Võ sư Bùi Duy Vinh - người truyền lửa võ thuật xứ Nghệ

Trung Kiên 17/04/2020 12:23

(Baonghean.vn) - Cuốn sách quý "Nhất Nam" như một ngọn đuốc chỉ lối để chàng trai hiếu động, nghịch ngợm và đam mê võ thuật Bùi Duy Vinh trở thành một trong những võ sư có tiếng trong làng võ thuật nước nhà, làm rạng danh thêm nền võ thuật cổ truyền xứ Nghệ.

Ở Nghệ An có dòng họ Ngô Xuân khá nổi tiếng bởi gắn liền với sự trở lại của dòng võ Hét cổ xưa trong tên gọi mới: "Nhất Nam”. Một môn phái võ cổ truyền thuần Việt đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, Nga, các nước vùng Ban tích và Liên hiệp châu Âu. Người đứng đầu môn phái này là GS. Võ sư Ngô Xuân Bính (Chưởng môn).

Nguồn gốc của võ Nhất Nam xuất phát từ vùng đất Châu Hoan (tức vùng Thanh Nghệ Tĩnh xưa). Thời Tây Sơn, khi Hoàng đế Quang Trung hành quân qua vùng Thanh Nghệ Tĩnh, nhiều danh tướng, võ sỹ Nhất Nam xuất chúng đã gia nhập đội quân và giải phóng Thăng Long mùa xuân Kỷ Dậu 1789.

Đến thời nhà Nguyễn, võ Nhất Nam thoái trào và thu hẹp lại trong những gia phái nhỏ. Phải hơn 200 năm sau, đến năm 1983, võ Nhất Nam mới được hồi sinh trở lại. Năm 1989, lớp võ sinh đầu tiên của võ Nhất Nam được mở tại TP Vinh. Và cũng từ đó, võ thuật Nghệ An bấy giờ chứng kiến một truyền nhân xuất chúng - Võ sư Bùi Duy Vinh.

Đồ họa: TK
Đồ họa: TK

Niềm đam mê cháy bỏng

Trong hơn 200 môn sinh của lớp học võ do võ sư Ngô Xuân Bính mở, Bùi Duy Vinh là người nhỏ tuổi nhất, theo học các đàn anh muộn 4 tháng nhưng cậu bé này đã sớm khẳng định được năng khiếu võ thuật bẩm sinh của mình và nhanh chóng trở thành trưởng Trang (lớp trưởng) chỉ sau 3 tháng khổ luyện. Tuy nhiên, con đường để Bùi Duy Vinh trở thành một đệ tử của môn phái Nhất Nam như một định mệnh đã được sắp đặt.

Sinh năm 1972 tại phường Lê Mao, TP Vinh trong một gia đình không có truyền thống thể thao hay võ thuật, nhưng niềm đam mê võ thuật của Bùi Duy Vinh được truyền từ người anh trai từng sinh hoạt trong quân ngũ. Một ngày, cậu em Bùi Duy Vinh được anh trai tặng một cuốn sách. Vốn hiếu động, nghịch ngợm nhưng có hứng thú với võ thuật, Bùi Duy Vinh lật những trang đầu tiên và ngay lập tức, tim anh như ngừng đập, toàn thân nóng ran.

Cậu bé Bùi Duy Vinh khi ấy 14 tuổi như cảm thụ được một điều gì đó và nhận ra đây thực sự là một báu vật mà anh đã chờ đợi từ rất lâu. Cuốn sách được anh nghiền ngẫm say sưa, gối đầu giường và đam mê ấy dần ngấm vào từng huyết quản của cậu bé này. Trân quý cuốn sách, nhưng Bùi Duy Vinh không tập một mình, cậu bé rủ một nhóm bạn cùng nhau mày mò, tìm hiểu...

Võ sư Bùi Duy Vinh như bừng tỉnh khi có cuốn
Võ sư Bùi Duy Vinh như bừng tỉnh khi có cuốn "Nhất Nam" trên tay. Ảnh: Sỹ Hiếu

Hóa ra đó là cuốn sách “Nhất Nam” do GS.VS. Võ sư Ngô Xuân Bính biên soạn. Nhiều năm nhen nhóm một ngày trở thành đệ tử môn phái Nhất Nam, đến năm 1989 thì cơ hội đến với Bùi Duy Vinh khi võ sư Ngô Xuân Bính mở lớp. Thông minh, nhanh nhẹn và năng khiếu là một phần, nhưng tinh thần “thượng võ” và nghị lực phi thường đã giúp cậu học trò Bùi Duy Vinh lĩnh hội đủ những gì tinh túy nhất từ người sư phụ Ngô Xuân Bính truyền lại.

Ba lần liên tiếp bị truất quyền thi đấu

Võ sư Bùi Duy Vinh kể lại: “Thời điểm đó, chúng tôi chưa hề nghĩ đến chế độ và điều kiện tập luyện. Chỉ được tập võ, rèn luyện đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Môi trường võ thuật không tránh khỏi những chấn thương, thậm chí là chấn thương nặng, nhưng cũng chính nhờ võ thuật đã giúp tôi cứng cáp, vượt qua mọi khó khăn, đau đớn về thân xác”.

Năm 1992, Trung tâm ĐTHL TDTT tỉnh Nghệ An thành lập đội tuyển tham gia giải Võ đài tự do toàn quốc tại Bình Định. Trước khi tham dự giải đấu đó, chưa một thành viên nào hình dung ra võ đài là như thế nào, mới chỉ đọc và nghe kể.

Bùi Duy Vinh chuẩn bị cho giải đấu đó bằng cách tự đi mua dây thừng về làm đài để đấu, thậm chí trang phục, bảo hiểm cá nhân cũng không biết và không có. May mắn thay, Bùi Duy Vinh được một người bạn từ Thái Lan về và tặng cho 1 đôi găng. Cả đội thay nhau sử dụng chiếc găng đó để tập luyện. Chuyến đi đó cũng là lần đầu tiên Bùi Duy Vinh và đồng đội làm quen với môn thi đấu này.

Võ sư Bùi Duy Vinh được biết đến với tinh thần thi đấu quật cường trên võ đài. Ảnh: Sỹ Hiếu
Võ sư Bùi Duy Vinh được biết đến với tinh thần thi đấu quật cường trên võ đài. Ảnh: Sỹ Hiếu

Trong lần đầu tiên thượng đài, võ sinh Bùi Duy Vinh khiến tất cả phải ngỡ ngàng với tinh thần quyết thắng của một người con xứ Nghệ, những đòn đánh dũng mãnh như hạ gục đối thủ. Tuy nhiên, khi anh gần đi đến trận đấu cuối, trưởng đoàn Nguyễn Hoàng Thụ quyết định dừng trận đấu. Vì ông biết rằng, nếu đấu nữa, Bùi Duy Vinh lẫn đối thủ sẽ gặp nguy hiểm, một trong hai sẽ bị “knock-out”. Dù Nghệ An chỉ tham gia môn đấu này để thử nghiệm, nhưng với ý chí phi thường của võ sinh này, khó lường trước được điều gì có thể sẽ xảy ra.

Năm 1994, môn Pencak Silat mới được đưa vào Nghệ An, Bùi Duy Vinh chuyển sang học môn võ quốc tế có nguồn gốc từ Indonesia này. Đầu năm 1995, anh tham gia giải vô địch Pencak Silat toàn quốc. Ngay trong trận so găng đầu tiên chàng VĐV xứ Nghệ đã hạ "knock-out" đối thủ. Tuy nhiên không những trọng tài không công nhận chiến thắng mà còn ra quyết định truất quyền thi đấu vì cho rằng anh phạm quy.

Lần thứ hai tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ II, đội tuyển Pencak Silat Nghệ An đã giành được 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. Bùi Duy Vinh được đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng không thể giành được một tấm HCV nào. Ở trận tứ kết, đối thủ của anh vì tránh đòn đã dính một cú đấm vào quai hàm ngã đo ván trên sàn. Anh lại bị trọng tài truất quyền thi đấu, vì cho rằng anh phạm lỗi cố tình đánh vào vùng mặt đối phương.

Võ sư Bùi Duy Vinh và chiếc quần dùng để thi đấu năm nào được giữ lại làm kỷ niệm. Ảnh: Sỹ Hiếu
Võ sư Bùi Duy Vinh và chiếc quần dùng để thi đấu năm nào được giữ lại làm kỷ niệm. Ảnh: Sỹ Hiếu

Không bỏ cuộc, đến năm 1996, Bùi Duy Vinh tiếp tục tham gia giải vô địch Pencak Silat toàn quốc với quyết tâm rất cao. Tuy nhiên sau những trận vòng ngoài thắng như chẻ tre, đến tứ kết, Bùi Duy Vinh lại bị trọng tài truất quyền thi đấu vì cú ra đòn của anh khiến đối thủ chấn thương khá nặng ở vùng mặt.

Theo luật thi đấu mới hiện nay thì những tình huống đòn đánh như vậy vẫn hợp lệ. Tuy nhiên thời đó luật thi đấu Pencak Silat chưa hoàn thiện và sau 3 lần thất bại bởi nguyên nhân ngoài chuyên môn, Bùi Duy Vinh rất buồn, anh quyết định quay lại với môn Võ cổ truyền (Võ đài tự do).

Đến Đại hội TDTT các dân tộc Việt Nam lần thứ I - 1996, Bùi Duy Vinh xuất sắc giành HCV. Chưa dừng lại ở đó, đây là năm đánh dấu một tiếng vang của võ thuật Nghệ An tại Giải Võ cổ truyền toàn quốc diễn ra tại TP Vinh. Bùi Duy Vinh tham gia môn Võ đài tự do, sau khi đánh bại hàng loạt đối thủ mạnh, đối thủ của anh trong trận chung kết là Bùi Văn Thiều một võ sỹ chuyên nghiệp từng 5 lần lên ngôi vô địch.

Những tấm huy chương quý giá mà Võ sư Bùi Duy Vinh từng giành được khi còn thi đấu. Ảnh: Sỹ Hiếu
Những tấm huy chương quý giá mà Võ sư Bùi Duy Vinh từng giành được khi còn thi đấu. Ảnh: Sỹ Hiếu

Do còn thiếu kinh nghiệm, điều kiện y tế còn hạn chế, chưa đảm bảo nên Bùi Duy Vinh bị đau bụng, thức trắng đêm trước ngày thi đấu. Khi đã trải qua những trận tứ kết, bán kết đầy căng thẳng, thể lực của anh chỉ còn 30% trước trận chung kết. Kiệt sức trước ngày thượng đài, nhưng bằng một ý chí phi thường, quả cảm của một võ sỹ xứ Nghệ, Bùi Duy Vinh đánh bại đối thủ và giành Huy chương Vàng.

Ngọn cờ đầu của Võ thuật Nghệ An

Sự nghiệp thi đấu của Bùi Duy Vinh không lừng lẫy như một số VĐV khác, đã từng tập luyện với đội tuyển Wushu Quốc gia, anh chia sẻ: “Có lẽ tôi không có duyên với Pencak Silat, Wushu mà Võ cổ truyền mới giúp tôi là chính mình”. Ở tuổi 25, Bùi Duy Vinh được công nhận Võ sư. Năm 1998, anh được bổ nhiệm làm HLV trưởng môn Võ cổ truyền của Trung tâm ĐTHL TDTT Nghệ An.

Vừa nhận nhiệm vụ, HLV Bùi Duy Vinh “lên rừng, xuống biển” để tìm kiếm những tài năng võ thuật mang về Trung tâm ĐTHL TDTT tỉnh và xây dựng nên một đội tuyển Võ cổ truyền xứ Nghệ rất hùng hậu với những tên tuổi sau này đã làm rạng danh cho thể thao Nghệ An như: Lê Thanh Tuấn, Phan Công Tuyến, Bùi Duy Tuấn, Lê Tuấn Dũng, Dương Trọng Bình, Kha Hoài An, Hà Đức Tuấn, Trần Thị Linh, Nguyễn Văn An, Võ Xuân Thanh... Trong số này, Nguyễn Văn An từng là đại diện Việt Nam duy nhất vô địch Giải Quyền Anh trẻ châu Á.

Võ sư Bùi Duy Vinh trong một giờ lên lớp. Ảnh: Sỹ Hiếu
Võ sư Bùi Duy Vinh trong một giờ lên lớp. Ảnh: Sỹ Hiếu

Không chỉ tham gia huấn luyện cho đội tuyển Nghệ An mà anh còn thường xuyên về tận các huyện để dạy võ ở các lớp nghiệp dư khắp nơi trong tỉnh với số lượng võ sinh lên đến hàng nghìn người.

Năm 2001, nhận thấy Wushu rất có tiềm năng và triển vọng phát triển mạnh ở Nghệ An, Bùi Duy Vinh đề xuất Trung tâm ĐTHL TDTT tỉnh thành lập đội tuyển. Chỉ 3 tháng sau thành lập, Nghệ An giành được 1 HCV, 2 HCĐ ngay trong lần đầu tiên chập chững tham gia giải vô địch Wushu toàn quốc.

Cũng giống như Wushu, năm 2002, mặc dù mới huấn luyện được một thời gian ngắn, nhưng Bùi Duy Vinh đã đăng ký cho VĐV tham gia tranh tài ở giải vô địch Boxing toàn quốc. Kinh phí hết sức thiếu thốn, HLV Bùi Duy Vinh phải đi vay mượn, chạy vạy khắp nơi và trong lúc khó khăn nhất lại cho thấy phẩm chất kiên cường của con người xứ Nghệ khi đội tuyển Boxing Nghệ An vượt qua những khó khăn để giành chiến thắng trước một loạt VĐV các ĐT Boxing mạnh của Hà Nội, TP HCM, Quân đội, Quảng Ngãi, Hải Phòng...

Võ sỹ Ngũ Thị Thuyết - người được mệnh danh
Võ sỹ Ngũ Thị Thuyết - người được mệnh danh "Độc cô cầu bại" trên sàn Boxing hạng cân 60kg là một trong những học trò xuất sắc của Võ sư Bùi Duy Vinh. Ảnh: NVCC

Lần ra quân đầu tiên đó, có 3 trong tổng số 4 VĐV Nghệ An đã lọt vào đến bán kết và đội tuyển Boxing Nghệ An đã mang về 2 HCB, 1 HCĐ. Sau giải đấu này, Boxing Nghệ An chính thức có tên trong "bản đồ" làng Quyền Anh Việt Nam.

Từ năm 2002 - 2007, dưới sự dẫn dắt của HLV Bùi Duy Vinh và HLV Nguyễn Công Mạnh, bộ môn Võ cổ truyền - Boxing Nghệ An liên tục nằm trong top 3 các CLB mạnh nhất, mỗi năm mang về cho thể thao Nghệ An hàng chục Huy chương từ các giải đấu trong nước và quốc tế. Đặc biệt, năm 2006, đoàn thể thao Nghệ An tham gia Đại hội TDTT toàn quốc giành được tổng cộng 8 HCV thì riêng bộ môn Võ cổ truyền - Boxing đã chiếm 6 HCV, trong đó Boxing đóng góp 4 HCV và Võ cổ truyền đóng góp 2 HCV.

Năm 2006 cũng là năm Boxing Nghệ An vươn lên chiếm vị trí số 1 Quốc gia, đóng góp cho đội tuyển Việt Nam 8 VĐV. Với khả năng chuyên môn nổi bật, năm 2005 HLV Bùi Duy Vinh còn được Ủy ban TDTT và bộ môn Boxing mời ra Hà Nội tham gia vào BHL đội tuyển Quốc gia tham dự giải vô địch châu Á và SEA Games 23. Tại Đại hội Liên đoàn Võ thuật Nghệ An năm 2007, anh được bầu vào Ban chấp hành khóa III (2007 - 2011) rồi phó ban chuyên môn của Liên đoàn.

Võ sư Bùi Duy Vinh được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cấp bằng Đại võ sư. Ảnh: FBNV
Võ sư Bùi Duy Vinh được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cấp bằng Đại võ sư. Ảnh: NVCC

Dành cả thanh xuân cho võ thuật, võ sư Bùi Duy Vinh đã có một bề dày thành tích đáng nể từ khi còn là VĐV cho đến nghiệp huấn luyện. Hiện anh đang cùng với HLV, trọng tài Quốc gia Nguyễn Công Mạnh phụ trách bộ môn Võ cổ truyền - Boxing - Kick Boxing của Trung tâm ĐTHL TDTT Nghệ An. Năm 2019, anh được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cấp bằng Đại võ sư nhờ những đóng góp lớn cho nền võ thuật cổ truyền nước nhà.

"Vinh là một người toàn tâm toàn ý, sinh nghề tử nghiệp, khi Vinh ở vai trò người chỉ đạo, người huấn luyện viên, người săn sóc viên trên một góc đài đó thì Vinh thể hiện ra rất là tinh, chỉ đạo rất là tốt và vận động viện thi đấu hết sức thành công và tôi cho rằng Vinh là hạt nhân quý của võ học Việt Nam”.

PGS.TS Hoàng Vĩnh Giang – Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Châu Á - Chủ tịch Liên đoàn thế giới võ cổ truyền - Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam

Dù ở cương vị nào, võ sư Bùi Duy Vinh cũng mang hết tâm huyết và kinh nghiệm của mình để giữ và tiếp nối ngọn lửa võ thuật của các thế hệ cha anh. Bây giờ, những đòn đánh, bài quyền không còn được nhanh nhẹn như trước, võ sư Bùi Duy Vinh vẫn luôn mong mỏi rằng võ thuật cổ truyền Nghệ An nói riêng và võ thuật Nghệ An nói chung sẽ được đầu tư, phát triển đúng với tiềm năng, truyền thống vốn có.

Mới nhất

x
Võ sư Bùi Duy Vinh - người truyền lửa võ thuật xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO