"Vàng là đồng tiền chân thật!"

12/04/2016 09:06

“Vàng là một đồng tiền chân thật” vì các ngân hàng trung ương không thể in nó như in tiền, theo Marc Faber, nhà đầu tư nổi tiếng người Thụy Sỹ.

Ảnh minh họa

Nếu ở Canada những ngày này, bạn sẽ thấy sự lên giá, mất giá của các đồng tiền quốc tế làm vơi đầy ví tiền của bạn thế nào. Kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bóng gió, úp mở, chần chừ rồi thẳng thừng về việc lùi dần thời hạn tăng lãi suất đồng đô la Mỹ, đồng đô la Canada (CAD) cứ lên giá từng ngày, bất chấp giá dầu vù vù lên 42 đô la Mỹ/thùng xong từ từ đi xuống. Giờ thì kể cả giá dầu có xuống, CAD vẫn cứ lên giá so với đô la Mỹ sau khi nó chạm đáy 1 đô la Mỹ tương đương 1,46 CAD (bằng 15.400 đồng/CAD khi ấy).

Ở hầu hết khách sạn tại Montreal, tỷ giá quy đổi 1 đô la Mỹ ngang 1 CAD, trong khi tỷ giá chính thức đang ở quanh 1,3 đô la Canada mới bằng 1 đô la Mỹ. Hỏi một phụ nữ ở quầy tiếp tân khách sạn, bà bảo chắc như đinh đóng cột: “Sắp tới đô la Mỹ còn thấp hơn đô la của chúng tôi như đã từng xảy ra mấy năm trước”. Có thể lắm. Năm 2011, 1 CAD chẳng ngang ngửa 1,1 đô la Mỹ à? Vào các nhà hàng, hay cà phê, nếu chưa kịp đổi tiền và không mang theo thẻ tín dụng, trả bằng đô la Mỹ, họ cũng tính bạn tỷ giá như thế.

Thật là quá quắt!

Tôi đi ra Ngân hàng National Bank ở đường Sainte Catherine để đổi tiền cho chắc ăn. Ở đây 1 euro đổi được 1,4 CAD, thấp hơn cả quầy đổi tiền trong trung tâm thương mại ở bến tàu điện ngầm gần đó và dĩ nhiên thấp hơn tỷ giá chính thức là 1 euro = 1,47 CAD. Thế vẫn còn may chán. Nhiều nơi, 1 euro chỉ đổi được 1,3 CAD, thậm chí 1,25 CAD. Sự biến động của các đồng tiền làm các ngân hàng phải để khoảng cách mua và bán ngoại tệ rộng chưa từng thấy.

Ngân hàng trung ương các nước phát triển từ Mỹ, Nhật đến châu Âu, Anh... đua nhau in tiền, đua nhau hạ lãi suất đủ kiểu và giờ thì giới đầu tư tha hồ dự đoán. Sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu tuyên bố các gói kích cầu “không giới hạn”, đồng euro không những không mất giá, mà còn chạy lên tới 1,14 đô la Mỹ/euro.

Tương tự đồng yen Nhật đã có ngày mất mốc 112 yen/đô la Mỹ. Các quỹ đầu cơ, những “ông trùm” đầu cơ trong đó có cả George Soros, mấy tháng trước bán khống đồng nhân dân tệ, giờ im lặng khi đồng tệ đang lên giá tới 6,45 tệ/đô la Mỹ sau khi nó gần chạm 6,6 tệ/đô la Mỹ. Trung Quốc đã tung các gói giải cứu hàng chục tỉ đô la Mỹ mỗi lần, khi thanh khoản thị trường tiền tệ hay thị trường chứng khoán của họ nguy kịch.

Một thị trường chứng khoán thiếu tiền và thiếu động lực đi lên vẫn đang tồn tại lâu hơn dự đoán của giới đầu tư và cả cơ quan quản lý.

Lại nói chuyện vàng ở Việt Nam. Sau nhiều năm Ngân hàng Nhà nước với đủ mọi giải pháp không thể xóa bỏ sự chênh lệch giữa giá vàng nội và ngoại, giờ đây giá vàng trong nước tự động gần ngang bằng giá quốc tế. Ngày 1-4-2016, giá vàng quốc tế 1.220 đô la Mỹ/ounce, tương đương 33,14 triệu đồng/lượng (tính cả thuế nhập khẩu và phí gia công thành vàng miếng bốn số chín của SJC), trong khi các ngân hàng niêm yết giá bán ra 33,26 triệu đồng/lượng. Nếu Marc Faber nhận định và dự đoán đúng, như ông đã từng dự báo khá chính xác về giá vàng vài năm trước, giá vàng trong tương lai biết đâu lại về vùng 1.300-1.500 đô la Mỹ/ounce. Giá vàng nội địa sẽ đi theo giá quốc tế.Tuần này, Marc Faber, nhà đầu tư nổi tiếng người Thụy Sỹ lại lên tiếng ca ngợi vàng (trong bài trả lời phỏng vấn trên trang web Emerging Equity về chiến tranh tiền mặt - The war on cash). Ông nói “vàng là một đồng tiền chân thật” (Gold is an honest currency) vì các ngân hàng trung ương không thể in nó như in tiền.

Chọn kênh đầu tư ở Việt Nam để bảo toàn những đồng tiền có được đối với người dân hiện tại trở nên khó khăn. Một số người quen biết hỏi nhau có nên quay sang mua vàng? Không ít người đã chuyển sổ tiết kiệm đô la Mỹ sang tiền đồng vì lãi suất 0%/năm. Gửi tiền đồng theo tháng ít cũng được 5%/năm, song vẫn lo ngay ngáy lạm phát. Chỉ số CPI quí 1-2016 tăng 0,99% so với cuối năm ngoái. Nếu năm nay CPI khoảng 5% như dự báo của các chuyên gia kinh tế, gửi tiết kiệm ngân hàng xem ra không phải quá... đẹp! Kênh bất động sản đang bị dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của ngân hàng săm soi và gói 30.000 tỉ đồng cũng đã giải ngân gần hết rồi.

Chứng khoán tiếp tục thất thường. Kết thúc quí 1, VN-Index giảm 2,64% so với cuối năm ngoái. Trừ một số blue-chips và một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng, hầu hết cổ phiếu giảm điểm. Thêm nữa, tiền đổ vào chứng khoán một phần vẫn là tiền vay ký quỹ, nên khi thị trường đi ngang lâu, chỉ cần một vài phiên giảm sâu, các công ty chứng khoán lại tiến hành bán cổ phiếu thế chấp để thu hồi nợ. Một số nhà môi giới còn hỗ trợ tài chính cho cả cổ phiếu trên UpCom, tất nhiên có chọn lọc, mà UpCom biên độ dao động ±15%/ngày. Chỉ cần hai phiên liền cổ phiếu trên UpCom giảm sàn, các lệnh bán tự động được kích hoạt. Khác với Hose hay Hnx, thanh khoản của UpCom rất thấp, các đợt bán cổ phiếu thế chấp gây tổn thương cho nhà đầu tư nhiều hơn. Một thị trường chứng khoán thiếu tiền và thiếu động lực đi lên vẫn đang tồn tại lâu hơn dự đoán của giới đầu tư và cả cơ quan quản lý.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
"Vàng là đồng tiền chân thật!"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO