UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ mùa mưa bão
(Baonghean.vn) - UBND tỉnh Nghệ An vừa có Công văn số 5835/UBND-NC ngày 18/7/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thuỷ mùa mưa bão.
Công văn nêu rõ: Trong thời gian qua, các cấp, ngành đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thuỷ, tạo được chuyển biến tích cực, góp phần hạn chế, không để xảy ra TNGT đường thuỷ.
Tuy nhiên, hoạt động giao thông đường thuỷ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng khai thác khoáng sản làm thay đổi dòng chảy, luồng chạy tàu gây xói lở các công trình, kết cấu hạ tầng giao thông, đê điều; nhiều phương tiện thuỷ nội địa không có đăng ký, đăng kiểm; một số tổ chức, cá nhân đưa phương tiện thuỷ tham gia hoạt động vận tải khách khi chưa được các cơ quan cấp thẩm quyền cho phép; chưa thực hiện nghiêm việc sử dụng thiết bị phao cứu sinh khi đi đò… tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT đường thuỷ.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn giao thông đường thuỷ trong mùa mưa bão năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu:
* Sở Giao thông vận tải:
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thuỷ trong mùa mưa bão, tập trung xây dựng phương án điều tiết bảo đảm ATGT đường thuỷ ở những vị trí nguy cơ tai nạn giao thông cao. Đặc biệt, các bến khách ngang sông, các công trình vượt sông, xử lý kịp thời các yếu tố gây mất an toàn và phòng ngừa tai nạn giữa phương tiện thuỷ với các công trình vượt sông
- Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường thanh, kiểm tra về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ trên địa bàn tỉnh nhằm sớm phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục ngay các vấn đề tồn tại phát sinh, phòng ngừa xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa
- Tham mưu triển khai công tác phối hợp liên ngành bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa năm 2023 tại Kế hoạch số 1606/KHLN-ĐKVN ngày 28/4/2023 của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông và Cục đường thủy nội địa Việt Nam.
- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra điều kiện an toàn đối với cầu tàu, bến, luồng, báo hiệu và các công trình khác có liên quan trong phạm vi cảng, bến thuỷ nội địa, phương tiện thủy tại các bến khách ngang, dọc sông, phương tiện chở khách du lịch hoạt động trên sông; các phương tiện thủy khi rời cảng bến và đảm bảo các điều kiện an toàn về trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm, chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên; Giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm của phương tiện theo quy định.
* Công an tỉnh:
- Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa đến từng hộ dân cư, thôn bản trên địa bàn, tập trung vào các đối tượng trực tiếp tham gia giao thông đường thủy như học sinh các trường học ven sông, thuyền viên, người điều khiển phương tiện, người làm ăn sinh sống trên sông.
- Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra hoạt động giao thông vận tải trên đường thủy nội địa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thủy; chấn chỉnh hoạt động nuôi trồng thủy sản vi phạm an toàn giao thông đường thủy, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; kiểm tra đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên sông; xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn đối với các bến đò ngang, đò dọc, nơi có mật độ người tham gia giao thông đường thủy cao.
* Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Ngay từ khi bước vào năm học mới chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường học ven sông kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng cặp phao cứu sinh đã được cấp phát; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở học sinh tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy khi đi đò như: mặc áo phao, sử dụng cặp phao cứu sinh, thiết bị nổi; không lên đò khi không có thiết bị cứu sinh hoặc đò đã chở quá số người quy định.
- Tăng cường công tác tuyên truyền trật tự an toàn giao thông đường thủy trong các trường học có học sinh thường xuyên phải đi lại bằng phương tiện đường thủy vào các tiết học ngoại khóa với nội dung “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, Chương trình hành động “Vì an toàn trẻ em trên sông nước”, “Đi đò mặc áo phao”... với mục tiêu "Tính mạng con người là trên hết".
* Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Siết chặt quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản (cát, sỏi,...) trên các tuyến đường thủy nội địa; phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên sông; đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản trên các tuyến đường thủy nội địa có tác động xấu đến dòng chảy, luồng chạy tàu gây xói lở các công trình, kết cấu hạ tầng giao thông, đê điều...
* Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh:
- Thường xuyên đôn đốc, theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện của các địa phương, đơn vị trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy. Tham mưu UBND tỉnh kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, có các giải pháp chỉ đạo nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn toàn tỉnh; phê bình các đơn vị, địa phương thực hiện kém hiệu quả, biểu dương các đơn vị, địa phương làm tốt công tác này.
- Tiếp tục rà soát cấp bổ sung các thiết bị cứu sinh cho các đơn vị, địa phương nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
* UBND các huyện, thành phố, thị xã:
- Tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy, tiếp tục rà soát, đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp phương tiện và bến khách ngang sông (bến đò ngang), đảm bảo đủ các điều kiện hoạt động theo quy định.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tập huấn và ký cam kết đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy.
- Chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Giao thông vận tải, đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I tại Nghệ An thường xuyên kiểm tra hoạt động giao thông vận tải trên đường thủy nội địa, nhất là hoạt động vận tải khách nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết đình chỉ các cảng, bến, phương tiện và người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện hoạt động, phương tiện chở quá tải, quá số người quy định, người đi đò không sử dụng thiết bị cứu sinh...
- Quản lý chặt chẽ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy phát sinh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định như: Hoạt động vận tải khách trên khu vực các hồ, đập; hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản, nuôi cá lồng trên các tuyến đường thủy tại địa phương. Chủ động xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra trên địa bàn.
- Tiếp tục kiểm tra, rà soát và phân loại các phương tiện giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn quản lý; phối hợp với Chi Cục Đăng kiểm số 3 tổ chức đăng kiểm và gia hạn kiểm định theo quy định.