễm liên tục xuất hiện ở địa phương.

Phải nói rằng, đó là những ngày “đen tối”. Lúc này, ở tỉnh Nghệ An, số người được tiêm 1-2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 là rất ít. Nguy cơ dịch đến từ nhiều phía. Ở tỉnh, dẫu đã chuẩn bị đầy đủ các phương án chống dịch, song khi thực tế dịch xảy ra thì vẫn có rất nhiều điều thiếu hụt. Tỉnh Nghệ An bắt buộc phải áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế... đối với từng địa phương có dịch theo các mức độ khác nhau. Sản xuất đình trệ, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Phóng viên Thành Cường tác nghiệp tại khu cách ly y tế tập trung của tỉnh. Ảnh: Thành Chung

Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể mang màu “xám”, vẫn thấy rất nhiều mảng màu tươi sáng, lạc quan và đầy hy vọng. Trước bao khó khăn, thách thức, cả nước nói chung và Đảng bộ, nhân dân tỉnh Nghệ An đã chung sức, đồng lòng từng bước khống chế, dập dịch. Có rất nhiều gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay trong chống dịch, vượt lên khó khăn… Những mảng màu tươi sáng đó đã là niềm tin quyết thắng, giúp cho tất cả mọi người vững tâm quyết chiến thắng dịch bệnh.

Phóng viên Bùi Công Kiên (Phòng Văn xã, Báo Nghệ An) - một trong những phóng viên đưa tin về dịch Covid-19 của Báo Nghệ An tâm sự: “Phóng viên Báo Nghệ An đã đi rất nhiều nơi. Từ theo chân các đội lấy mẫu của ngành Y tế sang Hà Tĩnh, về Diễn Châu, thành phố Vinh; theo chân các cán bộ, chiến sĩ công an truy vết; vào cơ sở cách ly cùng các cán bộ, chiến sĩ quân đội; theo chân đoàn thiện nguyện vận chuyển lương thực trong khu vực phong tỏa… Được đi nhiều, chứng kiến nhiều, chúng tôi muốn kể lại những điều “mắt thấy, tai nghe” qua ghi chép “Sáng tinh thần đoàn kết, quyết tâm chiến thắng đại dịch” đăng trên Báo Nghệ An”.

Phóng viên Ngô Nhật Lân đi vào tác nghiệp tại khu cách ly y tế tập trung của tỉnh. Ảnh: Thành Cường

Ghi chép này là những câu chuyện kể về tinh thần yêu nước lại tỏa sáng trong từng hành động của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân. Ở đó, cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng đều vào cuộc, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ, Quân đội, Công an ngày đêm làm việc quên mình chống “giặc Covid-19”, bảo vệ cuộc sống bình an cho nhân dân.

Mỗi người Nghệ An đều đứng lên đánh “giặc Covid-19”; luôn có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và cộng đồng; chấp hành nghiêm quy định, tích cực tuyên truyền phòng, chống Covid-19; đoàn kết chung sức cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo thế trận lòng dân chiến thắng đại dịch. Ghi chép cũng nêu rõ về tinh thần chia sẻ vật chất, nhường cơm, sẻ áo, giúp đỡ khó khăn trong đại dịch trở thành phong trào rộng lớn trong toàn dân. Mọi người đều tin tưởng, dù phải đối mặt với nhiều gian khổ, hy sinh nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đồng lòng của Nhân dân, “cuộc chiến với Covid-19” sẽ thắng lợi…

Vì ngày mai phát triển

Phóng viên Nhật Lân tại chốt biên giới Nậm Cắn. Ảnh: Thành Cường

Nếu như ghi chép “Sáng tinh thần đoàn kết, quyết tâm chiến thắng đại dịch”, những phóng viên Báo Nghệ An muốn nói về những mảng màu xanh tin yêu của “phong trào thi đua chống giặc Covid-19”; thì phóng sự “Dược liệu Pù Mát và khát vọng của Phan Văn Diện” lại là một câu chuyện kể rất cụ thể của một con người, một vùng đất vẫn đang ngày đêm khát vọng phát triển. Nghệ An đang là tỉnh nghèo, rất cần những con người dám nghĩ, dám làm như Phan Văn Diện để vươn lên.

Phóng viên Ngô Nhật Lân (Phòng Bạn đọc và Pháp luật, Báo Nghệ An) đã kể về câu chuyện viết nên phóng sự của mình: “Nhân vật của bài viết là anh Phan Xuân Diện. Bản thân tôi biết Diện cách đây khoảng gần 10 năm. Lúc này, Phan Văn Diện đang là Chánh Văn phòng Nông thôn mới huyện Con Cuông, thường dẫn dắt các tri thức trẻ về các xã như Đôn Phục, Mậu Đức, Cam Lâm thực hiện mô hình kinh tế. Đến năm 2017, các tri thức trẻ không còn việc làm thì tôi đã đi tìm hiểu đời sống các bạn này, được biết, Diện lại đang dẫn dắt các tri thức trẻ thực hiện dự án dược liệu trồng cà gai leo. Ở thời điểm đó, tôi có chụp 1 chùm ảnh đăng trên báo Nghệ An. Đó có lẽ là bài báo đầu tiên mà công chúng được biết đến Phan Xuân Diện”.


Sau này, khi Phan Xuân Diện có những thành công với dự án khi có một số sản phẩm dược liệu đạt chuẩn OCOP 4 sao. Thì lúc này, đã có nhiều phóng viên viết về Diện. Năm 2021, phóng viên Ngô Nhật Lân được Tòa soạn Báo Nghệ An giao nhiệm vụ viết về một số chân dung khởi nghiệp thì anh đã viết về Phan Xuân Diện. Với sự từng trải, góc nhìn riêng, phóng viên Ngô Nhật Lân đã nhìn thấy ở nhân vật của mình một số điểm khác biệt mà các tác giả khác chưa khai thác hết…

Phóng viên Ngô Nhật Lân cho hay: “Như nhiều bài báo khác đã nêu, Phan Xuân Diện khi đang là một Phó trưởng phòng Nông nghiệp đã rời cơ quan Nhà nước để làm dự án. Đó là một điểm đặc biệt. Nhưng tôi còn thấy một điểm đặc biệt hơn, đó là mặc dù Diện đã rời cơ quan Nhà nước nhưng sự gắn kết của anh với cơ quan cũ vẫn rất mật thiết. Diện là người có năng lực, ý chí, bản lĩnh và đặc biệt hơn nữa là anh trung thành với tâm nguyện của mình ngay từ đầu. Khi tỉnh có đề án phát triển dược liệu lớn cho vùng cao, thì huyện Con Cuông đã bám đề án của tỉnh để xây dựng riêng cho mình mà Diện là người chấp bút. Diện đã làm rất tốt những gì mà tỉnh, huyện và bản thân anh đã viết ra. Phát triển dược liệu trên địa bàn miền Tây không chỉ là câu chuyện riêng là tạo thương hiệu, lợi ích cho cá nhân mà còn hướng đến việc tạo việc làm cho người dân. Trong quá trình phát triển từ năm 2018 đến nay, Phan Xuân Diện đã có những thành công nhất định và bà con nhân dân là người thụ hưởng thành công đó. Đến nay ở thời điểm này, Diện vẫn còn rất vất vả và sự vất vả đó càng làm rõ hơn điều đáng quý nơi anh”.

Trao giải Nhất cho các tác giả đạt Giải Báo chí Nghệ An năm 2021. Ảnh: Đức Anh

Phóng viên Ngô Nhật Lân nhớ lại: “Ngày Phan Xuân Diện rời cơ quan Nhà nước, anh có hỏi ý kiến tôi. Tôi đã khuyên Diện đừng rời bởi ra ngoài lập nghiệp rất chông chênh, nếu mất là mất tất cả. Tuy nhiên, Diện đã cố gắng để chứng tỏ bản thân mình và hướng tới những kết quả bền vững, lâu dài”.

Trong một lần trao đổi với Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành về Phan Xuân Diện, ông Thành có nói rằng: “Trong một khu rừng, không chỉ có đại bàng mà có cả chim sẻ. Để phát triển ngành dược liệu, không chỉ cần đại bàng, mà rất cần chim sẻ. Loại hình doanh nghiệp bản địa như Công ty CP Dược liệu Pù Mát như những chú chim sẻ, rất đáng quý. Vì chỉ có doanh nghiệp bản địa thì mới dễ dàng gắn kết được với dân để tạo dựng được vùng nguyên liệu mà Nhà nước không phải thực hiện thu hồi đất…”. Giám đốc Sở KH&CN cũng cho hay, Công ty CP Dược liệu Pù Mát đang tham gia mô hình doanh nghiệp trong hợp tác xã. Ở đó, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, có trách nhiệm cung ứng giống, nguyên liệu, phân bón, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên là hộ gia đình có quỹ đất, có nhân lực lao động. “Công ty CP Dược liệu Pù Mát vẫn chưa qua giai đoạn khởi nghiệp, còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua. Nhưng tôi tin Diện sẽ thành công” - ông Thành chia sẻ.

Phóng sự “Dược liệu Pù Mát và khát vọng của Phan Văn Diện” là một câu chuyện về gương sáng lập nghiệp. Viết về Phan Xuân Diện, tác giả muốn gửi gắm đến các bạn trẻ có khát vọng trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp của Nghệ An hãy nhìn vào đây, để suy nghĩ, nuôi dưỡng khát vọng, dám nghĩ, dám làm, bền gan vững chí… để thành công.

Mới nhất
x
Tinh thần dấn thân của những nhà báo với tâm nguyện để cuộc sống tốt đẹp hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO