Vỡ đập thủy điện: Cảnh báo và cảnh giác

Nhật Lân 29/07/2018 12:57

(Baonghean.vn) - Cần phải xem vụ vỡ đập Thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy là một bài học nhãn tiền. Bởi Nghệ An đã có tới 32 dự án thủy điện, quy hoạch xây dựng theo hình bậc thang trên thượng lưu các dòng sông...

Thật khó có thể mô tả hết những đau thương, mất mát của người dân nước bạn Lào. Bởi sự cố vỡ đập Thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy, là quá khủng khiếp.

Nước lũ phủ trắng nhiều bản ở Attapeu, Lào. Ảnh: ABC Laos.
Nước lũ phủ trắng nhiều bản ở Attapeu, Lào. Ảnh: ABC Laos.

Theo thông tin các báo đăng tải, vụ vỡ đập Thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 23/7, khiến hàng tỉ m3 nước đổ ập xuống quét qua nhiều nhà cửa ở phía Nam huyện Sanamsay, tỉnh Attapeu khiến gần 7.000 người đã bị mất nhà cửa do lũ lụt; đã thống kê được có 26 người chết và 131 người mất tích.

Chia buồn sâu sắc với nước bạn Lào. Nhưng từ sự cố khủng khiếp này, xin thêm một lần cảnh giác. Bởi hai từ “vỡ đập” thủy điện, là không dành riêng chỉ với nước bạn Lào.

Nghệ An, hiện đã có tới 32 dự án thủy điện. Trong đó, có 8 dự án lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chính phủ với tổng công suất 1.011MW, 24 dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương với tổng công suất 291,8MW. Hiện đã có 15 dự án đã vận hành phát điện với tổng công suất 855,5 MW; 9 dự án đang triển khai thi công với tổng công suất 101,4 MW; các dự án còn lại, hoặc đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai, hoặc đã có trong quy hoạch được phê duyệt.

Thủy điện Bản Vẽ sẽ vận hành xả lũ vào lúc 9h ngày 30/7/2018. Ảnh: Hồ Phương.
Thủy điện Bản Vẽ sẽ vận hành xả lũ vào lúc 9h ngày 30/7/2018. Ảnh: Hồ Phương.

Cần phải khẳng định rằng, các dự án thủy điện đã đem lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hàng năm, ngoài cung cấp sản lượng điện phát lên lưới điện quốc gia, đã đóng góp cho ngân sách tỉnh hàng trăm tỷ đồng (riêng năm 2017 là khoảng trên 530 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thủy sản, phát triển nông nghiệp, tạo thêm việc làm và thu nhập cho nhân dân địa phương, cải tạo khí hậu, cung cấp nước ngọt, phát triển du lịch…

Dù vậy, những hệ lụy đến từ thủy điện cũng thật khó lòng đong đếm hết được.

Chỉ riêng với 3 dự án thủy điện lớn gồm Bản Vẽ, Hủa Na, Khe Bố, đã có 4.969 hộ dân phải di dời (Bản Vẽ: 3.022 hộ dân, Hủa Na: 1.362 hộ dân, Khe Bố: 585 hộ dân).

Bởi số lượng hộ dân phải tái định cư lớn, liên quan đến nhiều chính sách, chế độ cụ thể, tác động đến mọi mặt sản xuất, đời sống, sinh hoạt, tâm lý, tình cảm, lịch sử văn hóa của người dân...; trong khi đó, địa hình thực hiện các dự án tái định cư rất khó khăn, đồi núi cao, dốc, quỹ đất ở, đất sản xuất hạn chế, thiếu diện tích, mặt bằng để bố trí đủ diện tích các dự án tái định cư.

Thế nên, việc sắp xếp, bố trí ổn định cho hàng nghìn hộ dân tái định cư một chuỗi vấn đề hết sức phức tạp. Qua nhiều năm, đến nay, vẫn còn rất nhiều những tồn đọng chưa thể giải quyết trọn vẹn.

Bên dưới Thủy điện Bản Vẽ khoảng hơn 10km là Thủy điện Nâm Nơn. Khi Thủy điện Bản Vẽ vận hành xả lũ hồ chứa, đây sẽ là thủy điện chịu tác động đầu tiên. Ảnh: Nhật Lân.
Bên dưới Thủy điện Bản Vẽ khoảng hơn 10 km là Thủy điện Nậm Nơn. Khi Thủy điện Bản Vẽ vận hành xả lũ hồ chứa, đây sẽ là thủy điện chịu tác động đầu tiên. Ảnh: Nhật Lân.

Nhưng đó là hệ lụy đã nghe, đã thấy, đã chạm được. Còn những hệ lụy tiền ẩn, cũng thật hết sức đáng lo ngại. Nhất là những gì hiển hiện qua sự cố vỡ đập Thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy.

Thông tin về nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đập, theo một công ty Thái Lan tham gia dự án thủy điện này thì, dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy có công suất 410 MW, tổng vốn đầu tư 1,02 tỉ USD, dự kiến cung cấp khoảng 1.860 GWh vào cuối năm 2019. Đập Xe Pian-Xe Namnoyđược xây dựng nhằm chuyển luồng chảy của các dòng sông Houay Makchanh, Xe-Namnoy và Xe-Pian trên cao nguyên Bolaven.

Con đập dài đến 770m này bị vỡ do không đủ sức chuyển dòng chảy của 3 con sông sau khi mưa lớn. Họ thông báo trên website: “Sự cố vừa xảy ra là do mưa bão liên tục ập xuống khu vực, tạo nên một khối lượng nước khổng lồ chảy vào hồ chứa của dự án”.

Ở xã Lượng Minh, có nhiều hộ dân đang sống ven sông, rất dễ xẩy ra nguy hiểm nếu không sớm chủ động trong phòng tránh lũ. Ảnh Nhật Lân.
Ở xã Lượng Minh, có nhiều hộ dân đang sống ven sông, rất dễ xảy ra nguy hiểm nếu không sớm chủ động trong phòng tránh lũ. Ảnh: Nhật Lân.

Các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, có thể hình dung được xây dựng bậc thang, trên thượng nguồn các con sông. Bởi vậy, nếu ở một thời điểm nào đó khi có mưa lũ lớn kéo dài, lượng mưa cao đến mức mà các thủy điện đều phải vận hành xả lũ thì hậu họa cho vùng hạ lưu sẽ là không thể đong đếm hết.

Cảnh báo về vấn đề này, như Kỹ sư Nguyễn Quang Hòa, người đã giúp hàng trăm hộ dân xã Châu Bình (Quỳ Châu) không phải chịu cảnh di dời tái định cư khi thực hiện Đại dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng cũng đã từng đề cập tại bài viết “Cần có quy định điều hành chung cho các nhà máy thủy điện trên sông Lam” (Báo Nghệ An ngày 1/6/2010) rằng: “Khai thác tiềm năng dòng chảy làm thủy điện là một chủ trương lớn đương nhiên phải chấp nhận thiệt hại ở mức cho phép. Song lợi, hại cần được đánh giá toàn diện trong chiến lược phát triển bền vững, hài hòa lợi ích, trong đó đặc biệt là an ninh lương thực quốc gia và môi trường sinh thái trên lưu vực.

Trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và khu vực kéo dài kéo theo thời tiết diễn biến phức tạp khó lường, nên chăng hãy tạm ngừng xây dựng mới cho các nhà máy thủy điện đã và đang xây dựng đi vào hoạt động để có thêm thời gian đánh giá. Bài học nhãn tiền về thủy điện xảy ra ở các nước cũng như các tỉnh trong nước vẫn còn nóng hổi. Cần có quy định điều hành chung các nhà máy thủy điện trên sông Lam để tránh sự cố một trạm nào đó trên thượng nguồn kéo theo hậu quả dây chuyền cho phía hạ lưu là vấn đề cần được đề cập, xem xét…”.

Những hiện tượng đất nứt lở, nhà dân bị sụt lún  có nguyên nhân sâu xa từ thủy điên đã xẩy ra ở huyện Tương Dương, đến nay vẫn chưa khắc phục hoàn chỉnh. Trong ảnh là khu đất của một hộ dân ở Bản Lả, xã Lượng Minh bị nứt, sụt. Ảnh: Nhật Lân.
Những hiện tượng đất nứt lở, nhà dân bị sụt lún có nguyên nhân sâu xa từ thủy điên đã xảy ra ở huyện Tương Dương, đến nay vẫn chưa khắc phục hoàn chỉnh. Trong ảnh là khu đất của một hộ dân ở Bản Lả, xã Lượng Minh bị nứt, sụt. Ảnh: Nhật Lân.

Cảnh báo từ năm 2010 của Kỹ sư Nguyễn Quang Hòa đến nay vẫn chưa hết tính thời sự. Vụ vỡ đập Thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, đúng là cần phải được xem một bài học nhãn tiền.

Xin thêm một lần cảnh giác!.

Mới nhất

x
Vỡ đập thủy điện: Cảnh báo và cảnh giác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO