Vươn tầm để xứng danh 'vùng đất học'
(Baonghean.vn) - Chỉ còn 1 tuần nữa, học sinh Nghệ An sẽ chính thức tựu trường, chuẩn bị bước vào năm học mới 2022 - 2023. Đây là năm học ngành Giáo dục thực hiện thay sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới và bắt đầu thí điểm các mô hình giáo dục tiên tiến. Trước thềm năm học mới, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Giáo dục phải học thật, thi thật
P.V: Thưa GS.TS Thái Văn Thành, chúng ta vừa kết thúc một năm học với rất nhiều khó khăn nhưng đã về đích khá thành công. Ông hãy chia sẻ về một số kết quả mà ngành Giáo dục Nghệ An đạt được trong năm vừa qua?
GS.TS Thái Văn Thành: Như chúng ta đã biết, năm học 2021 - 2022 là một năm học ngành Giáo dục tiếp tục phải chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, lần đầu tiên học sinh toàn tỉnh phải khai giảng theo hình thức trực tuyến. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi thường xuyên để phù hợp với hình thức vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến. Việc dạy học trực tuyến kéo dài (như ở thành phố Vinh phải đầu tháng 4 học sinh tiểu học mới được đi học trực tiếp tại nhà trường) cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý phụ huynh, học sinh và cả giáo viên.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc dạy và học ở thành phố Vinh trong mùa dịch. Ảnh: Mỹ Hà |
Trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để vừa làm tốt công tác phòng dịch, vừa dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu, chất lượng giáo dục. Việc thực hiện song song 2 nhiệm vụ “kép” có thời điểm rất khó khăn, nhưng với sự nỗ lực cố gắng của tập thể giáo viên, các nhà trường và sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh, học sinh nên Nghệ An đã hoàn thành năm học với nhiều kết quả nổi bật ở tất cả các cấp học.
Năm học 2021 - 2022, Nghệ An tiếp tục giữ vững vị trí tốp 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về học sinh giỏi; có 3 lượt học sinh đạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng tại các Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.
Ngành cũng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phân luồng học sinh sau THCS, THPT. Nhờ đó, trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 có 43 em học sinh dân tộc thiểu số và miền núi đạt các giải Nhất, Nhì, Ba (tăng 5 em so với năm 2021). Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt vị trí thứ 20/63 tỉnh, thành phố, tăng 14 bậc so với năm 2021. Đây là một thành tích rất đáng ghi nhận.
Nghệ An cũng hoàn thành các chỉ tiêu đề ra về trường học đạt chuẩn quốc gia; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, THCS và là tỉnh thứ 25 đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2021-2022, tổ chức các kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, trung thực và đúng quy chế.
P.V: Ngành Giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo và thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Ở Nghệ An, việc triển khai các nội dụng này được thực hiện như thế nào, thưa ông?
GS.TS Thái Văn Thành: Để triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, năm học vừa qua, Nghệ An tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp như sắp xếp, dồn dịch điểm trường đảm bảo thực hiện dạy học Tin học, Ngoại ngữ cho học sinh tiểu học; chương trình tăng cường Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục STEM. Nghệ An cũng có những đột phá trong xây dựng và triển khai hiệu quả các mô hình nâng cao chất lượng giáo dục: Mô hình phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non”; Mô hình trường trọng điểm chất lượng cao; trường mầm non, trường phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; Mô hình trường giúp trường, phòng giúp phòng.
Buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Trường PT DTNT THCS Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà |
Đặc biệt, trong năm học vừa qua, Nghệ An là tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình đảm bảo chất lượng và đã tạo bước đột phá trong đổi mới quản trị nhà trường. Nội dung cốt lõi và then chốt trong công tác đảm bảo chất lượng là quá trình và quy trình xây dựng chuẩn đầu ra của học sinh. Đó cũng là căn cứ để khẳng định năng lực của giáo viên, công tác chỉ đạo, điều hành của tổ chuyên môn, ban giám hiệu nhà trường, cơ quan quản lý Nhà nước. Trong quá trình thực hiện, mô hình này nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục và việc tổ chức dạy và học phải đảm bảo học thật, thi thật và sản phẩm thật.
Ưu tiên hàng đầu là chất lượng giáo viên
P.V:Năm học mới đã cận kề, nhưng dường như năm học nào cũng vậy, bên cạnh sự hân hoan, háo hức thì vẫn còn những nỗi lo, những khó khăn, bất cập. Điều đó là gì, thưa ông?
GS.TS Thái Văn Thành: Đội ngũ giáo viên sẽ quyết định chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, dù theo quyết định mới nhất của Bộ Chính trị, Nghệ An được bổ sung hơn 2.800 giáo viên, nhưng số giáo viên thiếu trên địa bàn tỉnh vẫn rất nhiều (năm 2021, Nghệ An đề xuất hơn 7.800 biên chế) và số liệu giáo viên trong năm nay thiếu còn tăng hơn nhiều với tổng số gần 6.000 giáo viên).
Thứ hai, là cơ sở vật chất thiết bị đồng bộ để đảm bảo dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 còn chưa đảm bảo và còn thiếu ở nhiều nhà trường.
Nghệ An sẽ tham mưu để có cơ chế cho giáo viên tiếng Anh nhằm nâng cao chất lượng học ngoại ngữ. Ảnh: Mỹ Hà |
Việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo cách tiếp cận mới là phát triển phẩm chất năng lực học sinh sẽ dẫn đến những khó khăn đối với giáo viên, nhất là năm nay chúng ta thực hiện thay sách giáo khoa với học sinh lớp 10. Về phía công tác quản lý cũng sẽ có những vất vả, bởi hiệu trưởng cùng một lúc phải điều hành 2 chương trình, thêm các môn tự chọn.
P.V:Như ông đã chia sẻ, Nghệ An vừa được bổ sung hơn 2.800 biên chế và đây thực sự là tin vui của các nhà trường, của rất nhiều giáo viên. Vậy, việc tuyển dụng sẽ được thực hiện như thế nào và đâu là đối tượng sẽ được ưu tiên?
GS.TS Thái Văn Thành: Việc tuyển dụng và phân bổ giáo viên là thẩm quyền của Sở Nội vụ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã trao đổi và đề nghị Sở Nội vụ ưu tiên tuyển dụng trước tiên là đội ngũ giáo viên mầm non hợp đồng theo Thông tư 06 và 09. Tiếp đó là ưu tiên giáo viên tiểu học, giáo viên THCS và giáo viên THPT. Việc thiếu giáo viên trước đó đã được Sở tổng hợp và tính toán trên cơ sở từng trường và từng huyện, nên khi giao chỉ tiêu các ban, ngành liên quan sẽ cân đối theo từng huyện để kịp thời bổ sung cho các địa phương.
P.V: Liên quan đến năm học mới 2022 - 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đang có kế hoạch thí điểm trường THPT bán trú ở 2 huyện Kỳ Sơn và Quế Phong. Vậy, việc thực hiện sẽ như thế nào, thưa ông?
GS.TS Thái Văn Thành: Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 8 trường phổ thông dân tộc nội trú, trong đó, có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS, 2 trường phổ thông dân tộc nội trú THPT, 57 trường phổ thông dân tộc bán trú và 55 trường phổ thông có học sinh bán trú với 1.734 lớp và 45.969 học sinh. Trong số này có 24.061 em được thụ hưởng các chế độ, chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ. Việc triển khai mô hình trường bán trú và nội trú đã góp phần rất quan trọng vào việc ổn định trường lớp, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Học sinh được ở bán trú sẽ yên tâm học tập. Ảnh: Tư liệu |
Với bậc THPT, trước đây, mô hình trường bán trú từng được triển khai tại các huyện và đã phát huy được hiệu quả. Chính vì vậy, từ năm học này, ngành Giáo dục đã đề xuất để thí điểm mô hình trường bán trú tại Trường THPT Kỳ Sơn và Trường THPT Quế Phong.
Hiện chúng tôi đang xây dựng các tiêu chí cụ thể, nhưng có thể hiểu trường phổ thông dân tộc bán trú kiểu mới là trường chuyên biệt, được Nhà nước thành lập cho con em các dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển cho các vùng này trong giai đoạn mới.
Trường có môi trường giáo dục thân thiện, tích cực, phù hợp với bản sắc văn hóa của các dân tộc, có chất lượng giáo dục cao để mỗi học sinh đều có cơ hội phát triển phẩm chất và năng lực của mình, giúp học sinh phát triển toàn diện, có kỹ năng sống, luôn năng động, sáng tạo, tự tin và thích ứng nhanh trong quá trình hội nhập cuộc sống.
Trường THPT Kỳ Sơn đang hoàn thiện để kịp đưa vào sử dụng trong năm học mới và sẽ thí điểm thành trường THPT bán trú. Ảnh: Trung tâm VHTT&TT huyện Kỳ Sơn |
P.V:Năm học này là năm thứ 3 ngành Giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Vậy, ông hãy chia sẻ những nhiệm vụ của ngành trong năm học 2022 - 2023?
GS.TS Thái Văn Thành: Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm học vừa qua, ngành sẽ chỉ đạo các nội dung trọng tâm và cốt lõi gồm tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND ban hành các cơ chế, chính sách, thúc đẩy và tạo đột phá trong đổi mới giáo dục và đào tạo; tiếp tục sắp xếp mạng lưới, dồn dịch các điểm trường để đảm bảo dạy Tin học và Ngoại ngữ cho học sinh lớp 3; thực hiện những điều kiện tốt nhất cho chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Hiện, ngoài chuẩn bị tuyển dụng giáo viên, Nghệ An cũng đã rà soát các thiết bị, vật chất tối thiểu để đảm bảo chương trình mới. Song song với đó, công tác đào tạo giáo viên đang được triển khai và nhờ đó giáo viên Nghệ An rất tự tin khi triển khai chương trình sách giáo khoa mới. Ngành cũng đang thúc đẩy chuyển đổi số giai đoạn 2, gắn với cải cách hành chính, gắn với quản trị nhà trường nhằm tạo bước đột phá trong giáo dục và đào tạo.
Trường THCS Diễn Hồng (Diễn Châu) đầu tư phòng máy tính hiện đại để chuẩn bị cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Mỹ Hà |
Trước thềm năm học mới, ngành đã xây dựng các mô hình giáo dục mới như trường học tiên tiến, trường phổ thông dân tộc bán trú ở 3 cấp học, mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông… Chúng tôi cũng đặt mục tiêu từ vị trí thứ 20, Nghệ An sẽ vươn lên vị trí thứ 15 để xứng đáng với vùng đất học. Bên cạnh đó, ngành đang đề xuất chính sách đối với những giáo viên có Chứng chỉ ngoại ngữ cao (nhất là ở miền núi) để khuyến khích nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các nhà trường. Từ đó, để trong tương lai tất cả học sinh Nghệ An đều có kỹ năng sống, giá trị sống, kỹ năng toàn cầu để tăng cơ hội cạnh tranh cho học trò…
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!