Nhớ về ngôi nhà Báo Nghệ An thân thương!
(Baonghean.vn) - Rất mừng vui, bây giờ Báo Nghệ An đã lớn mạnh với nhiều đổi mới xứng danh là “Anh cả đỏ” trong hệ thống báo Đảng địa phương, đội ngũ làm báo được đào tạo bài bản, năng động, trang bị phương tiện hiện đại... Nhân kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), xin nhắc lại chút kỷ niệm của ba thế hệ trong ngôi nhà thân thương Báo Nghệ An.
Biết tôi có ý định theo nghiệp viết báo, cha tôi - Nhà báo Lăng Phước khi ấy đang công tác tại Báo Nghệ An viết thư khuyên dạy: “Nghề báo rất vất vả, hoàn thành được sứ mạng mang trọng trách rất lớn đối với xã hội. Trở thành nhà báo ở một tỉnh, chưa nói đến của cả nước, vô cùng gian khổ. Nếu không rèn bút, trau nghề thì hàng chục năm vẫn chưa tạo dựng được vốn sống phong phú và trở thành nhà báo “viết được”, để lại dấu ấn trong lòng độc giả. Khi đã đứng trong đội ngũ, người cầm bút có kỹ năng phải có ý chí, ý thức vươn lên tạo lòng tin giữa mình với tập thể, khiêm tốn, học hỏi...
Hồi mới bước vào làm báo, trình độ cha mới hết cấp hai. Dù trong chiến tranh rất cam go ác liệt, nhưng cha vẫn vừa làm, vừa học hết trung học rồi lên đại học. Suốt 10 năm không quân Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, với chiếc xe đạp cà tàng thường xuyên có mặt ở địa bàn miền núi và thực hiện nhiều tin, bài có chất lượng do cơ quan phân công. Vừa làm báo, có chút năng khiếu, cha lại vừa viết văn... Gian khổ nhưng vui vì được cơ quan tin cậy, được cơ sở tin yêu...”.
Các đại biểu tham quan mô hình Tòa soạn hội tụ của Báo Nghệ An. Ảnh tư liệu: Đức Anh |
Năm 1966, Báo Miền Tây sáp nhập về Báo Nghệ An, rất ít khi tôi thấy ông về nhà, nên cha con ít khi được gần gũi nhau. Nhiều tháng hoặc vào dịp cận Tết mới thấy ông trở về với chiếc xe đạp cà tàng, người lấm lem bụi đường.
Hồi đó, từ Vinh lên huyện Con Cuông 150km, đường rất xấu, lại vừa đi, vừa tránh bom. Sau gác ba ga xe đạp của ông tôi thấy chất đủ thứ gạo, nước mắm, ruốc, thịt, mỡ... Suốt thời gian công tác, chiếc xe đạp hiệu Sterling cũ kỹ đã hai lần làm lại khung, mãi sau mới được phân phối một chiếc xe đạp hiệu Thống Nhất và đã gắn bó với ông cho đến ngày nghỉ hưu (1983).
Lục tìm và đọc những bản thảo viết tay của ông còn lưu lại, dù hồi đó giao thông không thuận lợi như bây giờ nhưng tôi thấy ông đã có mặt hầu hết ở nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của các huyện miền Tây Nghệ An, đó là Mường Lống, Mường Típ, Mường Ải, Na Ngoi, Nậm Càn, Keng Đu, Đoọc Mạy... thuộc huyện Kỳ Sơn; Nậm Nhóng, Tri Lễ, Thông Thụ, Nậm Giải (Quế Phong), hay Yên Tĩnh, Yên Hòa, Nga My (Tương Dương)...
Vừa viết báo, vừa viết văn, ông còn là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An với nhiều bút ký, truyện ngắn đã xuất bản và đang viết dở. Nhớ đến ông, tôi lại nhớ những người bạn làm báo, viết văn cùng thời thân thiết với ông, có người đã thành người thiên cổ, những “cây đa, cây đề” trong làng báo Nghệ An như nhà báo Tô Quốc Bảo, nhà báo Lê Quý Kỳ, nhà văn Nguyễn Xuân Phầu, nhà thơ Nguyễn Quốc Anh... và thế hệ sau này đã trở thành lãnh đạo Báo Nghệ An: Phan Thúy Liên, Văn Hiền...
Nhà báo Lăng Phước. Ảnh Minh Thư |
Gia tài của ông mang về khi nghỉ hưu, mà một xe U-oat cũ kỹ của cơ quan đưa tiễn về tận nơi, chỉ một hòm gỗ tạp đựng ít bộ quần áo, lớn nhất và được ông nâng niu nhất là cái tủ sách và chồng bản thảo với những bài viết lúc ở Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Đô Lương, Nam Đàn, Vinh...
Trong thời gian làm báo, khi ra đời chương trình tiếng Thái, ông là người đầu tiên có mặt phụ trách. Sau khi chương trình lớn mạnh, ông lại trở về ngôi nhà thân thuộc của mình - Báo Nghệ An cho đến ngày nghỉ hưu.
Năm 1994, từ cộng tác viên tích cực, tôi được ông Nguyễn Thanh Tiên - nguyên Tổng Biên tập Báo Nghệ An động viên tiếp nhận từ Đài Phát thanh - Truyền hình huyện Tương Dương về Báo Nghệ An phân công đảm nhận bám sát các sự kiện viết tin, bài ở các huyện miền núi (dọc Quốc lộ 7).
Miền Tây Nghệ An thật bao la rộng lớn vừa trắc trở nhưng rất hùng vĩ. Như nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã từng nói, miền núi Nghệ An cái mới cũng nhiều, khảo cổ cũng lắm. Khám phá hết vùng đất này, một nhà báo viết đến bạc đầu cũng chưa hết.
Bây giờ đến với đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An: Thái, Mông, Khơ mú, Ơ đu, Đan Lai, Thổ… nằm ở hai tuyến Quốc lộ 48 và Quốc lộ 7 dễ dàng hơn nhiều bởi hầu hết giao thông khá thuận lợi đến tận trung tâm xã. Tuy vậy, những ai đi viết báo những thập niên 90 về trước đều được nếm trải nhiều đêm đói rét ở miệt rừng.
Tôi không bao giờ quên những năm làm Báo Nghệ An với những chuyến ngược nguồn gian truân đến với các vùng bản lúc giữa lưng chừng núi với người Khơ mú, lúc leo lên những đỉnh núi chon von quanh năm mây phủ nơi bản làng người Mông. Chân rộp phồng, sên, vắt, ruồi vàng, bọ chó, rét buốt cắt da, cắt thịt… Những năm tháng đó đến với đồng bào các dân tộc còn nhiều khốn khó, giữa miệt rừng hoang ấy, có những lúc lạc lối giữa bạt ngàn sắc tím hoa anh túc...
Phóng viên Báo Nghệ An chụp ảnh cùng phụ nữ Mông ở xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu PV |
Nối nghiệp cha tôi - Nhà báo Lăng Phước, 10 năm gắn bó với Báo Nghệ An (1994-2004), được sự tin tưởng và động viên giúp đỡ tận tình của những người đi trước, tôi đã không phụ lòng tin của tập thể Báo Nghệ An như lời dặn của ông. Không ngại gian khổ, lăn lộn với cơ sở, khiêm tốn, học hỏi, trau dồi kiến thức, nghiệp vụ để rồi có những tác phẩm báo chí với sức lan tỏa và đoạt nhiều giải thưởng Báo chí Quốc gia.
Năm 2004, được tin tưởng và theo yêu cầu, từ Báo Nghệ An, tôi được quyết định lựa chọn ra “báo mẹ” (Báo Nhân Dân) thường trú tại Nghệ An. Dù vậy, tôi vẫn không quên ngôi nhà thân thuộc của mình đã gắn bó nuôi dưỡng tôi trưởng thành. Tiếp đó là nhà báo Phạm Ngân cũng từng thử việc trưởng thành ra đi từ đó. Tôi rất tự hào vì gia đình tôi đã có ba thế hệ làm việc, trưởng thành từ Báo Nghệ An.
Rất mừng vui, bây giờ Báo Nghệ An đã lớn mạnh với nhiều đổi mới xứng danh là “Anh cả đỏ” trong hệ thống báo Đảng địa phương với đội ngũ làm báo được đào tạo bài bản, năng động, trang bị làm báo hiện đại... Nhân kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022) vì khuôn khổ có hạn nên xin nhớ lại đôi chút kỷ niệm của ba thế hệ trong ngôi nhà thân thương - Báo Nghệ An!