Hội thảo khoa học '80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển'

Công Kiên 27/02/2023 13:26

(Baonghean.vn) - Hội thảo “80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” được tổ chức với mục đích nhìn lại và khẳng định nền tảng lý luận, giá trị, nguyên tắc cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Sáng 27/2, Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức Hội thảo cấp quốc gia “80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội thảo được kết nối với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu trung tâm. Ảnh chụp qua màn hình ti vi

Tại điểm cầu trung tâm, đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì Hội thảo;

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì.

Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngànhTrung ương; các nhà khoa học, nhà văn hóa và văn nghệ sĩ.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Văn Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đồng chủ trì.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; các báo cáo viên, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà văn hóa tiêu biểu.

Khẳng định nền tảng, nguyên tắc cốt lõi

Năm 1943 “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đã đi vào lịch sử như một bản Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa. Thực tiễn đấu tranh cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam 80 năm qua đã cho thấy ý nghĩa và giá trị mang tầm thời đại của văn kiện này.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Hội thảo “80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) – Khởi nguồn và động lực phát triển” được tổ chức với mục đích nhìn lại và khẳng định nền tảng lý luận, giá trị, nguyên tắc cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Từ đó, tìm ra những định hướng, giải pháp góp phần khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực chấn hưng văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong bối cảnh mới nhằm hiện thực hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, triển khai có hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và cụ thể hóa lộ trình triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Phát biểu dẫn đề Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Đề cương về văn hóa đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức đúng đắn rằng: Sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan.

Các đồng chí đồng chủ trì tại điểm cầu trung tâm. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hoá mới dứt khoát phải do Đảng tiên phong lãnh đạo. Mặt khác, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.

Công cuộc cải tạo xã hội, loại bỏ những gì cũ kỹ lạc hậu, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt hơn, chỉ hoàn thành khi hình thành được nền văn hóa mới: "nền văn hoá xã hội chủ nghĩa"…

Phát huy giá trị, vai trò định hướng

Tại Hội thảo, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, nhà quản lý và văn nghệ sĩ và lãnh đạo các địa phương đã trao đổi, thảo luận và đi đến thống nhất khẳng định trên các vấn đề: Ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Công Kiên

Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá đối với phát triển. Phải nhìn thẳng vào thực tế là, vẫn còn nhiều lúc, nhiều nơi, văn hóa chưa được đặt thật đúng vị trí, chưa thật sự xứng tầm trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người; chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá phát triển.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Văn Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đồng chủ trì. Ảnh: Công Kiên

Phát biểu tổng kết Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Các ý kiến tham luận, phát biểu tại Hội thảo đã thống nhất đánh giá vai trò và giá trị to lớn của Đề cương văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, cần tiếp tục phát huy vai trò định hướng của Đề cương văn hóa Việt Nam để đưa đất nước gặt hái được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới và quá trình hội nhập quốc tế./.

Mới nhất

x
Hội thảo khoa học '80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO