Sức khỏe

Truyền thông nhằm giảm thiểu bệnh Thalassemia

Mỹ Hà 09/07/2024 10:29

Đây cũng là một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7 và góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Sáng 9/7, Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình Nghệ An phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Quế Phong tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn về truyền thông nhằm giảm thiểu bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) cho gần 118 viên chức dân số cấp huyện, xã và cộng tác viên dân số kiêm y tế thôn bản.

bna_2(1).jpg
Chương trình truyền thông về bệnh Thalassemia cung cấp những kiến thức về việc nhận biết, cách phòng tránh cho các viên chức, cộng tác viên dân số. Ảnh: Mỹ Hà.

Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) là bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất hiện nay trên thế giới với 7% dân số toàn cầu mang gene bệnh, có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng bởi căn bệnh này, trong đó có Việt Nam. Hiện cả nước có hơn 12 triệu người mang gene bệnh và chiếm tỷ lệ mang gene bệnh cao là ở các huyện vùng núi cao.

Đây là một trong những căn bệnh đã và đang gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đến giống nòi và khi số người mang gene bệnh nhiều thì bệnh có nguy cơ tăng nhanh chóng, nếu không có giải pháp phòng tránh.

img_1747(1).jpg
Bác sỹ CKI Phan Văn Huê - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình giới thiệu về bệnh Thalassemia và cách phòng tránh. Ảnh: Mỹ Hà.

Tại Nghệ An, theo báo cáo của Trung tâm Huyết học - Truyền máu tỉnh, hàng năm số bệnh nhân đến điều trị tại Trung tâm khoảng 350 - 400 người. Đây chỉ là số bệnh nhân được phát hiện và đang điều trị tại một số bệnh viện. Thực tế ở cộng đồng, chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi cao, số lượng bệnh nhân chưa được phát hiện khá lớn. Điều đó cho thấy, chưa có đánh giá cụ thể thực trạng bệnh nhân mắc tan máu bẩm sinh tại Nghệ An.

Phát biểu tại chương trình, Bác sỹ CKI Phan Văn Huê - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh cho biết, các hoạt động phòng, chống bệnh tan máu bẩm sinh được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là bước tiến quan trọng trên chặng đường đẩy lùi bệnh Thalassemia.

Bà Thái Thị Tuyết - Trưởng phòng Dân số - Chi cục Dân số Kế hoạch hoá gia đình truyền thông về lợi ích của việc sàng lọc phát hiện sớm bệnh và vấn đề bình đẳng giới trong gia đình. Ảnh: Mỹ Hà
Bà Thái Thị Tuyết - Trưởng phòng Dân số - Chi cục Dân số Kế hoạch hoá gia đình truyền thông về lợi ích của việc sàng lọc phát hiện sớm bệnh và vấn đề bình đẳng giới trong gia đình. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, Nghệ An là 1 trong 5 tỉnh (cùng với Hà Giang, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa) được lựa chọn triển khai thí điểm trong giai đoạn 1 của Chương trình truyền thông nhằm giảm thiểu bệnh Thalassemia (từ năm 2021 - 2025) nhằm hướng tới mục tiêu: Giảm số ca phù thai do bệnh Thalassemia, giảm số trẻ sinh ra bị bệnh, từng bước nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế cho bệnh nhân người dân tộc thiểu số, từng bước kéo dài tuổi thọ cho những bệnh nhân hiện tại.

img_1708(1).jpg
Các cộng tác viên dân số trên địa bàn huyện Quế Phong tham gia lớp tập huấn. Ảnh: Mỹ Hà.

Tại chương trình, các học viên và viên chức, cộng tác viên dân số đến từ 13 xã, thị trong toàn huyện Quế Phong đã được giới thiệu một cách chi tiết, dễ hiểu nhất về căn bệnh cũng như các dấu hiệu nhận biết và các phòng tránh.

Qua những kiến thức được cung cấp, lãnh đạo Chi cục Dân số - kế hoạch hoá gia đình mong các học viên cần tích cực cập nhật kiến thức và các kỹ năng truyền thông để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về bệnh tan máu bẩm sinh; lợi ích của việc sàng lọc phát hiện sớm bệnh; giúp cho mọi trẻ em đều được sinh ra khoẻ mạnh. Điều đó, sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Ngoài Quế Phong, chương trình cũng đã được tổ chức cho các viên chức và cộng tác viên dân số trên địa bàn huyện Kỳ Sơn./.

Mới nhất

x
Truyền thông nhằm giảm thiểu bệnh Thalassemia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO