Trả lại dòng chảy sông Hoàng Mai!

Nhật Lân - Tiến Đông

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trong đợt hoàn lưu bão số 4, tình trạng ách tắc dòng chảy sông Hoàng Mai và kênh Nhà Lê đã được chỉ rõ là một trong những nguyên nhân làm gia tăng lụt lội ở thị xã Hoàng Mai. Vậy nhưng, đến chiều 17/10, khi cơn bão số 6 đã áp sát đất liền, tình trạng này vẫn còn nguyên, như trêu ngươi…

Vẫn ách tắc!

Tình trạng sông Hoàng Mai và kênh Nhà Lê bị ách tắc dòng chảy được Báo Nghệ An phản ánh tại các bài viết “Đi tìm nguyên nhân trận lũ nặng nề tại thị xã Hoàng Mai” (ngày 6/10/2022); “Ách tắc dòng chảy và lũ quét” (ngày 15/10/2022).

Chiều 17/10, tức là hơn 10 ngày sau lần trở lại gần nhất (ngày 5/10), chúng tôi tiếp tục có mặt tại sông Hoàng Mai, nơi cầu Hoàng Mai 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam được xây dựng. Người dẫn chúng tôi đi là ông Nguyễn Bá Thế - Trưởng phòng Quản lý đô thị của thị xã Hoàng Mai. Tại phía bờ Bắc của cầu (thuộc xã Quỳnh Vinh) và bờ Nam (thuộc xã Quỳnh Trang), ông Thế nói rằng, ông thường xuyên có mặt tại đây để kiểm tra, đôn đốc đơn vị thi công thanh thải hết đất, đá trên lòng sông Hoàng Mai. Vậy nhưng, khi chứng kiến, vị Trưởng phòng Quản lý đô thị đã thể hiện sự bức xúc vì việc thanh thải, trả lại dòng chảy vẫn như đang giẫm chân tại chỗ. “UBND thị xã đã rất nhiều lần đôn đốc bằng văn bản và điện thoại…” - ông Thế nói.

Chiều 17/10, khi chúng tôi có mặt tại hiện trường, một lượng lớn đất, đá dùng để đắp đường công vụ ngang sông Hoàng Mai vẫn chưa được thanh thải hết. Ảnh: Tiến Đông

Chiều 17/10, khi chúng tôi có mặt tại hiện trường, một lượng lớn đất, đá dùng để đắp đường công vụ ngang sông Hoàng Mai vẫn chưa được thanh thải hết. Ảnh: Tiến Đông

Về hiện trạng, giữa ngổn ngang đất, đá, lòng sông Hoàng Mai vẫn đang bị bóp lại. Dấu tích con đường công vụ thi công đường cao tốc chắn ngang sông do các nhà thầu thi công xây đắp vẫn rất rõ ràng. Ngay bờ sông, có một cồn đất, đá nhô lên, cao quá đầu người. Từ đây, vì khoảng cách từ bờ ra chỉ khoảng 10m và còn nguyên con đường lèn chặt đất, đá nên có thể dễ dàng đi bộ ra tận giữa lòng sông. Giữa dòng, còn nhiều mỏm đất, đá nhô lên cản trở dòng chảy. Còn phía bờ Nam, trụ cầu tạm bằng bê tông nằm ngay dưới chân cầu Hoàng Mai 2 vẫn chưa được phá dỡ.

Đến địa phận phường Quỳnh Phương, nơi có tuyến đường ven biển đi qua, tại đoạn sông Hoàng Mai tách làm 2 nhánh, có một nhánh gần như ách tắc hoàn toàn. Lý do, vì đơn vị thi công đổ đất chắn dòng Bắc cầu, chỉ tạo một khoảng rộng chừng 2m cho nước chảy. Đoạn này do Ban Quản lý dự án công trình giao thông, thuộc Sở GTVT làm chủ đầu tư.

Trên tuyến đường ven biển, đoạn qua phường Quỳnh Phương, con đường công vụ cũng được đắp chắn ngang sông, chỉ để hở một đoạn chừng hơn 2m cho nước chảy qua. Ảnh: Tiến Đông

Trên tuyến đường ven biển, đoạn qua phường Quỳnh Phương, con đường công vụ cũng được đắp chắn ngang sông, chỉ để hở một đoạn chừng hơn 2m cho nước chảy qua. Ảnh: Tiến Đông

Cũng trên tuyến đường này, đoạn qua kênh Nhà Lê, có một con đường công vụ đắp chắn ngang kênh từng phải buộc phá dỡ vào sáng 30/9, thời điểm lũ đang ở mức đỉnh điểm. Nhưng vẫn tồn tại chiếc cầu tạm với 2 mố bê tông chắn dòng. Khu vực phía Bắc thị xã Hoàng Mai, gồm các xã, phường như Quỳnh Vinh, Quỳnh Lộc, Quỳnh Thiện, kênh Nhà Lê là kênh tiêu thoát nước hết sức quan trọng. Trong trận lũ vừa qua, chính vì kênh Nhà Lê ách tắc dòng chảy nên nước khu vực phía Bắc thị xã không tiêu thoát kịp, đã tràn vào khu vực nuôi tôm của người dân.

Đùn đẩy trách nhiệm?

Tìm hiểu, Công ty TNHH Hòa Hiệp; Công ty CP Trường Sơn 185; Công ty TNHH TMXD Trung Chính là 3 doanh nghiệp tham gia thi công đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn cầu Hoàng Mai 2. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm của các doanh nghiệp này khi được hỏi đều không nhận trách nhiệm đã đắp đường công vụ, gây ách tắc dòng chảy trên sông Hoàng Mai!

Đất, đá còn nằm lởm chởm giữa dòng sông Hoàng Mai đoạn cầu Hoàng Mai 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Tiến Đông

Đất, đá còn nằm lởm chởm giữa dòng sông Hoàng Mai đoạn cầu Hoàng Mai 2 trên tuyến cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Tiến Đông

Lại đôn đốc!

Tìm hiểu, từ đầu mùa mưa bão, UBND thị xã Hoàng Mai đã lo lắng về tình trạng ách tắc dòng chảy sông Hoàng Mai và kênh Nhà Lê. Rõ ràng nhất, vào ngày 11/8/2022, UBND thị xã Hoàng Mai có Công văn số 1540/UBND-QLĐT gửi Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải); Ban Quản lý dự án công trình giao thông thuộc Sở GTVT Nghệ An cùng chính quyền các xã trên địa bàn và các đơn vị có liên quan. Tại đây, UBND thị xã Hoàng Mai nêu rõ lý do ban hành Công văn số 1540/UBND-QLĐT là để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ; đảm bảo tiêu thoát lũ trên sông Hoàng Mai, kênh Nhà Lê.

Vào sáng 30/9, lúc này lũ đang ở đỉnh điểm, con đường công vụ chắn ngang kênh Nhà Lê mới bị phá để tiêu thoát nước. Ảnh: Tiến Đông

Vào sáng 30/9, lúc này lũ đang ở đỉnh điểm, con đường công vụ chắn ngang kênh Nhà Lê mới bị phá để tiêu thoát nước. Ảnh: Tiến Đông

Với Ban Quản lý dự án 6, UBND thị xã Hoàng Mai đề nghị: “Tại vị trí thi công cầu Hoàng Mai 2 thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam: Chỉ đạo các đơn vị thi công thanh thải cầu công vụ và công trình phụ trợ phạm vi lòng sông Hoàng Mai đảm bảo yêu cầu tiêu thoát lũ, tuyệt đối không để xảy ra úng ngập hoặc tác động tiêu cực khác ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của cư dân khu vực lân cận, hoàn thành chậm nhất trước ngày 11/8/2022. Chỉ đạo các đơn vị thi công tổ chức kiểm tra, trực gác trong suốt thời gian mưa bão, có giải pháp thoát nước dọc các khu vực cống, cầu, rãnh dọc, các dân cư mà tuyến đang thi công đi qua, đảm bảo an toàn cho nhân dân và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra ách tắc dòng chảy, gây thiệt hại do thi công gây ra.

Tuy vậy, đến chiều 17/10, theo quan sát của chúng tôi, chiếc cầu sắt với 2 mố cầu chắc chắn vẫn còn nằm chình ình giữa kênh Nhà Lê. Ảnh: Tiến Đông

Tuy vậy, đến chiều 17/10, theo quan sát của chúng tôi, chiếc cầu sắt với 2 mố cầu chắc chắn vẫn còn nằm chình ình giữa kênh Nhà Lê. Ảnh: Tiến Đông

Còn với Ban Quản lý dự án công trình giao thông Nghệ An thì: “Tại vị trí cầu qua kênh Nhà Lê và sông Hoàng Mai thuộc Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) qua địa bàn thị xã Hoàng Mai: Chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương giải tỏa ngay ách tắc dòng chảy trên sông Hoàng Mai, kênh Nhà Lê, không để ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ sông Hoàng Mai, kênh nhà Lê, sản xuất, dân sinh, trả lại mặt cắt lòng sông, kênh theo hiện trạng ban đầu, chậm nhất trước ngày 11/8/2022. Chỉ đạo các đơn vị thi công tổ chức kiểm tra, trực gác trong suốt thời gian mưa bão, có giải pháp thoát nước dọc các khu vực cống, cầu, rãnh dọc, các khu vực dân cư mà tuyến đang thi công đi qua, đảm bảo an toàn cho nhân dân và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra ách tắc dòng chảy, gây thiệt hại do thi công gây ra”.

Sáng 17/10, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, ông Phạm Văn Hào cho biết, mới đây kiểm tra thì thấy sông Hoàng Mai vẫn chưa được các đơn vị thi công thanh thải triệt để. “Trực tiếp đi kiểm tra, tôi xác định, dòng chảy của sông Hoàng Mai vẫn còn tình trạng ách tắc. Vì vậy, UBND thị xã tiếp tục có văn bản gửi đơn vị quản lý đề nghị đôn đốc, xử lý thanh thải...” - ông Phạm Văn Hào trao đổi.

Trận lũ vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua đã khiến cho thị xã Hoàng Mai bị thiệt hại nặng nề, nhiều gia đình đã bị nước vào sâu trong nhà, nhiều hộ đã buộc phải đi sơ tán. Một câu hỏi đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai? (Trong ảnh: Người dân phường Quỳnh Thiện di chuyển đồ trong đêm). Ảnh: Tiến Đông

Trận lũ vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua đã khiến cho thị xã Hoàng Mai bị thiệt hại nặng nề, nhiều gia đình đã bị nước vào sâu trong nhà, nhiều hộ đã buộc phải đi sơ tán. Một câu hỏi đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai? (Trong ảnh: Người dân phường Quỳnh Thiện di chuyển đồ trong đêm). Ảnh: Tiến Đông

Quả thật, ngày 14/10/2022, UBND thị xã Hoàng Mai lại có thêm Công văn số 2070/UBND-QLĐT gửi cho Ban Quản lý dự án 6. Nội dung như sau: “Ngày 11/8/2022, UBND thị xã đã có Văn bản số 1540/UBND-QLĐT về việc chuẩn bị phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Trong đó, UBND thị xã đề nghị Ban Quản lý dự án 6 chỉ đạo đơn vị thi công thanh thải đường công vụ trong phạm vi lòng sông Hoàng Mai để đảm bảo yêu cầu tiêu thoát lũ, chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ. Tuy nhiên, qua kiểm tra hiện trường, UBND thị xã nhận thấy đơn vị thi công chưa hoàn thành việc thanh thải theo yêu cầu, vẫn còn một phần lớn dưới lòng sông chưa thanh thải hết. Việc chậm thanh thải đường công vụ trong phạm vi lòng sông Hoàng Mai sẽ gây ngập úng hoặc tác động tiêu cực đến sản xuất, sinh hoạt của người dân khu vực hai bên và thượng lưu sông Hoàng Mai khi xảy ra mưa, bão.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trong mùa mưa bão, UBND thị xã Hoàng Mai đề nghị Ban Quản lý dự án khẩn trương chỉ đạo đơn vị thi công hoàn thành việc thanh thải triệt để đường công vụ phạm vi lòng sông Hoàng Mai, thời gian hoàn thành trước ngày 20/10/2022”.

Đừng vô cảm!

Cũng theo tìm hiểu, HĐND thị xã Hoàng Mai cũng rất quan tâm vấn đề ách tắc dòng chảy sông Hoàng Mai và kênh Nhà Lê. Từ ngày 4/8/2022, HĐND thị xã Hoàng Mai đã thực hiện giám sát các ý kiến, kiến nghị cử tri tại kỳ họp thứ 6 về hệ thống mương thoát nước trên địa bàn thị xã trước mùa mưa bão. Thông qua công tác giám sát, kiểm tra thực tế, đến ngày 15/8/2022, Thường trực HĐND thị xã có Thông báo số 54/TB-TTHĐND kết luận về nội dung này.

Hình ảnh tại hiện trường con đường đất đắp chắn ngang dòng sông Hoàng Mai (ảnh chụp ngày 17/9). Ảnh: Tư liệu

Hình ảnh tại hiện trường con đường đất đắp chắn ngang dòng sông Hoàng Mai (ảnh chụp ngày 17/9). Ảnh: Tư liệu

Trong đó, HĐND thị xã có những yêu cầu rất cụ thể để xử lý ách tắc dòng chảy sông Hoàng Mai và kênh Nhà Lê. Cụ thể, đã đề nghị UBND thị xã chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với các chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu thi công “trả lại ngay hiện trạng thoát nước như ban đầu đối với các vị trí đã đắp qua sông Hoàng Mai, qua kênh Nhà Lê để thi công cầu qua sông Hoàng Mai, thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam; cầu qua sông Hoàng Mai và cầu qua kênh Nhà Lê thuộc Dự án Đường ven biển; cầu qua sông Hoàng Mai thuộc Dự án Đường số 1 - Khu đô thị Hoàng Mai”. Đồng thời nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để chờ mưa bão đến mới xử lý, đảm bảo việc kịp thời tiêu thoát nước khi xảy ra trường hợp mưa to, kết hợp triều cường và xả lũ hồ Vực Mấu”.

Nhưng những đề nghị của HĐND thị xã Hoàng Mai đã không được xử lý thấu đáo, triệt để. Về vấn đề ách tắc dòng chảy của sông Hoàng Mai và kênh Nhà Lê như nêu ở trên, đã được Báo Nghệ An xác minh, phản ánh ngay sau hoàn lưu bão số 4. Thêm một lần nữa khẳng định, tình trạng ách tắc dòng chảy của sông Hoàng Mai và kênh Nhà Lê cho đến thời điểm hiện tại là do thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của những đơn vị nhà thầu và cơ quan quản lý liên quan. Theo quy định, gây ách tắc dòng chảy là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, phải chấm dứt ngay hành vi này, trả lại dòng chảy cho sông Hoàng Mai và kênh Nhà Lê!

tin mới

Bình yên vùng biên Nậm Cắn

Bình yên vùng biên Nậm Cắn

(Baonghean.vn) - Xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) là địa bàn xa nhất phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, có 23,099km đường biên tiếp giáp với huyện Nọong Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) với nhiều đường mòn, lối mở; có Quốc lộ 7A đi qua và Cửa khẩu Quốc tế thông thương với nước bạn Lào...

Chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp

Chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp

(Baonghean.vn) - Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) là giấy tờ được sử dụng nhằm đáp ứng yêu cầu của công dân cần chứng minh bản thân có án tích hay không, đồng thời hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự… Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra việc lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu LLTP, đặc biệt là phiếu LLTP số 2.

Dân vận khéo góp phần 'tháo khó, gỡ vướng' ở xã biển

Dân vận khéo góp phần 'tháo khó, gỡ vướng' ở xã biển

(Baonghean.vn) - Di dời, giải tỏa thành công ngôi nhà ở giữa khuôn viên trường tiểu học sau 6 năm; hoàn thành ghép 2 cụm dân cư đảm bảo công tác quản lý Nhà nước và quyền lợi của người dân; vận động nhân dân tự nguyện hiến đất mở rộng, bê tông hóa đường giao thông nông thôn…

Cố ý làm trái quy định về phân phối tiền cứu trợ do lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?

Cố ý làm trái quy định về phân phối tiền cứu trợ do lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?

(Baonghean.vn) - Cho tôi hỏi, cố ý làm trái quy định về phân phối tiền cứu trợ gây thất thoát 100 triệu đồng do lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào? Vấn đề quan tâm của chị Ngân Hoa (Nghi Lộc, Nghệ An).

Xử lý sớm, dứt điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn qua Yên Thành

Xử lý sớm, dứt điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn qua Yên Thành

(Baonghean.vn) - Mặc dù đã nhiều lần dời thời hạn bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công để đảm bảo tiến độ, đến nay, Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 qua huyện Yên Thành vẫn còn gần 2km chưa thể thực hiện. Nguyên nhân là do nhiều hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù. 

Bí ẩn trong những chuyến soi ếch đêm

Bí ẩn trong những chuyến soi ếch đêm

(Baonghean.vn) -Đêm xuống, Nguyễn Văn Chương mang bộ đồ câu ếch rời khỏi nhà. Ít ai biết rằng, “thành quả” trong những đêm đi soi ếch là những món hàng có giá trị do người đàn ông này đột nhập nhà riêng hay cửa hàng của người dân quanh vùng để lấy trộm.

Khởi tố vụ buôn lậu gia súc qua biên giới

Khởi tố vụ buôn lậu gia súc qua biên giới

(Baonghean.vn) - Ngày 22/3, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu qua biên giới và bàn giao vụ việc cho Công an huyện Kỳ Sơn tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.