Vai trò đặc biệt của Nga đối với sự thay đổi của phe đối lập Syria trước hòa đàm

24/11/2017 20:21

Ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria. Nga đã để lại dấu ấn sâu đậm trong quá trình đó.

Sau 2 ngày họp đầu tiên ở thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, phe đối lập bị chia rẽ của Syria hôm 23/11 đã nhất trí được thành phần đoàn đại biểu chung cho 50 nhóm tham gia các cuộc hòa đàm do Liên Hợp Quốc bảo trợ dự kiến vào tuần tới tại Geneva (Thụy Sĩ).

dau an cua nga doi voi su thay doi cua phe doi lap syria truoc hoa dam hinh 1
Một đại diện của phe đối lập Syria. Ảnh: AFP.

Sự kiện một lần nữa cho thấy vai trò của ngoại giao trong giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria và đặc biệt là dấu ấn của Nga.

Đây là cuộc họp đầu tiên tập hợp được hầu như tất cả các lực lượng đối lập tại Syria kể từ khi cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này bùng phát năm 2011 nhằm thành lập một phái đoàn thống nhất tham gia các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva dự kiến vào ngày 28/11 tới dưới sự chủ trì của Liên Hợp Quốc. Cuộc gặp chỉ vắng mặt nhóm nổi dậy Đảng thống nhất dân chủ của người Kurd do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Mặt trận al-Nusra do bị xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Theo Người phát ngôn Lực lượng đối lập Syria Firas Al- Khaldi, các bên sẽ tiếp tục nhóm họp trong ngày hôm nay để thống nhất danh sách và số lượng các đại diện của mỗi nhóm: “Các đại biểu tham gia hội nghị đã bầu ra 50 thành viên của Ủy ban đàm phán cấp cao để thực hiện nhiệm vụ đàm phán và đại diện cho tất cả các thành phần của lực lượng đối lập cũng như nền tảng lập trường”.

Tới nay Liên Hợp Quốc đã tổ chức được 7 vòng đàm phán hòa bình tại Geneva, tuy nhiên, tại tất cả những vòng họp này diễn ra trong các năm 2014, 2016 và mới đây nhất tháng 2/2017, phái đoàn đối lập Syria thường xuyên bị chỉ trích là thiếu tính đại diện và thậm chí là cả về mục đích đấu tranh.

Đây cũng chính là lý do chính phủ Saudi Arabia đã đứng ra đăng cai tổ chức cuộc họp tại thủ đô Riyadh, với sự tham dự của cả các lực lượng đối lập ôn hòa được sự ủng hộ của Nga có đại bản doanh tại thủ đô Cairo (Ai Cập) và Moscow (Nga), cũng như Ủy ban đàm phán cấp cao (HCN), một liên minh đối lập được thành lập vào năm 2015 dưới sự thúc đẩy của phương Tây và các đồng minh Arab.

Là lực lượng chính tham gia các cuộc đàm phán dưới sự chủ trì của Liên Hợp Quốc, Ủy ban đàm phán cấp cao gồm đại diện các nhóm đối lập Syria, trong đó có Liên minh dân tộc Syria (CNS) phản đối mạnh mẽ nhất chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, Ủy ban phối hợp dân tộc vì sự thay đổi dân chủ chủ trích việc quân sự hóa cuộc nổi dậy, các nhóm vũ trang như Quân đội tự do Syria hay phong trào Jaich Al-Islam, tham gia tiến trình tại Astana dưới sự thúc đẩy của Nga nhằm làm giảm mức độ căng thẳng tại Syria.

Cuối cùng là các lực lượng độc lập, xuất thân từ giới doanh nghiệp, hội phụ nữ và hội đồng địa phương hiện kiểm soát những khu vực nằm trong tay các nhóm nổi dậy.

Có thể nói, nếu như cách đây một năm thì một cuộc họp tập hợp đầy đủ tất cả các lực lượng đối lập tại Syria như đang diễn ra tại Saudi Arabia còn là không tưởng và một điều dễ nhận thấy là cuộc gặp này mang đạm dấu ấn của Nga. Song song với cuộc họp của các nhóm đối lập Syria tại Riyadh, Tổng thống Nga VladimirPutincũng đăng cai tổ chức một cuộc họp cấp cao với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, những nước bảo trợ cho tiến trình hòa bình tại Astana để thảo luận về tương lai Syria.

Trước đó hồi đầu tuần, Tổng thống Putin đã đón tiếp người đồng cấp Bashar al-Assad ở điện Kremlin, cuộc gặp đầu tiên kể từ tháng 10/2015 và một ngày sau đó là một loạt cuộc tham vấn qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quốc vương Saudi Arabia Salman.

Một điều không khó nhận thấy là người đứng đầu nước Nga đang huy động mọi nỗ lực để biến những thắng lợi về mặt quân sự của các lực lựng ủng hộ chính phủ Syria thành những thắng lợi chính trị, hướng tới chấm dứt một trong những cuộc khủng hoảng dai dẳng nhất Trung Đông này.

Tổng thống Nga Putin nói: “Người dân Syria sẽ tự quyết định tương lai của họ, cũng như các cuộc đàm phán về những nguyên tắc của mô hình nhà nước trong tương lai. Đây chắc chắn không phải là điều dễ dàng, bởi nó đòi hỏi sự thỏa hiệp và nhượng bộ từ tất cả những người tham gia, bao gồm cả chính phủ Syria.

Tôi hy vọng, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng nhau tăng cường các nỗ lực nhằm làm cho công việc này trở nên hiệu quả nhất. Tôi tin rằng, sự thanh công của những thay đổi sắp tới chủ yếu phụ thuộc và giải pháp cho các vấn đề kinh tế và xã hội của Syria”.

Trong bối cảnh chiến thắng của các lực lượng ủng hộ chính phủ đang dần trở thành điều tất yếu, thì những nước được xem là tiền đồn của mặt trận chống chính quyền Tổng thống al-Assad như Saudi Arabia hay các nước phương Tây đều buộc phải xem xét lại lập trường của mình về số phận người đứng đầu Syria.

Điều này được thể hiện rõ ở việc dù chỉ nhận được một số lượng ít giấy mời tham gia cuộc gặp tại Riyadh, song sự tham gia của các lực lượng đối lập ôn hòa được sự hậu thuẫn của Nga tại Saudi Arabia không chỉ cho thấy một nỗ lực ngoại giao quốc tế trong vấn đề Syria đang diễn ra, mà còn cho thấy sự nhượng bộ của Saudi Arabia và phương Tây.

Chính vì thế, theo các nhà phân tích, lập trường lâu nay của Ủy ban đối thoại cấp cao, luôn coi sự ra đi của ông Assad là điều kiện tiên quyết cho mọi tiến trình chính trị có thể sẽ thay đổi trong tuyên bố cuối cùng đưa ra sau hội nghị.

Sau 6 năm chiến tranh, với hàng trăm nghìn người chết, các lực lượng đối lập Syria đã bắt đầu chấp nhận việc họ không đủ khả năng lật đổ chính quyền của Tổng thống al-Assad, dù là trên chiến trường hay trên bàn đàm phán và một điều quan trọng hơn cả tương lai đất nước vẫn là do chính người dân quyết định./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Vai trò đặc biệt của Nga đối với sự thay đổi của phe đối lập Syria trước hòa đàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO