Vị trí thủ môn tại SLNA: Cuộc khủng hoảng thừa và thiếu

Yến Thanh 17/04/2020 20:16

(Baonghean.vn) - Xưa nay, SLNA vẫn được xem là cái nôi sinh ra những cầu thủ tài năng bao gồm cả những thủ môn xuất chúng. Tuy nhiên, đội bóng xứ Nghệ đang lâm vào tình cảnh thừa thủ môn dự bị, thiếu thủ môn có khả năng bắt chính.

Trong quá khứ, Sông Lam Nghệ An được xem là cái nôi của những thủ môn chất lượng. SLNA sở hữu những thủ môn đã đi vào huyền thoại đội bóng xứ Nghệ như Xuân Thủy, Xuân Vinh là thế hệ của Võ Văn Hạnh, Nguyễn Thế Anh, Dương Hồng Sơn. Trong số họ, có 2 gương mặt từng đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam.

Một trong những người thầy đã đào tạo nên những thủ môn xuất chúng đó cho SLNA chính là HLV Nguyễn Xuân Thủy (Thủy "nghêu"). Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2004, khi huấn luyện viên này chia tay SLNA, đội bóng xứ Nghệ bắt đầu bước vào một giai đoạn khủng hoảng thủ môn từ lứa trẻ.

Sau khi chia tay những thủ môn tốt nhất của mình như Võ Văn Hạnh, Dương Hồng Sơn, Trần Đức Cường, đội bóng xứ Nghệ chỉ còn lại những thủ môn có chuyên môn vừa phải hoặc đều gặp những vấn đề về sức khỏe như Đức Anh, Viết Nam tại V.League 2008.

SLNA đang có 5 thủ môn. Ảnh: SLNA FC
SLNA đang có 5 thủ môn. Ảnh: SLNA FC

Cho đến V.League 2009, HLV Nguyễn Văn Thịnh buộc phải sử dụng thủ môn ngoại, đó là Shihavy Michal người Cộng hòa Séc chuyển đến từ Thể Công. Một năm sau khi HLV Hữu Thắng trở lại, Shihavy đã cập bến HAGL, nhà cầm quân này tiếp tục phải sử dụng thủ môn ngoại là Goran Brasnic.

Việc không ươm mầm được thủ môn nào trong giai đoạn trước đã khiến đội bóng xứ Nghệ tiếp tục lâm vào tình cảnh thiếu thủ môn tốt tại V.League 2011. Người gác đền số 1 của SLNA ở mùa giải này là một gương mặt hoàn toàn xa lạ - Nguyễn Huỳnh Quốc Cường đến từ Long An.

Thật may cho SLNA là trong mùa giải 2011 khi thầy trò HLV Hữu Thắng lên ngôi vô địch, họ đã kịp đôn thủ môn trẻ Trần Nguyên Mạnh mới 20 tuổi lên để tập sự. Ở V.League 2012, Viết Nam trở lại bắt chính trong khung thành SLNA trước khi Nguyên Mạnh dần được trao cơ hội. Trong mùa đầu tiên, Nguyên Mạnh được bắt chính 7/10 trận đấu.

Thủ môn Nguyên Mạnh luôn là sự lựa chọn tin cây của BHL SLNA những năm qua. Ảnh: VPF
Thủ môn Nguyên Mạnh luôn là sự lựa chọn tin cậy của BHL SLNA những năm qua. Ảnh: VPF

Trong suốt 8 năm từ 2012-2019, Nguyên Mạnh luôn là thủ môn số 1 của SLNA, nhiều năm là thủ môn bắt chính tại ĐTQG. Tuy nhiên, thời điểm 2018, người hâm mộ chứng kiến cuộc khủng hoảng thực sự ở vị trí người gác đền khi anh và 2 thủ môn dự bị Văn Hùng, Văn Tiến đều dính chấn thương, thủ môn Phan Đình Vũ Hải được mượn về thi đấu trong suốt mùa V.League 2018.

Khi Nguyên Mạnh trở lại, anh cũng chỉ thi đấu 1 năm và cập bến CLB Viettel. Đương nhiên, SLNA lại phải tìm một thủ môn mới xứng tầm để thay thế trong bối cảnh Lê Quang Đại đã rời đội bóng, Lê Văn Hùng dính chấn thương, Văn Tiến và các thủ môn trẻ còn quá non kinh nghiệm.

Và một lần nữa, SLNA lại phải chi tiền cho hoạt động chuyển nhượng, người được chọn thay thế Nguyên Mạnh là thủ môn Nguyễn Văn Hoàng từ CLB Sài Gòn. Kể từ V.League 2009, đây là lần thứ 5 SLNA lâm vào tình cảnh thiếu thủ môn giỏi và mức lót tay để có được 1 năm hợp đồng với Văn Hoàng là ngót nghét 1 tỷ đồng.

Nhiều năm qua, SLNA nhiều lần phải sử dụng thủ môn ngoại hoặc thủ môn từ các CLB khác. Đồ họa: TK
Nhiều năm qua, SLNA nhiều lần phải sử dụng thủ môn ngoại hoặc thủ môn từ các CLB khác. Đồ họa: TK

Sau 2 trận đấu với Sài Gòn và B. Bình Dương, thủ môn Văn Hoàng cho thấy anh xứng đáng là người kế tục đàn anh Nguyên Mạnh. Với tổng cộng 9 pha cứu thua, phong độ ổn định của thủ môn này giúp hàng thủ đội bóng giữ sạch được mảnh lưới. Rõ ràng, đây là một bản hợp đồng đáng “đồng tiền bát gạo”. Tuy nhiên, việc một đội bóng như SLNA nhiều năm phải tốn thêm một suất chuyển nhượng cho vị trí thủ môn là một nghịch lý trớ trêu.

Khi Lê Văn Hùng vừa trở lại sau chấn thương, ngoài Văn Hoàng đang bắt chính, SLNA đang có đến 4 sự lựa chọn khác bao gồm Trần Văn Tiến (1994), Dương Văn Cường (1999), Hồ Văn Tú (1995) và Hồ Viết Đại (2000). Tuy nhiên, người có khả năng cao cạnh tranh suất bắt chính với Văn Hoàng chỉ có thể là Văn Hùng (1992).

Có thể nói, lực lượng thủ môn của SLNA khá hùng hậu, nhưng thừa thủ môn dự bị và thiếu thủ môn có thể bắt chính. Ở lứa trẻ, thủ môn Nguyễn Văn Bá (2001) - tuyển thủ U19 Việt Nam, Nguyễn Văn Việt, Đặng Xuân Sơn (ĐT U16 Việt Nam) là những nhân tố đầy triển vọng. Thiết nghĩ, SLNA cần có sự chuẩn bị ngay từ lúc này để luôn chủ động cho vị trí thủ môn vốn được xem là 50% sức mạnh của một đội bóng.

Mới nhất

x
Vị trí thủ môn tại SLNA: Cuộc khủng hoảng thừa và thiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO