Tổng kết V.League 2019: Sự trở lại của những ‘vũ công Samba’
(Baonghean.vn) - Kể từ mùa giải 2019, V.League đã tăng số ngoại binh lên con số 3 đi cùng 1 cầu thủ nhập tịch. Điều này đã mang đến một làn sóng “Brazil” tràn ngập nhiều đội bóng Việt Nam và đóng góp của họ cũng rất đáng kể.
Trong 10 năm đầu tiên V.League khoác chiếc áo chuyên nghiệp, các ngoại binh Brazil tràn ngập giải VĐQG Việt Nam. Đó là sự xuất hiện của những Huỳnh Kesley Alves, Antonio Carlos, Cristiano Roland, Jose Almeida hay Leandro...
Đến năm 2015, số lượng ngoại binh bắt đầu trở nên khan hiếm tại V.League. Thay vào đó là những cầu thủ ngoại đến từ châu Phi, đa số là Nigeria, Jamaica. Tại V.League 2018, chỉ có 6 ngoại binh Brazil thường xuyên ra sân. Trong đó, Claudecir (Quảng Nam) và Gustavo (TP.HCM) gặp chấn thương.
Tại V.League 2019, số lượng ngoại binh Brazil cũng từ đó tăng lên đến 16 cầu thủ tại các đội bóng của V.League. Có tới 8/14 đội bóng Việt Nam đăng ký ngoại binh Brazil. Trong đó Quảng Nam, Sài Gòn và Viettel là 3 đội rất ưa dùng chất “Samba” trong đội hình.
SLNA thất bại với ngoại binh Alves Santos từ Brazil. Ảnh: Trung Kiên |
CLB Viettel đăng ký hậu vệ Almeida Santos, tiền đạo Jean Carlos và Bruno Cunha. Trong đó, chân sút Bruno để lại ấn tượng với 15 bàn thắng chỉ sau 14 trận đấu từ lượt về. CLB Quảng Nam sử dụng 3 ngoại binh Brazil là hậu vệ Lucas, Gabriel Davis (3 bàn thắng) và Rodrigo (5 bàn thắng).
Đội bóng có 3 ngoại binh trong đội hình là CLB Sài Gòn với Gustavo, Geovane Magno và Pedro Paulo. Quảng Nam là đội bóng sử dụng 2 ngoại binh Brazil và 1 cầu thủ đến từ Burkina Faso. Bên cạnh đó, CLB Nam Định cũng tương tự với 2 chân sút Diogo và Gutavo (Brazil), E. Agbaji đến từ Nigeria. Hai tiền đạo của đội bóng Thành Nam đã mang về tổng cộng 14 bàn thắng cho đội nhà.
CLB TP Hồ Chí Minh là đội bóng không ưu tiên ngoại binh Brazil trong đội hình, Vinicius là nhân tố Brazil được cho SLNA mượn từ lượt về V.League 2019. Tất cả các ngoại binh của đội bóng này đều đến từ Cameroon, Chile, Nigeria và Mỹ. Hiện tại, CLB TP HCM đã chia tay toàn bộ những gương mặt đó khi mùa giải khép lại.
CLB Hà Nội cũng là đội bóng ưa dùng những ngoại binh châu Phi, đó là Moses Oloya (Uganda), Pape Omar (Senegal) và P. Kébé (Pháp). Một đội bóng khác không sử dụng ngoại binh Brazil tại V.League là Than Quảng Ninh với N. Laštro (Bosnia & Herzegovina), Y. Kouassi (Bờ Biển Ngà) và Dyachenko (Nga).
Ngoại binh Pape Omar và Bruno Cunha là 2 cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất V.League 2019. Ảnh: Goal VN |
Cũng giống như CLB Hà Nội và TP HCM, mùa giải vừa qua Thanh Hóa vắng bóng chất “Samba” trong đội hình với sự xuất hiện của 2 tiền đạo Jamaica là Stevens và G. Kurtaj gốc Đức. CLB SHB Đà Nẵng xưa nay vốn chỉ ưa dùng các ngoại binh châu Âu nay cũng đã xuất hiện hậu vệ Bernardo Frizoni, người Brazil.
SLNA là đội bóng thường có được nguồn cầu thủ ngoại chất lượng và thành công nhất chính là trường hợp của trung vệ Damir Memovic (Serbia) và Michael Olaha (Nigeria). Tuy nhiên, 2 ngoại binh Brazil của SLNA là Alves Santos ở lượt đi và Vinicius vẫn không được như kỳ vọng.
Danh sách vua phá lưới V.League cũng đang chứng kiến sự thành công của các ngoại binh Brazil. Theo đó, Bruno Cunha (Viettel) có 15 bàn thắng, Pedro Paulo (Sài Gòn), Diogo Pereira (Nam Định) cùng có 12 bàn thắng, Joel Vinicius (TP HCM và SLNA) có 11 pha lập công.
Những cầu thủ Brazil cũng thi đấu hiệu quả tại V.League 2019 là João Paulo của Viettel có 7 bàn thắng, Wander Luiz có 6 bàn thắng cho B. Bình Dương. Những ngoại binh thuộc diện ghi bàn hàng đầu khác đến từ Pape Omar (Senegal), R. Dyachenko (Nga) và 2 ngoại binh người Jamaica là Jeremie Lynch của Romario với lần lượt 10 và 8 bàn thắng.
Phong độ của các ngoại binh Brazil tại V.League 2019. Đồ họa: Trung Kiên |
Như vậy, trong 15 cầu thủ ngoại ghi bàn nhiều nhất thì có đến 7 cầu thủ gốc Brazil. Điều này cho thấy đóng góp của những cầu thủ Brazil tại các đội bóng V.League là khá lớn. Đây cũng là xu thế của các giải đấu hàng đầu châu Á. Hiện nay tại J.League, hầu như các đội bóng Nhật Bản đều ưu tiên dùng 3 ngoại binh Brazil, suất cầu thủ ngoại còn lại thường đến từ châu Á, hoặc châu Phi.
Thực tế, những cầu thủ Brazil có thiên hướng kỹ thuật nhiều hơn là các ngoại binh châu Phi có lợi thế về sức mạnh. Tuy nhiên, không phải HLV nào tại V.League cũng biết cách sử dụng ngoại binh Brazil vì sự ngẫu hứng của họ.
Mặc dù các đội bóng V.League hiện nay được sử dụng đến 3 ngoại binh + 1 cầu thủ nhập tịch trên sân nhưng điều này đã khiến cơ hội thi đấu của các cầu thủ nội ngày một ít đi. Các HLV tại V.League rất hiếm khi bổ sung ngoại binh cho vị trí tiền vệ, thay vào đó là trung vệ và tiền đạo.
CLB Viettel là đội tương đối thành công với chính sách ngoại binh Brazil. Ảnh: Viettel FC |
Điều đó vô tình khiến các tiền đạo nội như Văn Quyết, Tuấn Tài, Đình Bảo, Quảng Nam, Minh Tuấn thường không được chơi vị trí sở trường. Hai cầu thủ thường xuyên được đá cao nhất là Đức Chinh và Tiến Linh thời gian qua đã có những tiến bộ, sự hoàn thiện đáng kể nhờ được tin dùng đá trung phong.
Trên băng ghế huấn luyện, V.League 2019 chứng kiến 2 HLV ngoại trụ lại đến mùa giải kết thúc là HLV Chung Hae Seong của TP HCM và HLV Lee Tae-hoon. Cả 2 HLV này đều đến từ Hàn Quốc và có những dấu ấn riêng.
Nếu như CLB TP HCM của HLV Chung Hae Seong cán đích ở vị trí Á quân, chỉ đứng sau nhà vô địch Hà Nội thì HAGL cũng có những tiến bộ đáng kể trong lối chơi, cuối cùng xếp vị trí thứ 8 chung cuộc.
Khép lại V.League 2019, HLV Chung Hae Seong cũng xứng đáng với danh hiệu HLV xuất sắc nhất mùa giải. CLB TP HCM không có quá nhiều ngôi sao nhưng lối chơi và hành trình của đội bóng này là rất ấn tượng. Nhìn chung, V.League hiện nay đang trở nên vắng bóng những nhà cầm quân ngoại. Và đây lại là cơ hội của các HLV trẻ, giàu triển vọng của bóng đá Việt Nam./.
(Baonghean.vn) - Không chỉ là nơi cung cấp nguồn cầu thủ nội cho các đội bóng tại V.League, SLNA còn là nơi phát hiện ra những ngoại binh chất lượng. Nghịch lý nằm ở chỗ, các ngoại binh thường chỉ neo đậu tại SLNA trong thời gian rất ngắn.Suốt một thập kỷ, SLNA trở thành 'trạm trung chuyển' ngoại binh V.League