'Xây' thương hiệu, tăng giá trị nhung hươu Quỳnh Lưu

Văn Trường 29/07/2021 07:14

(Baonghean.vn) - Nghề nuôi hươu đã xuất hiện tại huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai từ nhiều năm qua. Mới đây huyện Quỳnh Lưu đã vinh dự được công nhận nhãn hiệu “Nhung hươu Quỳnh Lưu”.

Cần xây dựng thương hiệu sản phẩm

Nghệ An được biết đến là địa phương nuôi hươu đầu tiên trong toàn quốc, trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Đầu tiên là ở xã Tiến Thủy - nơi được cho là đã nuôi hươu từ năm 1926, sau đó lan dần ra các xã khác. Những năm 1990, nghề nuôi hươu đặc biệt phát triển ở huyện Quỳnh Lưu và huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, cơn sốt hươu những năm này chủ yếu là sốt con giống, đã đẩy giá con giống hươu lên rất cao. Sau đó, khi cơn sốt con giống hạ xuống, con hươu trở lại với giá trị đích thực của nó là lấy nhung làm dược liệu. Trên dưới mười năm nay nghề nuôi hươu phát triển ổn định và khá bền vững.

Trại nuôi hươu của ông Lê Trần Tráng.
Trại nuôi hươu của ông Lê Trần Tráng xã Quỳnh Vinh. Ảnh: Nhật Lân

Theo thống kê của huyện Quỳnh Lưu, năm 2015, toàn huyện có trên 14.000 con hươu, nai; sản lượng nhung thu về khoảng 4 tấn, tương đương khoảng 32 tỷ đồng (bán thô). Đây là nguồn thu rất lớn không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế huyện nhà mà nhiều hộ dân ở Quỳnh Lưu sản phẩm nhung hươu đã trở thành nguồn thu nhập chính trong năm. Đơn cử như ở xã Quỳnh Tân, tổng thu nhập toàn xã năm 2015 đạt 307 tỷ đồng, trong đó, ngành chăn nuôi đạt trên 65 tỷ đồng (thu từ nhung hươu, lộc nai 4,8 tỷ đồng).

Ở thị xã Hoàng Mai (mới tách từ huyện Quỳnh Lưu từ năm 2010) nghề nuôi hươu cũng khá phát triển. Hiện nay toàn thị xã có khoảng 7.000 con hươu, tập trung chủ yếu ở các xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Vinh. Mặc dù có từ lâu đời, tổng đàn lớn, cho thu nhập cao và khá ổn định, thế nhưng, nghề nuôi hươu ở huyện Quỳnh Lưu vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nguồn giống nuôi chưa được tuyển chọn một cách khoa học; quy trình nuôi cũng như việc khai thác nhung hươu chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, thiếu nghiên cứu một cách khoa học. Sản phẩm chưa đa dạng, chủ yếu là bán nhung tươi, thiếu chế biến và tinh chế sâu...

Đặc biệt, mặc dù là một sản phẩm quý, có danh tiếng tốt trên thị trường, nhưng hàng chục năm nay nhung hươu Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai chưa được quan tâm xây dựng thương hiệu, việc quản lý chất lượng và phát triển thị trường, vì vậy còn rất hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh nhung hươu Quỳnh Lưu - Hoàng Mai cho biết: Từ những căn cứ trên đây, có thể thấy rằng, việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Nhung hươu Quỳnh Lưu” là việc làm hết sức cần thiết. Qua đó, nhằm quản lý tốt hơn chất lượng sản phẩm nhung hươu, nâng cao danh tiếng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nhung hươu trên thị trường.

Các sản phẩm sử dụng nhung hươu.
Các sản phẩm sử dụng nhung hươu. Ảnh: Văn Trường

Cơ hội nâng chất lượng, giá trị

Sau 3 năm nỗ lực xây dựng, được sự hỗ trợ hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ, cùng các ban, ngành, nhung hươu Quỳnh Lưu đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng công nhận. Việc được công nhận nhãn hiệu “Nhung hươu Quỳnh Lưu” rất có ý nghĩa, nhằm nâng nâng cao giá trị sản phẩm nhung hươu của huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhung hươu của 2 địa phương trên.

Sản phẩm nhung hươu gồm nhung tươi sơ chế đóng gói hút chân không và nhung tươi ngâm rượu... Nhãn hiệu chứng nhận “Nhung hươu Quỳnh Lưu” được đăng ký bảo hộ, sử dụng, quản lý và khai thác có hiệu quả tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp người tiêu dùng sử dụng đúng sản phẩm, đảm bảo nguồn gốc và chất lượng đặc thù.

Ngoài việc được công nhận nhãn hiệu chứng nhận nhung hươu Quỳnh Lưu, trong dịp này, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai tiến hành Đại hội thành lập Hội Sản xuất và Kinh doanh nhung hươu Quỳnh Lưu, nhiệm kỳ 2021-2025. Ông Nguyễn Văn Hùng đã được bầu làm Chủ tịch hội.

Nghề nuôi hươu đem lại thu nhập tốt cho nhiều gia đình ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Việt Hùng
Tại đại hội lần thứ nhất, ban tổ chức đã công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập hội và cho phép tiến hành đại hội. Đại hội đã thảo luận, thông qua Điều lệ Hội Sản xuất và Kinh doanh nhung hươu; các tham luận góp ý về xây dựng quy chế sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm nhung hươu Quỳnh Lưu và bầu Ban Chấp hành hội nhiệm kỳ 2021-2025. Đây là tổ chức có vai trò, nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn và giám sát việc sử dụng nhãn hiệu “Nhung hươu Quỳnh Lưu” cũng như hỗ trợ, chia sẻ nhau trong việc chăn nuôi hươu và sản xuất, chế biến sản phẩm nhung hương.

Hiện nay Công ty cổ phần Khoa học xanh HIDUMI Pharma (Đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện dự án) đã đứng ra thu mua, sản xuất, chế biến sâu nhung hươu trên địa bàn 2 địa phương trên và đã có các sản phẩm rất được các khách hàng ưa chuộng như; Nhung hươu khô tán bột, rượu nhung hươu đông trùng hạ thảo - dược liệu… Đặc biệt, các sản phẩm của công ty đều được chế biến theo quy trình công nghệ hiện đại, đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; đảm bảo chất lượng và tạo sự yên tâm cũng như hiệu quả cho người sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh nhung hươu Quỳnh Lưu - Hoàng Mai

Lộc hươu - một đặc sản của Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ảnh tư liệu: T.H
Do đầu ra nhung hươu ổn định, được Công ty cổ phần Khoa học xanh HIDUMI Pharma thu mua, chế biến sản xuất nên người nuôi hươu của 2 địa phương trên yên tâm để chăn nuôi hươu, góp phần tăng giá trị kinh tế cho nghề này.

Với chiến lược đầu tư theo hướng bền vững của Công ty cổ phần Khoa học xanh HIDUMI Pharma, đây sẽ là một cú hích để nâng cao giá trị cho “Nhung hươu Quỳnh Lưu”. Đưa sản phẩm quý giá này trở thành một thương hiệu quốc gia vươn mình ra thế giới.

Nhung hươu từ xưa đã được mệnh danh là 1 trong 4 loại thượng dược Sâm - Nhung - Quế - Phụ. Sản phẩm này được các danh y tin dùng trong việc bồi bổ khí huyết; điều hòa cơ thể; tăng cường sinh lực. Đồng thời bổ sung dinh dưỡng, cải thiện cơ bắp, khỏe mạnh xương cốt.


Mới nhất
x
'Xây' thương hiệu, tăng giá trị nhung hươu Quỳnh Lưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO