“Vệ tinh” nông nghiệp của TX. Thái Hòa
(Baonghean) - Với định hướng trở thành “vệ tinh” cung cấp lương thực, thực phẩm, đặc biệt là rau xanh cho trung tâm Thị xã Thái Hòa, xã Nghĩa Thuận, một xã nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thị xã đã có nhiều khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội...
Nằm dọc Quốc lộ 48, xã Nghĩa Thuận cách trung tâm TX Thái Hòa chừng 7 km. Khác với không khí sôi động ở thủ phủ miền Tây Bắc Nghệ An, Nghĩa Thuận mang trong mình vẻ yên bình, tĩnh lặng của một làng quê trù phú. Nắng gió bất chợt của đất trời miền Tây như dịu mát trước không gian xanh của những cánh đồng trồng màu trải dài trên diện tích 70ha ở Nghĩa Thuận. Với tiềm năng đất đai dồi dào, vào khoảng 3.094ha trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 1/3, chủ yếu là đất lúa 320ha và màu 70ha.
Sau khi TX Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn chia tách cách đây 5 năm, nhiều đơn vị hành chính của Thị xã chuyển nhanh sang đẩy mạnh phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Còn Đảng ủy, chính quyền và nhân dân Nghĩa Thuận lại xác định hướng đi chuyên sâu vào nông nghiệp, phấn đấu trở thành vệ tinh cung cấp lương thực, thực phẩm, đặc biệt là rau xanh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của TX. Thái Hòa không ngừng phát triển cả về kinh tế lẫn quy mô dân số.
Trong quá trình thực hiện định hướng trở thành vệ tinh “xanh”, vai trò tiên phong của các đảng viên được đặt lên hàng đầu. Ở xóm 7B, vựa rau xanh lớn nhất xã, tôi được gặp một trong những “thủ lĩnh” thực sự trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đó là đảng viên Võ Tá Định.
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng thu nhập cao của xóm, lão nông phấn khởi cho biết, cả xóm có 92 hộ, trong đó có hơn 20 hộ làm nông nghiệp và hầu như hộ nào cũng khá giả lên khi biết cách không cho đất “nghỉ”. Còn đối với gia đình đảng viên Định, trên diện tích chỉ vỏn vẹn 6 sào đất, hàng năm ông tập trung luân canh 3 vụ màu và ngô, lúa mang lại thu nhập ổn định. “Vào vụ đông trồng rau súp lơ, cải bắp, dưa chuột; vụ đông xuân lại trồng ngô, sang vụ hè thu trồng lúa. Chất lượng rau vụ đông của xã đã được nhân dân TX. Thái Hòa tin dùng nên cứ làm đến đâu tiêu thu hết đến đó, bà con không phải lo đầu ra”, ông chia sẻ. Nhắc đến chuyện mạnh dạn đưa giống mới vào sản xuất, ông Định là người đầu tiên mạnh dạn đưa giống ngô ngọt có xuất xứ từ Thái Lan vào canh tác trên đồng đất của xã cách đây mấy năm. Với giá bán vào thời điểm cao nhất có thể lên đến 2.500 đồng/bông ngay tại chân ruộng, còn trung bình khoảng 1.700 đồng/bông, mỗi sào ngô cho nông dân thu nhập khoảng 5 triệu đồng.
Chị Chu Thị Nhung ở xóm 7B, xã Nghĩa Thuận ươm giống ngô.
Từ hướng đi hiệu quả của gia đình đảng viên Võ Tá Định, nhiều hộ nông dân học tập làm theo đã đưa cây ngô vào canh tác và cho thu nhập khá. Chưa dừng lại ở đó, ông còn tiếp tục trăn trở, tìm tòi đem vào trồng thử nghiệm giống ngô tím ngọt trong vụ này. “Mình là người nông dân khi bám ruộng, bám đồng thì trăn trở phải tìm cách cho đất sinh lợi lớn nhất. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà tôi có điều kiện trả gần xong 60 triệu đồng tiền vay Ngân hàng CSXH cho con đi học. Cuộc sống có khá giả lên cũng từ đồng đất mà ra”, ông đúc kết.
Từ những đảng viên gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thực hiện có hiệu quả chủ trương xây dựng “vệ tinh xanh” của thị xã như ông Định đã thực sự lan tỏa đến các hộ dân trên địa bàn. Điều này thể hiện ở niềm vui trên gương mặt của những người nông dân chất phác, chăm chỉ mà tôi được gặp ngay tại những chân ruộng quy hoạch bài bản, hệ thống mương thủy lợi được kiên cố hóa bài bản ở xóm 7B. Như trường hợp nông dân Phạm Văn Hải chẳng hạn.
Gặp anh đang cần mẫn làm cỏ cho cây ngô, khi tôi hỏi về hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh cho biết: Gia đình có 10 sào đất, trong đó chuyển hẳn 5 sào qua chuyên canh trồng màu và ngô. Mỗi năm, làm 1 vụ rau màu, luân canh 3 lúa ngô mấy năm nay. Nói đoạn anh nhẩm tính: “Trồng rau vụ đông cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Ngô trồng khoảng 60 ngày thì thu hoạch. Mỗi năm làm 3 lứa ngô cho thu nhập ngót 50 triệu đồng nữa. Giá trị kinh tế hiệu quả hơn trồng lúa nhiều. Gia đình đông con nhưng nhờ hiệu quả kinh tế từ đồng ruộng mang lại, đời sống mới khấm khá lên như hôm nay”. Thoát nghèo, vươn lên khá giả từ nông nghiệp như xóm 7B không phải là chuyện hiếm, bởi theo như số liệu xã Nghĩa Thuận, trước đây cả xóm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo thuộc tốp đầu của xã nhưng nay chỉ còn 0,7%.
Phát triển cánh đồng cho thu nhập cao cũng là hướng phát triển chính nhằm nâng cao đời sống nhân dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Nghĩa Thuận. Xã đã xác định quy hoạch diện tích tự nhiên thành 3 vùng với những đặc thù riêng: Đó là vùng chuyên trồng cây rau màu có giá trị kinh tế cao; vùng phát triển nông nghiệp và dịch vụ thương mại và vùng phát triển cây lúa và chăn nuôi.
Ông Vũ Hữu Lợi – Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Ở mỗi vùng chúng tôi đều ra đề án phát triển kinh tế phù hợp với quy hoạch. Như phát triển đàn trâu bò, sắp tới sẽ làm cánh đồng lúa chất lượng cao. Đi đôi với đó là kết hợp đào tạo nghề, bổ trợ kiến thức nuôi trồng cho nhân dân. Phấn đấu xây dựng địa phương trở thành vệ tinh cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch, có chất lượng cao cho nhu cầu tiêu dùng của TX Thái Hòa. Qua đó, thực hiện tốt cả chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, sớm xây dựng thành công NTM. Hiện nay, xã đã đạt được 11 chỉ tiêu trong xây dựng NTM”.
Thành Duy