Vì sao hàng thủ U23 Việt Nam không bị xuyên thủng?

Phú Châu 24/05/2022 11:14

(Baonghean.vn) - Tại kỳ SEA Games 31-2022 này, U23 Việt Nam là đội đạt được thành tích đặc biệt không để thủng lưới trong cả giải đấu, bảo vệ thành công tấm HCV môn bóng đá nam danh giá bậc nhất Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á - 2022.

Vượt qua vòng bảng không để thủng lưới ở một kỳ SEA Games đã là một thành tích đáng nể, khi trước đó chỉ U23 Indonesia làm được hồi SEA Games 23-2005 (nhưng sau đó họ để thủng lưới ở bán kết) và tiếp theo là thành tích lớn hơn của ĐT Việt Nam hồi SEA Games 20-1999 không để thủng lưới cho đến hết trận bán kết.

Và lớn hơn cả là tại kỳ SEA Games 31-2022 này, U23 Việt Nam là đội đạt được thành tích đặc biệt không để thủng lưới trong cả giải đấu, bảo vệ thành công tấm HCV môn bóng đá nam danh giá bậc nhất Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á-2022. Được biết, từng đạt được thành tích này là ĐT Malaysia hồi SEA Games 10 - 1979, cách nay đã 43 năm.

Đây đồng thời là kỷ lục 10 trận liên tiếp không để thủng lưới của U23 Việt Nam (vượt qua thành tích 8 trận của kình địch U23 Thái Lan) tính từ vòng loại U23 châu Á 2021, Giải vô địch Đông Nam Á 2021 và SEA Games 31-2022. Vậy, nguyên nhân nào đã giúp U23 Việt Nam đạt tới thành tích “vô tiền, khoáng hậu” như vậy trong làng bóng đá trẻ khu vực?

U23 Việt Nam gặp nhiều khó khăn trước U23 Timor Leste. Ảnh tư liệu Bảo Long

Trước hết hãy nhìn vào lực lượng, bộ khung hàng thủ U23 Việt Nam tính từ vòng loại U23 châu Á tới nay. Các thủ môn được sử dụng trong 3 giải đấu vừa qua gồm Văn Toản, Quan Văn Chuẩn,Tuấn Hưng và người thường xuyên bắt chính tại SEA Games 31 này không ai khác là Văn Toản, người từng bắt chính tại kỳ SEA Games 30 thành công rực rỡ cách nay 3 năm. Trong chiến dịch vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á, Văn Toản từng có trận bắt chính, tuy không thành công mỹ mãn nhưng là cơ hội lớn để trui rèn bản lĩnh cho cầu thủ này ở vị trí “một nửa đội bóng”. Khi được trao cơ hội ở SEA Games 31, Văn Toản ít gặp thách thức thực sự bởi hầu như các đối thủ đều co cụm phòng ngự và tấn công nhỏ lẻ, rời rạc, kể cả trận chung kết gặp U23 Thái Lan nhưng anh luôn chứng minh được bản lĩnh và năng lực cần có, tạo yên tâm thực sự cho đồng đội ở phía trước.

Nhâm Mạnh Dũng đánh đầu ghi bàn cho U23 Việt Nam trong trận gặp U23 Thái Lan. Ảnh: Internet

Bộ 3 trung vệ của U23 Việt Nam ở kỳ SEA Games này chưa thực sự ổn định khi giải đấu diễn ra, ngoại trừ Thanh Bình và Việt Anh được thử sức ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Trong đó, Thanh Bình ra quân gặp “thảm họa” trong trận lượt đi gặp ĐT Trung Quốc nhưng nhanh chóng lấy lại hình ảnh ngay tại vòng loại U23 châu Á 2021 và nhất là trận đấu cuối vòng loại thứ 3 được đá chính trong trận đấu trên sân khách gặp ĐT Nhật Bản. Thanh Bình và Việt Anh đã chơi cực tốt trong trận đấu này, thậm chí Thanh Bình còn là tác giả bàn thắng duy nhất của ĐT Việt Nam vươn lên dẫn trước chủ nhà, để rồi sau này tiếp tục màn trình diễn thượng thặng suốt kỳ SEA Games và được giới chuyên môn đánh giá đây là trung vệ đầy triển vọng của bóng đá Việt và khu vực hiện nay. Việt Anh cũng nhanh chóng trưởng thành cùng người chơi cặp Thanh Bình. Trong trận chung kết gặp U23 Thái Lan, chi tiết Việt Anh chặn đứng tình huống cầm dẫn bóng của “ông chủ” Ben Davies bên phía đối thủ chính là “chìa khóa” khiến cho ngòi nổ này tắt tiếng hoàn toàn trong trận đấu.

Người còn lại trong bộ 3 này là quá trình tìm kiếm, thử nghiệm và xoay tua tài tình của ông Park Hang-seo. Trận đầu tiên quan trọng gặp U23 Indonesia, ông Park Hang-seo sử dụng Tuấn Tài và cầu thủ 21 tuổi lạ hoắc này đã thi đấu tròn vai. Sau đó, ông thầy bất ngờ sử dụng Tiến Long lệch trái, Quang Nho lệch phải khi Việt Anh được nghỉ ngơi. Vượt qua khó khăn bỡ ngỡ ban đầu, Tiến Long dần chơi ăn ý với các đồng đội và được đá chính cả 2 trận bán kết và chung kết. Đến nay, gần như người ta chỉ có thể nói rằng, bộ 3 trung vệ của U23 Việt Nam hay nhất, ổn định nhất để chơi tại Vòng chung kết U23 châu Á tới đây chính là Tiến Long-Thanh Bình-Việt Anh mà thôi.

Khán đài rực đỏ trong ngày mưa gió được chứng kiến một trận đấu tưng bừng của U23 Việt Nam. Ảnh tư liệu Trọng Tài

Cặp hậu vệ biên tấn công, hợp thành 5 hậu vệ khi phòng ngự chiều sâu, khi dâng cao biến đổi theo sơ đồ 3-5-2 của U23 Việt Nam lâu nay được “mặc định” là Văn Xuân-Văn Đô. Đây là những cầu thủ luôn được ông Park Hang-seo tin dùng, bố trí khi bên phải, khi bên trái theo yêu cầu chiến thuật và họ luôn là vũ khí lợi hại bậc nhất của ông thầy người Hàn Quốc.

Người thứ 3 luôn được thế vai khi cần thiết chính là Tuấn Tài, người lúc đầu chơi trung vệ lệch trái và khi hàng trên bế tắc được tung vào sân để “giải quyết” mọi vướng mắc có thể. Trong trận bán kết đầy bế tắc trước U23 Malaysia, Tuấn Tài được tung vào sân ở hiệp 2 và đã chứng minh thực lực bằng những tình huống phối hợp bên cánh, tạt bóng chính xác cho đồng đội phía trong. Khi Văn Xuân bị chấn thương, Tuấn Tài được đá chính từ đầu trong trận chung kết và tình huống kiến tạo tuyệt vời dẫn đến bàn thắng của Mạnh Dũng cho thấy đây chính là điều U23 Việt Nam cần hơn bao giờ hết, là “quân bài trong tay áo” chính hiệu của ông Park Hang-seo dù cầu thủ này mới chỉ được phát hiện từ “lực lượng bổ sung” cho U23 Việt Nam tại giải đấu trên đất Campuchia.

Tất nhiên, để phòng ngự hiệu quả không bị thủng lưới, đội bóng cần phòng ngự từ xa tốt, cần chuyển trạng thái tốt, cần vô vàn điều kiện khác… Nhưng với lực lượng được trui rèn qua nhiều giải đấu lớn, nhỏ khác nhau, có bổ sung kịp thời, có kế cận hợp lý, có niềm tin của ông thầy và sự đền đáp của học trò, U23 Việt Nam xây dựng được hàng thủ vững chắc nhất, thi đấu ổn định nhất như đã thấy quả là điều đáng tự hào. Đó là bài học lớn từ ông Park Hang-seo dành cho bóng đá Việt, rất cần được tiếp tục giữ vững và phát huy trong thời gian tới./.

Mới nhất

x
Vì sao hàng thủ U23 Việt Nam không bị xuyên thủng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO