Xót xa nhìn ngao chết trắng bãi ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Đã gần thời điểm thu hoạch nhưng gần 15 ha ngao của người dân xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) đột nhiên chết trắng bãi, ước tính thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.
BẠC TỶ TRÔI THEO NGAO CHẾT
Xác ngao chết bị sóng đánh dạt thành những cồn dài trắng xóa, ước tính người dân mất trắng khoảng 315 tấn ngao, thiệt hại khoảng 5-7 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Phúc |
Thủy triều xuống, cả bãi ngao trơ ra toàn vỏ, ngao chết há mồm bị sóng đánh dạt thành từng cồn dài trắng xóa. Dù trời mưa rét nhưng những người nuôi ngao vẫn đội mưa khẩn trương thu gom ngao chết, cải tạo bãi để kịp cho vụ nuôi sau.
Ông Phạm Văn Xấn, xóm Rồng, xã Nghi Thiết, hộ nuôi gần 1,54 ha ngao cho biết: Năm 2019, ngao chết rải rác, nhưng đó là chuyện thường tình. Nhưng bắt đầu từ cuối tháng 11 âm lịch thì số lượng ngao chết tăng dần với mật độ dày hơn và đến hiện tại, số ngao chết đã chiếm đến 80%, tính ra gia đình thiệt hại 600 triệu đồng.
Là một trong những hộ có diện tích nuôi ngao lớn của xã, ngao chết khiến gia đình ông Nguyễn Sỹ Thanh, xóm Chùa thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Theo đó, ông Thanh đã thả 10 tấn ngao giống trên diện tích 2,4ha bãi nuôi vào giữa tháng 4/2019, dự kiến sẽ thu hoạch bán Tết và rải rác đến hết tháng 3, sau đó tầm tháng 5 thả vụ ngao mới. Vậy nhưng ngao đột nhiên chết đồng loạt khiến gia đình ông mất trắng. Anh Hải chua xót: “Đổ vào đó bao vốn liếng, công sức, giờ ngao chết hết, tiền của trôi xuống biển cả”.
Với diện tích 1,54ha ngao nuôi, tỷ lệ ngao chết 90%, ông Phạm Văn Xấn, xóm Rồng mất trắng 600 triệu đồng. Ảnh: Thanh Phúc |
Nuôi ngao trên bãi triều phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, con nước nên người dân Nghi Thiết coi đây là nghề “đánh bạc với trời”, có năm được, có năm mất. Nhưng chưa năm nào, con ngao lại chết đồng loạt, mất trắng như năm nay. “Gần 20 năm nuôi ngao trên bãi triều, có năm lãi mấy trăm triệu, có năm mất mùa, thất thu. Nuôi ngao, chỉ đầu tư tiền con giống, công chăm sóc nên có mất mùa thì cũng không đến nỗi thua lỗ. Nhưng như năm nay, ngao chết đồng loạt thế này thì trắng tay thật, mất cả vốn liếng, công sức đổ vào”.
Toàn xã có diện tích 14,47 ha bãi triều với 7 hộ nuôi ngao. Đến thời điểm hiện tại, 7/7 hộ nuôi ngao đều xảy ra hiện tượng ngao chết với tỷ lệ 60-90%, sản lượng ngao thương phẩm bị thiệt hại khoảng 350 tấn, ước tính người dân mất trắng khoảng 5-7 tỷ đồng.
Không chỉ mất trắng hàng trăm tấn ngao mà việc thu gom ngao chết, cải tạo lại bãi nuôi cũng tốn kém hàng chục triệu đồng cho mỗi ha. Hiện tại, xác ngao bị sóng đánh dạt, cuốn trôi thành các cồn dài cả ki-lô-mét chạy dọc bãi triều dù đã huy động hết nhân lực nhưng vẫn không thể xử lý hết số ngao chết. Do đó, các gia đình buộc phải thuê người thu gom ngao chết với mức tiền công 25.000 đồng/người/1 tiếng, mỗi hộ nuôi ngao tốn thêm hàng chục triệu đồng để thu gom ngao chết.
THU GOM NGAO CHẾT, XỬ LÝ BÃI NUÔI
Tranh thủ thời tiết hửng nắng, người dân Nghi Thiết bòn mót những con ngao còn sống, thu gom xác ngao chết. Ảnh: Thanh Phúc |
Sau khi nắm được thông tin ngao chết đồng loạt, chính quyền xã Nghi Thiết đã kịp thời kiểm tra, báo cáo lên phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc. Huyện đã cử cán bộ phụ trách xuống địa bàn, lấy mẫu của các hộ nuôi ngao đi xét nghiệm.
Bà Trần Thị Hoàng Vân, chuyên viên phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghi Lộc, phụ trách thủy hải sản cho biết: “Kết quả xét nghiệm cho thấy, ngao chết không phải do dịch bệnh. Tất cả các mẫu ngao xét nghiệm đều âm tính với ký sinh trùng perkinsus (loại ký sinh trùng gây bệnh chết ở ngao). Hiện chúng tôi đã báo cáo lên Sở Tài nguyên và Môi trường, đề nghị quan trắc nguồn nước khu vực nuôi ngao”.
Chi cục Thủy sản hướng dẫn các hộ nuôi cách xử lý ngao chết và xử lý bãi nuôi. |
Chiều qua (17/2), Chi Cục Thủy sản đã cử đoàn cán bộ xuống kiểm tra thực tế, động viên chia sẻ với bà con và hướng dẫn bà con cách xử lý bãi nuôi, chuẩn bị các yếu tố kỹ thuật cho vụ nuôi sau. Ông Lê Văn Hướng - Phó Chi cục Thủy sản cho biết: “Hiện nguyên nhân ngao chết chưa rõ, đã loại trừ yếu tố dịch bệnh và chờ kết quả quan trắc môi trường. Nhiều giả thiết được đặt ra như: Chất lượng con giống đầu vào chưa được kiểm định do bà con tự tìm mua ở các doanh nghiệp phía bắc; Mật độ nuôi quá dày so với khuyến cáo của ngành (theo đó, bà con thả từ 300-350 con/m2 vượt 100-150 con/m2 so với khuyến cáo); do điều kiện thời tiết bất thường so với những năm trước và không ngoại trừ yếu tố môi trường và trầm tích đáy nuôi có vấn đề…
Điều đáng lưu ý là trong khi ngao có dấu hiệu chết rải rác kéo dài trong năm 2019, các hộ nuôi đã không kịp thời báo lên chính quyền địa phương và ngành chức năng để kiểm tra, xử lý khi mới manh nha mà để đến khi ngao chết đồng loạt mới báo cáo do đó, việc xác định nguyên nhân gặp không ít khó khăn”.
Thống kê thiệt hại ngao chết và hướng dẫn cách xử lý của huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thanh Phúc |
Trong khi chờ làm rõ nguyên nhân để có hướng xử lý thì trước mắt, các cấp, ngành hữu quan đang hướng dẫn người dân thu gom, xử lý ngao chết; rắc vôi khử trùng bãi nuôi và yêu cầu người dân cho “nghỉ bãi” đến sớm nhất là tháng 9 mới nuôi trở lại. Đồng thời khuyến cáo bà con, khi thả con giống tìm nguồn có chất lượng, xuất xứ; thả theo đúng mật độ chứ không quá dày.