Tỷ lệ đậu quả thấp, người trồng cam Vinh lo lắng

Thanh Phúc 11/04/2022 06:34

(Baonghean.vn) - Thời điểm đầu vụ, liên tục các đợt mưa rét, ảnh hưởng đến việc thụ phấn, hoa rụng nhiều, không đậu được quả, thậm chí có cây khi đã đậu được quả thì vẫn bị rụng. Điều này khiến người trồng cam hết sức lo lắng khi đối diện với một vụ cam kém năng suất..

Vụ cam năm nay, tỷ lệ cam ra hoa, đậu quả chỉ đạt 60-70% so với các vụ cam trước, nông dân đối mặt với một vụ cam kém năng suất. Ảnh: Thanh Phúc
Vụ cam năm nay, tỷ lệ cam ra hoa, đậu quả chỉ đạt 60-70% so với các vụ cam trước, nông dân đối mặt với một vụ cam kém năng suất. Ảnh: Thanh Phúc

Gia đình anh Nguyễn Đức Thân (xã Bồng Khê, Con Cuông) trồng hơn 1 ha cam lòng vàng. Vụ cam năm trước, sắp vào kỳ thu hoach thì cam rụng quả đến 70%, năng suất giảm còn 1/3, giá bán ra thị trường thấp nên thua lỗ. Ngay sau khi thu hoạch xong cam vụ trước, gia đình anh đã tập trung các biện pháp chăm sóc để cây cam hồi phục, sinh trưởng: bón phân chuồng, bón lân, đạm tổng hợp và cắt tỉa cành, làm cỏ, xới gốc với hy vọng vào một vụ cam mới bội thu. Hiện cây cam đang trong thời kỳ ra hoa, kết quả, song tỷ lệ đậu quả rất thấp.

Anh Nguyễn Đức Thân cho biết: “So với mọi năm, năm nay, tỷ lệ đậu quả chỉ đạt khoảng 70%, nguy cơ ảnh hưởng tới năng suất cuối vụ là điều khó tránh khỏi”.

Những ngày qua, gia đình anh Hoàng Văn Hoan (xóm Xuân Sơn, xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp) như “ngồi trên lửa” khi tỷ lệ đậu quả của 500 gốc cam chỉ đạt 60-70% so với vụ cam trước. Nhiều gốc, tỷ lệ đậu quả thấp lại còn bị rụng quả, thậm chí có những gốc cam chỉ còn thưa thớt vài quả non trên cây.

Có nhiều cây cam rất xanh tốt song lại không ra hoa, kết quả. Ảnh: Thanh Phúc
Có nhiều cây cam rất xanh tốt song lại không ra hoa, kết quả. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Hoàng Văn Hoan cho biết: “Các năm trước, cam ra trĩu quả, còn phải cắt bỏ bớt quả non, quả xấu để cây dồn sức cho quả phát triển. Vậy mà năm nay, cam ra rất ít quả lại còn bị rụng nhiều nên có nhiều gốc cam trơ trọi, chỉ còn lá. Cỏ mọc dày nhưng không dám cày xới, làm sạch cỏ vì sợ tác động đến cây, quả sẽ rụng nhiều hơn”.

Theo anh Hoan, ngay sau Tết, anh đã đầu tư phân chuồng, đạm, lân bón cho cam, mỗi gốc lên đến khoảng 150.000 đồng tiền phân bón. Đồng thời huy động nhân công bấm tỉa cành, phun các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh gây hại. Cây cam hồi phục khá tốt nhưng lại ra hoa ít, tỷ lệ đậu quả rất thấp. Tiếp theo đó, gặp phải các đợt mưa rét khiến cam non rụng quả nhiều. Có nhiều cây không còn quả nào, anh đành chặt bỏ và trồng dắm lạc.

Cam rụng sinh lý khá nhiều, chưa kể vào thời điểm nắng nóng, gió Lào sắp tới sẽ rất khắc nghiệt khiến việc chăm sóc cam càng thêm khó khăn. Ảnh: Thanh Phúc
Cam rụng khá nhiều, chưa kể vào thời điểm nắng nóng, gió Lào sắp tới sẽ rất khắc nghiệt khiến việc chăm sóc cam càng thêm khó khăn. Ảnh: Thanh Phúc

Bà Phạm Thị Quỳnh, Xóm trưởng xóm Xuân Sơn (Văn Lợi, Quỳ Hợp) cho biết: “Trước năm 2022, toàn xóm có 100 hộ trồng cam với tổng diện tích 115 ha. Tuy nhiên, sau vụ cam thất bát năm ngoái do cam rụng nhiều và giá cam thấp, cây cam suy thoái nên người dân chặt bỏ, chuyển đổi sang cây trồng khác như mía, lạc, quýt, táo… Hiện diện tích cam toàn xóm giảm còn 50 ha. Vụ cam này, theo người dân trong xóm phản ánh thì cam ra hoa ít, tỷ lệ đậu quả thấp, rụng quả nhiều nên năng suất chắc chắn sẽ giảm. Trong khi đó, chi phí đầu vào chăm sóc cho cây cam lại tăng cao, người dân rất lo lắng”.

Theo người dân các vùng trồng cam, sở dĩ cam ra hoa, đậu quả thấp là do vào thời điểm đầu vụ, liên tục các đợt mưa rét, ảnh hưởng đến việc thụ phấn, hoa rụng nhiều, không đậu được quả, thậm chí có cây khi đã đậu được quả thì vẫn bị rụng. Bên cạnh đó, nhiều vườn cam dù mới trồng được vài năm song đã bị thoái hóa, cây cam còi cọc, sinh trưởng kém nên ra hoa ít.

Nhiều diện tích cam kém năng suất đã bị chặt bỏ và trồng dặm lạc thay thế. Ảnh: Thanh Phúc
Nhiều diện tích cam kém năng suất đã bị chặt bỏ và trồng dặm lạc thay thế. Ảnh: Thanh Phúc

“Tỷ lệ đậu quả ít, chưa kể là sắp tới khi vào mùa nắng nóng, gió Lào thì cam còn bị rụng quả non, quả xanh, đến khi sắp thu hoạch như năm ngoái, cam cũng rụng nhiều nên năng suất cuối vụ chắc chắn kém. Thu nhập của các hộ, chủ yếu nhìn vào cây cam, nhưng cứ đà này thì khó mà bám trụ”, anh Hoàng Văn Hoan cho biết thêm.

Hiện toàn huyện Quỳ Hợp có 360 ha cam (giảm 950,6 ha so với năm 2020). Qua khảo sát, vụ cam năm nay, tỷ lệ cam ra hoa, đậu quả thấp hơn nhiều so với năm trước, bình quân chỉ đạt 60-70%. Trước tình trạng cam ra hoa, đậu quả kém hơn năm trước, Phòng NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân bám sát việc thăm vườn, theo dõi sự phát triển của cam, nhất là vào giai đoạn thời tiết nắng mưa thất thường như hiện nay. Đồng thời, chỉ đạo các xã vệ sinh vườn để tránh sâu bệnh gây hại, ảnh hưởng đến việc phát triển của những diện tích cam đã đậu quả.

Những vườn cam cỏ mọc quá đầu gối song người dân cũng không dám phát quang, làm cỏ, xới xáo vì sợ cam rụng. Ảnh: Thanh Phúc
Những vườn cam cỏ mọc quá đầu gối song người dân cũng không dám phát quang, làm cỏ, xới xáo vì sợ cam rụng. Ảnh: Thanh Phúc

“Thời gian qua huyện đã phối hợp với Chi cục BVTV và Trồng trọt tỉnh mời các chuyên gia của Viện Bảo vệ thực vật Trung ương về tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây có múi nói chung và cây cam nói riêng cho bà con trồng cam ở các xã Minh Hợp, Nghĩa Xuân, Châu Đình, Văn Lợi, Hạ Sơn. Đồng thời, phối hợp với Viện Thổ nhưỡng tiến hành lấu mẫu chất đất ở các xã trọng điểm về cây cam để phân tích, tìm ra nguyên nhân".

Ông Nguyễn Duy Hưng -Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Quỳ Hợp

Vụ cam 2021, nhiều người dân mất trắng khi tỷ lệ cam đến kỳ thu hoạch thì rụng đồng loạt. Ảnh: Thanh Phúc
Vụ cam 2021, nhiều người dân mất trắng khi tỷ lệ cam đến kỳ thu hoạch thì rụng đồng loạt. Ảnh: Thanh Phúc

Toàn tỉnh có khoảng 5.300 ha cam, trong đó, có gần 3.500 ha đang cho thu hoạch. Sau khi kết thúc vụ cam 2021 người dân đã đầu tư phân bón, chế phẩm sinh học và ngày công chăm sóc để cây cam phục hồi, sinh trưởng và ra hoa, kết trái, hy vọng một mùa cam mới năng suất. Vậy nhưng, tại nhiều địa phương trong tỉnh, cây cam bị thoái hóa, sinh trưởng kém, tỷ lệ ra hoa, kết trái thấp thua năm ngoái khiến người dân đang rất lo lắng.

Trước thực trạng này, ngành chức năng cần sớm vào cuộc, làm rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp kịp thời để người dân yên tâm sản xuất, đầu tư cho cây cam.

Mới nhất

x
Tỷ lệ đậu quả thấp, người trồng cam Vinh lo lắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO