Tuyến đường gần 200 tỷ đồng phục vụ hơn 100 hộ dân đầu tư dở dang xong bỏ đó

Tiến Hùng 30/03/2023 08:56

(Baonghean.vn) - Tuyến đường từ bản Côi đi bản Cà Moong (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An), với tổng kinh phí khoảng 195 tỷ đồng được khởi công từ năm 2011. Tuy nhiên, sau khi đã bỏ 72 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, dự án này “đắp chiếu” suốt hơn 10 năm qua.

Đầu tư đường gần 200 tỷ đồng phục vụ hơn 100 hộ dân

Một ngày tháng 3, chỉ sau một trận mưa lớn, như thường lệ xã Lượng Minh (Tương Dương) phải phát thông báo huy động người dân bản Cà Moong ngừng lên rẫy để tập trung khắc phục tuyến đường độc đạo dẫn vào bản. Bản Cà Moong hiện có 145 hộ dân người Khơ mú, mỗi hộ phải ít nhất 1 người đi làm nhiệm vụ mở đường sau mỗi trận mưa.

Sau trận mưa, nước kèm theo đất đá từ trên núi đổ xuống, chất thành từng khối chắn ngang đường. Nhiều chỗ dòng nước làm xói mòn, tạo thành những hố sâu. Không có máy móc hỗ trợ, người dân chỉ có thể khắc phục bằng cuốc, xẻng. “Con đường từ bản Côi vào bản Cà Moong dài 18km. Đây là con đường duy nhất dẫn vào bản Khơ mú. Tuy nhiên, cứ sau mỗi trận mưa lại hư hỏng. Tôi cũng không nhớ nổi, mỗi năm bao nhiêu lần phải huy động người dân cả bản đi khắc phục đường sá nữa. Chỉ biết cứ mưa lại hư hỏng, cứ hư hỏng lại phải khắc phục chứ không là cô lập”, ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh nói.

Người dân bản Cà Moong khắc phục tuyến đường sau cơn mưa. Ảnh: T.H

Cũng theo ông Phúc, cứ mỗi đợt khắc phục, nếu hư hỏng nhẹ thì mất một ngày, còn nếu mưa lớn, gây sạt lở nhiều đoạn thì có khi người dân phải tốn đến 3 ngày công. “Dù vất vả là vậy, nhưng khắc phục xong cũng không được lâu, rồi đâu lại vào đấy. Có khi vừa làm xong hôm nay, ngày mai trời mưa lại hư hỏng tiếp”, ông Phúc nói thêm.

Bản Cà Moong vốn thuộc xã Kim Đa. Tuy nhiên, sau khi Thủy điện Bản Vẽ được xây dựng, xã này đã bị xóa sổ hoàn toàn. Bản cũ Cà Moong cũng dần chìm dưới lòng hồ thủy điện, tuyến đường bộ dẫn vào bản cũng bị ngập nước. Không muốn xuống huyện Thanh Chương để tái định cư, người dân Cà Moong di vén lên vùng đất cao hơn, rồi được nhập vào xã Lượng Minh. Tuy nhiên, địa điểm mới này lại bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Không có đường, không có điện, càng không có sóng điện thoại.

Để người dân Cà Moong đi lại thuận tiện hơn, năm 2011, huyện Tương Dương đã khởi công xây dựng tuyến đường từ bản Côi đi Cà Moong. Tuyến đường dài hơn 18km, với tổng kinh phí khoảng 195 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự án này do UBND huyện Tương Dương làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành trong vòng 30 tháng. Thời điểm đó, bản Cà Moong chỉ mới có 105 hộ dân. “Thấy công nhân về làm đường, người dân chúng tôi phấn khởi lắm. Nhưng chờ mãi bao nhiêu năm rồi mà đường vẫn chẳng thấy đâu. Biết họ bỏ số tiền lớn thế để làm một con đường dở dang thế này, thà sắm thuyền cho người dân đi lại còn hơn”, một người dân bản Cà Moong nói.

Con đường đã được đầu tư 72 tỷ đồng. Ảnh: T.H

Công trình gây lãng phí

Theo Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, tuyến đường dẫn vào bản Cà Moong theo thiết kế sẽ được rải thảm nhựa. Sau khi khởi công, nhiều công nhân cũng đã mang theo máy móc vào để triển khai, giải phóng mặt bằng. “Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn thấy họ rút lui. Hơn 10 năm nay không còn động tĩnh gì nữa”, ông Phúc nói.

Còn ông La Văn Thái - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tương Dương cho biết, dự án này được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 6 miền núi với tổng chiều dài hơn 18km. Công trình mới chỉ bố trí, giải ngân được hơn 72 tỷ đồng. Ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành trong vòng 30 tháng nhưng do không bố trí được nguồn vốn, công trình phải dừng thi công. Đến nay, dự án mới chỉ hoàn thành xong hạng mục nền đường và một số công trình trên tuyến, các hạng mục còn lại như mặt đường, cống, hệ thống an toàn giao thông… chưa thi công. Do không bố trí được vốn, năm 2021, UBND huyện Tương Dương đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và Sở KH&ĐT Nghệ An xem xét cho dừng thực hiện dự án.

Nhiều năm nay, dù người dân đã bỏ rất nhiều công sức để khắc phục tuyến đường làm dở dang, tuy nhiên, để vượt quãng đường đầy dốc đá lởm chởm dẫn vào bản Cà Moong cũng rất gian nan. Dù chỉ dài 18km, nhưng phải mất gần 2 giờ chạy xe máy. Tuy nhiên, đó là vào những ngày đẹp trời. Còn sau mỗi trận mưa, để vào bản Cà Moong bằng đường bộ là không thể. Chính vì thế, hầu hết người dân lẫn cán bộ đều lựa chọn đường thủy để đi lại, dù phải mất nhiều chặng.

Đường vào bản Cà Moong vào những ngày đẹp trời, nhưng chạy xe máy cũng mất gần 2 tiếng. Ảnh: T.H

Theo đó, mỗi lần cán bộ xã Lượng Minh vào bản Cà Moong công tác, họ phải chạy xe máy gần 10km lên bến Thượng Lưu nằm ngay trên đập thủy điện Bản Vẽ. Sau đó, thuê thuyền máy chạy gần 1 tiếng. Lên đến bờ, họ lại phải tiếp tục thuê xe ôm tốn 100.000 đồng mới tới được bản. Bản Cà Moong có đến 80% hộ nghèo. Dù nhường đất cho thủy điện, đường điện cao thế chạy ngay trên bản nhưng ở đây chỉ mới có điện hơn 1 năm nay. Giao thông cách trở, khiến cho cái nghèo cứ luôn đeo bám lấy cuộc sống của người dân nơi đây.

“Đầu tư hơn 70 tỷ đồng rồi bỏ đó, không sử dụng được thì thật là lãng phí. Hầu như cuộc họp nào người dân cũng có ý kiến về con đường này. Xã đã nhiều lần kiến nghị huyện, tỉnh bố trí nguồn vốn để thi công tiếp, nhưng nhiều năm rồi vẫn chưa thấy động tĩnh. Chúng tôi cũng mong muốn nếu không có kinh phí để thi công đường, thì cho cải tạo lại nền đường đất để người dân có thể chạy xe máy, nhưng đến nay vẫn chưa thể bố trí được kinh phí”, ông Vi Đình Phúc nói.

Do tuyến đường thường xuyên sạt lở, đi lại khó khăn nên người dân Cà Moong chủ yếu vẫn sử dụng đường thủy. Ảnh: T.H

Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho biết, dự án phải dừng do kinh phí quá lớn và thuộc trường hợp phải cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11/2011 của Chính phủ. Ông Hải cũng thừa nhận dự án này rất tốt về mặt xã hội nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao vì chỉ phục vụ cho người dân 1 bản, trong khi người dân đang có đường sông để đi lại./.

Mới nhất
x
Tuyến đường gần 200 tỷ đồng phục vụ hơn 100 hộ dân đầu tư dở dang xong bỏ đó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO