Xã hội

Yêu nước theo cách của người trẻ

Lê Thanh Nga 01/09/2024 07:21

Mỗi thời, mỗi người có cách yêu nước của riêng mình, của thế hệ mình... Đất nước đang hòa bình, phát triển, chúng ta có cơ hội để thể hiện tình cảm yêu nước theo cách của riêng mình trong vô vàn lựa chọn.

Lại một mùa nhập học đang đến, người ta sẽ lại thấy một hình ảnh đã trở nên thân thương tự bao giờ, tạo nên một vẻ đẹp mang trong mình cái nồng nàn của tuổi trẻ: những thanh niên với màu áo xanh tình nguyện dưới cái nắng vã mồ hôi hay làn mưa chan nước mắt, hỗ trợ hết mình cho sĩ tử hay tân học sinh, tân sinh viên trước, trong và sau các mùa thi. Cũng màu áo ấy, cái nồng nàn ấy, có thể dễ dàng gặp trên mọi cung đường của Tổ quốc. Họ giúp dân thu hoạch mùa màng, chống, chạy, khắc phục hậu quả thiên tai... Thứ màu xanh ấy có lẽ đã trở thành một biểu hiện sâu sắc và khỏe khoắn của văn hóa tinh thần Việt Nam.

bna_nghia-dan-1c0045413629d7f370449bcc0f0425d5.jpeg
Tình nguyện viên Huyện đoàn Nghĩa Đàn tiếp sức mùa thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh tư liệu: Huyện đoàn Nghĩa Đàn

Tuổi trẻ là thế, luôn năng động, nhạy cảm, luôn mang trong mình khát vọng dấn thân và tinh thần sáng tạo. Và ở bất cứ công việc nào, tôi vẫn cảm nhận thấy trong trái tim họ một tấm lòng yêu nước nồng nàn, sâu xa...

Mỗi thời, mỗi người có cách yêu nước của riêng mình, của thế hệ mình. Chúng ta đã từng ngưỡng mộ bởi những trái tim rất trẻ của Trần Quốc Toản, Kim Đồng..., lớn hơn chút nữa là Hai Bà Trưng, Trần Bình Trọng, Nguyễn Tất Thành và lớp lớp anh hùng thanh thiếu niên, từ các lãnh tụ đến các chiến sĩ bộ đội, dân quân, dân công... thời hiện đại. Từ những người tiên phong tìm con đường giải phóng dân tộc đến lớp lớp những thanh niên nam nữ xả thân vì độc lập tự do, vì thống nhất đất nước... họ đều trở nên bất tử trong kí ức của mãi mãi các thế hệ mai sau.

Ở một phía khác, những Thế Lữ, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Hàn Mặc Tử, Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam,... cũng chẳng phải là những người đã bắt đầu sự nghiệp của mình khi còn rất trẻ sao? Mới chỉ ngoài hai mươi thôi, thế hệ ưu tú ấy đã làm nên diện mạo một nền văn học Việt Nam hiện đại bằng việc tìm, xây dựng và khẳng định một đường hướng mới cho văn học Việt Nam, tạo một trong những tiền đề căn bản để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

bna_van-anh.jpg
Lương Thị Vân Anh - sinh viên người Thái, hiện đang học năm thứ 4, Khóa 62 Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Vinh tại buổi dạy học cho các em nhỏ tại nước bạn Lào. Ảnh tư liệu: Quang Huy

Mỗi người hay nhóm người trong số họ có những cách khác nhau để thể hiện tinh thần yêu nước do thiên hướng tài năng và cơ hội lựa chọn thái độ sống, hành vi sống. Ngay trong cùng một thời đại, có người hào hứng dấn thân vào cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù thì có người “Lấy cán bút làm đòn xoáy chế độ/ Đem vần thơ bom đạn phá cường quyền” (Sóng Hồng); có người thể hiện lòng yêu nước bằng những tác phẩm trực tiếp đả kích, lên án kẻ thù hay tuyên truyền lý tưởng cách mạng thì có người lặng lẽ bày tỏ tấm lòng mình trong những vần thơ yêu nước ngậm ngùi xa xăm, trong tình yêu với những giá trị truyền thống và trong tình yêu tiếng Việt... Tất cả đều là sự hiến dâng cho Tổ quốc.

Tôi thường hỏi sinh viên, học viên của tôi rằng, khi dạy về Nguyễn Trãi, có nên hướng học sinh đến cách yêu nước của ông ấy? Và câu trả lời của tôi là không, bởi tôi hiểu lòng yêu nước không là độc quyền của riêng ai, và không ai có thể ép người ta bày tỏ lòng yêu nước theo cái cách người xưa từng bày tỏ. Đất nước đang hòa bình, phát triển, chúng ta có cơ hội để thể hiện tình cảm yêu nước theo cách của riêng mình trong vô vàn lựa chọn.

d59be77a9a96713954627d768c0e03e7.jpeg
Tuổi trẻ huyện Tương Dương vẽ hình cờ Tổ quốc hướng tới kỷ niệm ngày Quốc khánh. Ảnh tư liệu: Đình Tuân

Chúng ta đã từng chứng kiến bao nhiêu người trẻ xung phong vào tuyến đầu chống dịch cách nay vài năm, hay những thanh niên hy sinh bản thân mình để cứu người bị đuối nước, để mà cảm phục. Câu chuyện bạn trẻ Phùng Bá Hưng ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức lên Hà Nội học và sau đó về thành lập một phòng đọc cho trẻ em nông thôn ngay trong phòng khách nhà mình, hơn 10 năm đã có hơn 10.000 đầu sách rồi ấp ủ giấc mơ đến Mỹ học chuyên sâu về thư viện, để biến thư viện thành trung tâm văn hóa cộng đồng; câu chuyện một số thầy giáo ở Hà Tĩnh vẽ hàng trăm mét bích họa trên tường các xã thuộc hai huyện Vũ Quang và Hương Sơn để làm đẹp quê hương... đều là biểu hiện của lòng yêu nước. Và, lòng yêu nước ấy hoàn toàn có thể biểu hiện trong những cử chỉ nhỏ bé, khiêm nhường nhất, như trồng thêm một cái cây, như đừng ăn thịt động vật hoang dã, thậm chí chỉ là cúi xuống nhặt một mẩu tàn thuốc bên đường và cho vào túi rác, thùng rác...

Sự kiện đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam giành vị trí á quân ở Thường Châu năm nào đã tạo nên nguồn cảm hứng mới và lớn lao cho đồng bào ta, nhất là những người trẻ. Sau sự kiện ấy, rất nhiều bạn trẻ đã sử dụng ca khúc “Tự hào hát mãi ơi Việt Nam” làm nhạc chuông điện thoại. Thú thật bản thân tôi cũng từng đôi phen ngây ngất với bài hát này khi nó được dàn dựng với cảnh quay các bà mẹ mang sắc phục dân tộc vùng cao đập lúa, chiếc khinh khí cầu bay hùng dũng giữa trời, những thửa ruộng bậc thang đuổi nhau trèo lên núi và nhất là hình ảnh các bạn trẻ mặc áo sắc đỏ sao vàng với những vũ điệu khỏe khoắn, vui tươi. Ấn tượng của tôi về lòng nhiệt thành của người trẻ với quê hương đất nước cũng phần nào từ đó mà nhóm dậy.

bna_treo-co-ky-son-4-4ddc9e096d65d319be162fc03bb8d0bc.jpg
Ở các xã vùng biên như Na Ngoi, Nậm Càn, Na Loi, Keng Đu… của huyện Kỳ Sơn, nhiều tuyến đường được đoàn viên, thanh niên biến thành “đường cờ kiểu mẫu” với cột cờ được hàn gắn chắc chắn. Ảnh tư liệu: Đào Thọ

Và rồi, không thể phủ nhận tình yêu và sự ngưỡng mộ của mình đối với những người trẻ trên những chuyến hành trình bằng xe máy đến những miền xa xôi của Tổ quốc, trên đỉnh đèo cao, bên bờ vực thẳm của Cao Bằng hay Hà Giang, bên bờ biển mênh mông của Bình Định, Cà Mau hay những kênh rạch mênh mang, những “cánh đồng bất tận” của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long... Đôi khi ta thấy những hành động ấy như là sở thích phiêu bồng, ưa mạo hiểm có chút khí vị giang hồ của tuổi trẻ. Nhưng nghĩ cho cùng, chắc chắn những hành động đó ít nhiều chịu sự thúc giục của một thứ tình cảm sâu xa mà đôi khi chúng ta và bản thân họ cũng không nhận ra: đó là sự gắn bó máu thịt với từng “cọng rau, tấc đất” xứ sở. Đôi khi ta thấy việc quay và phát tán những thước phim của họ như những hành động mà ta gọi là “thể hiện”, là “sĩ độ”, là “câu like”, “câu view”, nhưng nghĩ cho cùng, những việc làm của họ (mà tôi từng nghi ngờ và có chút thiếu thiện cảm) lại đang góp phần rất lớn vào việc quảng bá hình ảnh núi sông tươi đẹp, và họ đã làm với trái tim tuổi trẻ luôn biết thổn thức cùng nhịp đời sôi động.

Cũng nhằm mục đích quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, bạn Nguyễn Thị Hà Trang (Hà Nội) lại tìm cách sáng tạo những nội dung số để giới thiệu hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế với tâm niệm: “Ở những lần đó (lần tham dự các sự kiện quốc tế - tác giả chú thích), mình luôn nỗ lực giới thiệu Việt Nam xinh đẹp, phát triển với bạn bè Hàn Quốc nói riêng và quốc tế nói chung. Mình tự hào là người con đất Việt”.

Tuy nhiên, không hẳn tất cả người trẻ đều có lòng yêu nước hoặc có cơ hội để thể hiện lòng yêu nước. Có lẽ ai cũng sẽ cảm thấy đau đớn và thậm chí xấu hổ, thậm chí cảm thấy mình bị tổn thương khi đọc được một dòng tin đâu đó về việc một người trẻ tham gia vào đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài, một người trẻ có hành vi làm xấu đi hình ảnh con người Việt Nam trong mắt cộng đồng thế giới... Tôi muốn gọi đó là những đứa con lầm lạc. Tất nhiên, đó là một phía khác của cuộc sống.

Đôi khi nhìn thấy, nghe được những đóng góp của người trẻ, trong tôi chợt văng vẳng câu thơ của Chế Lan Viên trong bài "Sao chiến thắng”:

Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt

Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng...

Mới nhất
x
x
Yêu nước theo cách của người trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO