Xử lý thực trạng 'mạng nhện' cáp viễn thông và lưới điện treo lơ lửng
(Baonghean.vn) - Để chỉnh trang đô thị và đảm bảo an toàn cho người dân, Nghệ An đã và đang từng bước ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông và lưới điện. Tuy vậy còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Lồng ghép chỉnh trang đô thị xây dựng phố đi bộ kết hợp hạ ngầm cáp viễn thông và cáp điện lực tại đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Vinh đã 'giải phóng' hệ thống đường dây treo. Ảnh: Nguyễn Hải |
Hiện một số tuyến phố lớn tại TP. Vinh như Đại lộ Lê Nin, đường Lê Hồng Phong, Trường Thi, phố đêm Cao Thắng hay khu vực phố đi bộ tại đường Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Văn Cừ đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để hạ ngầm hệ thống cáp viễn thông và đường dây diện xuống phía dưới vỉa hè.
Tương tự, thị xã Hoàng Mai hay thị xã Cửa Lò khi đầu tư, nâng cấp các tuyến đường trọng điểm cũng yêu cầu các đơn vị có phương án ngầm hóa cáp và không mặc nhiên dùng cáp treo theo cột điện như trước đây.
Việc làm trên đóng góp rất tích cực vào mục tiêu chỉnh trang đô thị, đảm bảo an toàn cho người dân khi bước vào mùa mưa bão; đồng thời, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng cho các nhà cung cấp dịch vụ điện và viễn thông, hạn chế hiện tượng chập cháy, ngắt điện vì lý do khách quan.
Đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò được quy hoạch bài bản nên hệ thống cáp viễn thông và cáp điện lực được hạ ngầm ngay từ khi thi công vỉa hè đường. Ảnh: Nguyễn Hải |
Trên thực tế, kế hoạch ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông và cáp điện đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2015, nhưng do nguồn lực còn hạn chế và các doanh nghiệp viễn thông và điện lực chưa thực sự quan tâm đầu tư nên tiến độ thực hiện khá chậm và kết quả còn khiêm tốn.
Nhằm xử lý những bất cập, mất an toàn và mỹ quan do tình trạng dây cáp điện và cáp viễn thông như mạng nhện treo lơ lửng trên khắp các tuyến đường và nhà dân, ngày 15/9/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 2790/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch ngầm hóa và chỉnh trang mạng cáp viễn thông năm 2022, 2023 đến 2025 đối với một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Quyết định số 2790/QĐ-UBND của UBND tỉnh yêu cầu thành phố Vinh, các thị xã và thị trấn cấp huyện, khi thực hiện đầu tư các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ phải lồng ghép, phối kết hợp để hạ ngầm hệ thống cáp viễn thông và điện lực thay vì đầu tư cột và treo như trước đây; đồng thời, giao trách nhiệm trong năm 2022 và 2023, các đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông, điện lực phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh, địa phương hỗ trợ tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng để đầu tư chỉnh trang và ngầm hóa tổng cộng 581,03 km cáp song song với 342 tuyến, vị trí tại 18 huyện, thành, thị.
Thi công bể ống cáp ngầm dùng chung cho các nhà mạng dọc vỉa hè Đại lộ Lê Nin, phường Hưng Phúc, TP. Vinh vào đầu tháng 1/2023. Ảnh: Nguyễn Hải |
Cũng quyết định này, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị phải tổ chức hạ ngầm tuyến cáp treo thông qua sử dụng chung công trình hạ tầng cống bể ngầm hiện có hoặc xây mới, lắp đặt bổ sung các tuyến cống ngầm, cáp ngầm; một số tuyến đường không thể ngầm hóa triệt để đến hộp cáp và tủ mà phải tiếp tục treo cáp thì phải hạ một phần dung lượng để hạ tải cáp treo cho tuyến cột góp phần chỉnh trang cáp treo.
Thực hiện quy định trên, từ tháng 6/2022, một số đơn vị viễn thông đã phối hợp với các khu dân cư cắt bỏ các đường dây dẫn tín hiệu vào từng thuê bao hộ gia đình khách hàng chằng chịt như mạng nhện trước đây thì nay được thay thế bằng một hệ thống đường dây chung đi theo thiết kế của tòa nhà; một số đơn vị khác cùng với đầu tư chuyển đổi sang cáp thế hệ mới đã hạ ngầm hệ thống dây cáp… Mới nhất, VNPT Nghệ An đã thi công hệ thống bể cống cáp ngầm chạy song song với hệ thống thoát nước dọc vỉa hè Đại lộ Lê Nin.
Thi công hệ thống đèn tín hiệu giao thông và điện chiếu sáng tuyến Đại lộ Vinh- Cửa Lò đoạn qua địa bàn xã Nghi Đức. Ảnh: Nguyễn Hải |
Tuy vậy, với hiện trạng hàng chục ngàn km cáp viễn thông chạy dọc "ăn theo" hệ thống cột điện như hiện nay; hạ tầng quy hoạch chưa bài bản nên mục tiêu ngầm hóa hệ thống cáp treo lơ lửng gặp rất nhiều thách thức.
Mới đây, khi thành phố Vinh có kế hoạch chỉnh trang đô thị, nâng cấp phố đêm và phố đi bộ nhưng khó khăn lắm mới vận động, kêu gọi được các doanh nghiệp viễn thông hay điện lực vào cuộc đầu tư, hợp tác thi công. Mặc dù định hướng quy hoạch từng tuyến phố đã rõ nhưng tình trạng đơn vị này vừa làm xong mương thoát, vỉa hè, đèn chiếu sáng thì các đơn vị khác lại đến xin phép đào cắt đường, xới vỉa hè lên để lắp đặt thiết bị cáp...
Cáp điện và viễn thông thi công ngổn ngang tại 1 khu dân cư phía sau Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam -Hàn Quốc, xã Nghi Phú, TP. Vinh. Ảnh: Nguyễn Hải |
Theo lộ trình, các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, Mobiphone hay FPT sớm hay muộn đều phải đầu tư hạ tầng để cung ứng dịch vụ, nhưng do chưa có sự phối hợp nên mạnh ai người nấy làm, gây lãng phí tốn kém tài nguyên không gian.
Trên thực tế, hàng ngày tại các khu dân cư hay tuyến đường, không khó để nhận ra hạ tầng các tuyến cáp thay đổi liên tục nhưng các đơn vị viễn thông không thu hồi mà để lại trên các cột điện hoặc vứt bỏ ngay trên sân thượng các tòa nhà cao tầng khiến đường dây đã nặng lại còn nặng hơn; các tòa nhà thì mất vệ sinh, không an toàn khi mưa, bão.
Một đường dây cáp viễn thông sà xuống chắn ngay lối đi tại một hộ gia đình ở xóm 6, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu của PV Thanh Nhàn |
Cũng theo một doanh nghiệp viễn thông, một trong những thách thức lớn nhất trong hạ ngầm cáp là nguồn lực vốn đầu tư. Do hệ thống cáp thế hệ mới nên chi phí đầu tư ban đầu khá tốn kém. Nếu xây hệ thống ống cáp ngầm và hộp kỹ thuật chạy theo vỉa hè thì định mức đầu tư khá lớn vì phải giải phóng mặt bằng. Hạ tầng này, tốt nhất là Nhà nước đầu tư sau đó cho các doanh nghiệp thuê.
Một cột điện tại phường Trung Đô do không chịu được tải trọng dây cáp đã gãy đổ gây nguy hiểm cho người dân. Ảnh Tư liệu Báo Nghệ An |
Ông Nguyễn Việt Đức – Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Vinh cho hay: Hạ ngầm hệ thống cáp mang lại nhiều lợi ích và là xu thế của các đô thị văn minh, thông minh. Cùng với tham mưu đề xuất tiếp tục hạ ngầm cáp tại tuyến phố, thành phố đang phải tăng cường giám sát, quản lý để các tuyến đã ngầm hóa không bị tái lấn chiếm, treo cáp dây trở lại.