TX Thái Hòa: Phấn đấu "cán đích" nông thôn mới

11/01/2015 09:11

(Baonghean) - Trong những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Thị xã Thái Hòa đã đạt những kết quả hết sức khả quan cả số lượng và tỷ lệ bình quân các tiêu chí mà các xã đạt được. Đây là điều kiện, quan trọng để Thị xã Thái Hòa tự tin cán đích xây dựng NTM theo đúng lộ trình.

gày đầu năm, chúng tôi trở lại Thị xã Thái Hòa - thủ phủ của vùng Phủ Quỳ. Nhìn nhịp phố phường sôi động, khang trang với nhiều công trình hạ tầng đã và đang hoàn thiện mới thấy đô thị trẻ bên dòng sông Hiếu đang thay da đổi thịt từng ngày. Điều đó không chỉ hiển hiện ở các phường trung tâm mà có sự trải đều rộng khắp ở các xã vùng ven. Đến nay, tại 6 xã trên địa bàn, xác định xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là yêu cầu khách quan, điều kiện quan trọng để phấn đấu đưa Thái Hòa trở thành một trong những đơn vị khá của tỉnh Nghệ An vào năm 2020, có điều kiện kinh tế giàu mạnh, kết cấu hạ tầng đồng bộ; văn hóa, tinh thần nhân dân phát triển…

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, tận dụng được ngoại lực, phát huy tốt nội lực để cùng chung tay xây dựng NTM. Vì vậy, từ điểm xuất phát thấp, xã đạt cao nhất 9 tiêu chí, bình quân 5,16 tiêu chí/xã, thì hiện nay Thái Hòa đang tràn đầy niềm tin sẽ cán đích xây dựng NTM vào năm 2016. Bởi kết thúc năm 2014, Thị xã Thái Hòa đã có 2 xã là Nghĩa Mỹ và Nghĩa Thuận đạt 19/19 tiêu chí; xã Đông Hiếu đạt 17/19 tiêu chí; xã Tây Hiếu đạt 16/19 tiêu chí, xã Nghĩa Hòa đạt 15/19 tiêu chí và xã Nghĩa Tiến đạt 12/19 tiêu chí. Bình quân đạt 16,34 tiêu chí/xã.

Mô hình chăn nuôi bò thịt của chị Trương Thị Thúy, ở xóm 3, xã Nghĩa Hòa, Thị xã Thái Hòa.
Mô hình chăn nuôi bò thịt của chị Trương Thị Thúy, ở xóm 3, xã Nghĩa Hòa, Thị xã Thái Hòa.

Men theo con đường nhựa khang trang, chúng tôi về xã Nghĩa Hòa, mảnh đất của người Việt cổ, nổi tiếng với di chỉ khảo cổ học làng Vạc. Bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, Nghĩa Hòa có xuất phát điểm thấp, chỉ đạt vẻn vẹn 2 tiêu chí. Tuy nhiên, với việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của các cấp, cũng như sự thống nhất, đoàn kết, phát huy nội lực của nhân dân, Nghĩa Hòa đã có những bước tăng tốc mạnh mẽ trong việc thực hiện các tiêu chí. Thể hiện rõ nhất là trên lĩnh vực giao thông. Xóm 1, xã Nghĩa Hòa có có 136 hộ, 581 nhân khẩu. Trong năm qua, xóm đã vận động thành công nhân dân hiến 2.500m2 đất, 2.200m bờ rào kiên cố và đóng góp 1,5 triệu đồng/hộ để cùng với xi măng do Nhà nước hỗ trợ làm đường bê tông dài 2,8 km sau.

Dẫn chúng tôi đi dọc theo những con đường bê tông rộng rãi, khang trang, ông Lê Xuân Hùng, xóm trưởng tự hào, nói: “Bước đầu vận động hiến đất, góp công, góp của làm đường, một số bà con thấy ngại. Tuy nhiên, khi cấp ủy họp và xác định cán bộ, đảng viên phải gương mẫu; các đoàn thể như: phụ nữ, người cao tuổi, cựu chiến binh vào cuộc vận động nhân dân thì nhận thức mọi người chuyển biến hẳn. Bên cạnh đó, chúng tôi chọn làm thí điểm trước tại một đoạn đường trước để tạo cú hích, thi đua nhau trong xóm. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, đường giao thông nội xóm đã được khép kín bằng bê tông”. Phát huy những kết quả đạt được, xóm tiếp tục vận động đóng góp 500 ngàn đồng/hộ để nâng cấp nhà văn hóa; 650 ngàn đồng/hộ để làm cổng chào. Không chỉ tại xóm 1, trong những năm qua, trên địa bàn xã Nghĩa Hòa, việc kết hợp nguồn hỗ trợ của Nhà nước và phát huy nội lực của của địa phương, nhân dân được thực hiện rất tốt. Vì vậy, hệ thống giao thông của xã đã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới với kinh phí thực hiện 61.255 triệu đồng, trong đó đường trục xã dài 8.9 km với tổng kinh phí 42.495 triệu đồng; đường trục thôn, ngõ xóm dài 18 km với tổng kinh phí 17.270 triệu đồng...

Bên cạnh đó, xã Nghĩa Hòa đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung phát triển mạnh các loại cây có giá trị kinh tế cao như: dưa hấu, bí xanh, cà pháo, bí đỏ, ngô, cỏ nguyên liệu cho bò sữa và duy trì diện tích đất sản xuất lúa, diện tích mía hàng năm; xây dựng và triển khai dự án chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt và mô hình trồng hoa ly. Trong năm 2014, xã Nghĩa Hòa đã tổ chức được 2 lớp tập huấn chăn nuôi bò với 64 nông dân tham gia. Sau đó họ được vay vốn mua bò và được thị xã hỗ trợ hoàn toàn lãi suất cho vay trong năm đầu tiên.

Chị Trương Thị Thúy, xóm 3, xã Nghĩa Hòa cho biết: “Thông qua lớp học, tôi được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho bò rất hữu ít. Bên cạnh đó, sau lớp học tôi được vay 15 triệu đồng không tính lãi suất trong năm đầu tiên để mua thêm bò. Đây là hướng phát triển rất tốt cho gia đình vì vợ chồng trẻ nên đất đai canh tác ít, lại thiếu vốn sản xuất”. Ngoài các chương trình trên, Nghĩa Hòa cũng đã triển khai hỗ trợ cho các hộ nuôi dê từ 5 con trở lên và đang tiến hành các thủ tục để hỗ trợ phát triển vùng cam với mục tiêu ban đầu đạt 8 -10 ha trên địa bàn xã. Với nhiều cách làm hiệu quả, phát huy được tiềm năng kinh tế của địa phương, kết thúc năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 20 triệu đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2010 và tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,8%.

Ông Hoàng Nghĩa Thái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho biết: “Hiện nay, xã Nghĩa Hòa đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng NTM. Chúng tôi đang phấn đấu hoàn thành 4 tiêu chí còn lại và đạt xã chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong quá trình thực hiện, nhiều tiêu chí còn lại như: xây dựng chợ, cơ sở vật chất văn hóa… cần nguồn vốn đầu tư lớn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp để Nghĩa Hòa về đích xây dựng NTM”.

Còn đối với xã Nghĩa Mỹ, địa phương đầu tiên của Thị xã Thái Hòa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Kinh nghiệm thành công cho thấy, ngoài việc vận dụng các nguồn ngoại lực, để phát huy nội lực trong nhân dân, xã đã thực hiện theo phương châm “chọn yếu kích khá”. Tức là chọn thôn, xóm có điều kiện khó khăn nhất để thực hiện vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM, từ đó kích phong trào ở các xóm khá. Trong quá trình đó, cán bộ, đảng viên thực sự là những hạt nhân của phong trào. Còn tại xã Tây Hiếu, địa bàn có diện tích tương đối rộng nên ngay từ đầu, cấp ủy chính quyền địa phương xác định giao thông là tiêu chí khó.

Vì vậy, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc vận động nhân dân hiến đất, góp công, góp kinh phí để làm đường. Do đó, hiện nay xã đã làm được 42/50km đường giao thông nội xã. Ông Nguyễn Đình Châu, Chủ tịch xã Tây Hiếu chia sẻ: “Có được kết quả như hôm nay, việc phát huy dân chủ hết sức quan trọng. Qua đó, dân biết, dân bàn, dân thực hiện nên, chung tay xây dựng quê hương. Đó cũng là kinh nghiệm để chúng tôi tiếp tục hoàn thành 8km giao thông còn lại và 3 tiêu chí chưa đạt, quyết tâm về đích xây dựng NTM trong năm 2015”.

Như vậy, có thể thấy, tùy theo đặc thù, mỗi xã có một cách làm, bước đi phù hợp với địa phương mình để đạt được hiệu quả cao nhất, nhằm hướng tới mục đích chung là hoàn thành xây dựng NTM. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Hải, Trưởng phòng Kinh tế, Phó ban Thường trực, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Thị xã Thái Hòa cho biết: “Dựa trên những kết quả đạt được, trong năm 2015, Thị xã Thái Hòa tập trung nguồn lực, phấn đấu có 3 xã là Đông Hiếu, Tây Hiếu và Nghĩa Hòa hoàn thành xây dựng NTM; còn xã Nghĩa Tiến phấn đấu về đích năm 2016”.

Nhật Lệ

Mới nhất

x
TX Thái Hòa: Phấn đấu "cán đích" nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO