Trên 6.500 ha lúa hè thu-mùa ở Nghệ An có nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn

Phú Hương 02/05/2023 08:49

(Baonghean.vn) - Đến thời điểm này, các hồ chứa thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đã phải tăng lưu lượng xả đến đợt thứ 3 để chống hạn, cứu lúa vùng hạ du. Đây được coi là một trong những dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ hạn hán sớm, nặng nề và trên diện rộng trong sản xuất hè thu năm nay.

Nguy cơ hạn hán sớm và trên diện rộng

Từ thời kỳ đẻ nhánh, 3 sào lúa vụ xuân của gia đình ông Phan Văn Vinh ở xã Cát Văn (Thanh Chương) đã bị hạn.

"Phun thuốc cỏ xong mà không có nước để chăm sóc, lá lúa chuyển sang màu đỏ vàng. May là sau đó trạm bơm Thanh Văn hoạt động được nên lúa được cứu kịp thời. Thế nhưng, đến gần cuối tháng 4, khi cây lúa bắt đầu trổ bông, tình hình hạn hán lại tái diễn. Vụ xuân đã thế này, không biết đến sản xuất hè thu sẽ ra sao”, ông Vinh lo lắng.

Lãnh đạo huyện Thanh Chương kiểm tra tình hình hoạt động tại các trạm bơm dọc sông Lam. Ảnh: Phú Hương

Thời điểm hiện tại là đợt thứ 3 các hồ chứa thuỷ điện Bản Vẽ, Khe Bố và Chi Khê buộc phải tăng lưu lượng xả nước để “cứu” hơn 1.000 ha lúa của 2 huyện Thanh Chương và Đô Lương đang bước vào thời kỳ trổ bông.

Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Khó khăn nước tưới ngay từ vụ xuân, nên vào vụ hè thu, hạn hán còn có khả năng gay gắt hơn ngay từ tháng 5, tháng 6, nhất là tại những vùng “ăn” nước trạm bơm từ sông Lam”.

Để hạn chế ảnh hưởng của hạn hán, thiên tai, Thanh Chương chỉ bố trí gieo cấy lúa trên diện tích chủ động nước; đồng thời khai thác triệt để nguồn nước trên các hồ đập. Toàn huyện phấn đấu gieo cấy 5.000 ha lúa vụ hè thu-mùa.

Nhiều năm, vì hạn hán, nông dân các xã vùng bán sơn địa của huyện Yên Thành phải gặt lúa non cho trâu, bò ăn. Ảnh tư liệu: Phú Hương

Theo ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, vụ hè thu-mùa năm nay, khả năng toàn huyện sẽ có khoảng 550 ha không sản xuất, bỏ hoang. Trong đó, ngoài một số diện tích sâu trũng hay bị ngập lụt, một số xã bà con chỉ làm một vụ xuân để lấy lương thực sử dụng cả năm, thì nhiều diện tích sẽ bị bỏ hoang do hạn.

“Hơn 8.000 ha sử dụng nước từ hệ thống tự chảy bara Đô Lương cơ bản yên tâm, còn gần 5.000 ha “ăn nước” hồ đập sẽ không đảm bảo về nguồn nước tưới. Chúng tôi đã tiến hành rà soát, giao chỉ tiêu các xã về diện tích, trong đó những vùng sản xuất không đảm bảo ăn chắc, thường bị hạn hán, lũ lụt thì sẽ không bố trí gieo cấy lúa mà nghiên cứu chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp hơn; đồng thời chỉ đạo quyết liệt để khép kín sản xuất ở những diện tích khác, gieo cấy 11.000/12.800 ha đất lúa của huyện”, ông Nguyễn Văn Dương cho biết.

Chủ động sớm các giải pháp chống hạn

Vụ hè thu-mùa năm nay, Nghệ An phấn đấu đạt 424.410 tấn lương thực có hạt, theo đó, toàn tỉnh sẽ gieo trồng 81.000 ha lúa. Theo nhận định, đây là vụ sản xuất đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệt độ phổ biến cao hơn trong khi tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm; đặc biệt ngay từ vụ xuân đã phải điều tiết nước để phục vụ sản xuất, chống hạn vùng Thanh Chương và Đô Lương. Trong khi đó, các hồ đập, sông, suối và các công trình đầu mối đang ở mức thấp. Dự kiến toàn tỉnh có đến trên 6.500 ha có nguy cơ hạn, thiếu nước.

Ngay từ vụ xuân, mực nước tại ba ra Đô Lương nhiều thời điểm phải điều tiết xuống mức thấp để ưu tiên tưới cho vùng hạ du hệ thống thuỷ lợi Nam. Ảnh: Phú Hương

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, thời gian tới không có mưa, mực nước sông Lam có xu hướng giảm; mực nước hồ chứa Bản Vẽ xuống rất thấp. Trong khi từ nay đến cuối vụ xuân, cần ít nhất một đợt tưới gia tăng cho thời kỳ lúa trổ, đứng cái. Do đó, việc cấp nước cho sản xuất ngay từ vụ xuân ở một số vùng đã khó khăn, nhất là các trạm bơm dọc sông Lam vùng Thanh Chương và các xã Thuận Sơn, Lưu Sơn, Trung Sơn (Đô Lương).

Đến nay, trong 102 hồ do doanh nghiệp quản lý, hiện chỉ có 4 hồ đầy nước, ít hơn cùng kỳ năm 2022 tới 8 hồ; 56 hồ có dung tích >70 % dung tích thiết kế, (cùng kỳ năm 2022 có 65 hồ); chỉ 26/959 hồ đập do địa phương quản lý đang đầy nước. Tại các công trình đầu mối, mực nước cơ bản đều thấp hơn mực nước thiết kế.

Theo kế hoạch, diện tích tưới, tiêu, cấp nước vụ hè thu - mùa năm nay của Nghệ An là gần 110.000 ha, trong đó trên 81.650 ha lúa. Với thực trạng nguồn nước và nhu cầu tưới, từ những tháng giữa cuối mùa khô năm nay, việc phục vụ nước tưới cho sản xuất sẽ rất khó khăn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra sớm và trên diện rộng.

Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh
Mới nhất
x
Trên 6.500 ha lúa hè thu-mùa ở Nghệ An có nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO