Ám ảnh những cái chết thương tâm trên sông Đào Nghệ An

Tiến Đông - Văn Trường

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
(Baonghean.vn) - Không phải đến khi cháu Nguyễn Bá Quang Huy (xóm Chùa Thàng, xã Liên Thành, Yên Thành), bị đuối nước thương tâm vào ngày 17/1/2021 vừa qua thì dư luận mới giật mình về sự nguy hiểm dọc mái sông Đào.
Những cái chết thương tâm
Trở lại Yên Thành mấy ngày sau cái chết thương tâm của cháu Nguyễn Bá Quang Huy - 9 tuổi, con anh Nguyễn Bá Tình, chị Thái Thị Liên, trú tại xóm Chùa Thàng, xã Liên Thành (Yên Thành).
Tại đây, người dân địa phương vẫn chưa hết bàng hoàng. Nhiều người còn đặt câu hỏi, tại sao khi thiết kế xây dựng mái kè taluy bằng bê tông, người ta không lường trước được những nguy hiểm có thể xảy ra đối với con người và vật nuôi nếu rơi xuống, để có những giải pháp an toàn? Và nếu như có điểm bấu víu thì cháu Huy đã không chết. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho cái chết thương tâm của cháu?...
Sau khi lấy nước từ Bara Đô Lương, sông Đào chảy xuống các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, theo thiết kế lưu lượng nước đổ về đạt 30m3/s. Ảnh: Tiến Đông
Hai bên bờ sông Đào đoạn qua huyện Yên Thành là đường dân sinh, không hề có hệ thống bảo vệ nào. Ảnh: Tiến Đông
Theo quan sát, dọc sông Đào, hai bên mái được bạt taluy và lát bê tông có độ dốc lớn, sau một thời gian dài sử dụng, mái taluy đã mọc rêu xanh, rất trơn trượt. Cách tầm 600m mới có một bến lên xuống, riêng các điểm cứu sinh thì hầu như không có. Chính vì thế, nếu chẳng may rơi xuống nước, ngay cả khi biết bơi thì cũng rất khó lên được. 
Ông Thái Văn Giang, xóm 10 (xã Liên Thành, Yên Thành), bức xúc cho biết, hầu như năm nào trên sông Đào cũng có người chết đuối, có những trường hợp rất thương tâm do đi trên đường trơn trượt rồi ngã xuống, vì không có chỗ bám lên nên kiệt sức mà chết. 
Ông Nguyễn Văn Canh, cùng trú tại xóm 10, xã Liên Thành thì nói rằng, đến bao giờ thì người ta mới lắp đặt các hệ thống bảo vệ cũng như các điểm cứu sinh trên mái kênh?
Những vết cào cấu lên mái bê tông sông Đào cho thấy sự cố gắng đến cùng cực của cháu Huy nhưng vẫn không thể thoát lên được. Ảnh: Bá Nhuận
Những vết cào cấu lên mái bê tông sông Đào cho thấy sự cố gắng đến cùng cực của cháu Huy nhưng vẫn không thể thoát lên được khỏi lòng kênh lạnh lẽo. Hình ảnh được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội càng khiến nhiều người xót xa. Ảnh: Bá Nhuận

Ông Phạm Ngọc Tư, xóm trưởng xóm Chùa Thàng, dẫn chúng tôi ra đoạn sông mà cháu Huy vừa bị đuối nước. Ông Tư chỉ cho chúng tôi xem những vết cào cấu khi cháu Huy cố gắng trèo lên bờ mà buông tiếng thở dài “giá như có những dây xích hoặc móc sắt ở đoạn này thì cháu đã không chết. Xót xa quá”.

Ông Tư cũng cho biết, hàng năm đoạn sông này đều có người bị đuối nước. Người dân đã từng kiến nghị phải lắp các móc sắt để có thể bám lên mái taluy, nhưng không được thực hiện. Khi hỏi một số công nhân thi công đoạn kè mái sông thì được trả lời là do thiết kế không có, và họ cũng chỉ là đơn vị thi công nên không biết. 

Nhiều người cho rằng, cần phải lắp đặt thêm các móc sắt, điểm phao cứu sinh dọc hai bên bờ sông để nếu như có ai không may rơi xuống thì vẫn có thể bám lên được. Ảnh: Tiến Đông
Ông Tư cho rằng cần phải lắp đặt thêm các móc sắt, điểm phao cứu sinh dọc hai bên bờ sông để nếu như có ai không may rơi xuống thì vẫn có thể bám lên được. Ảnh: Tiến Đông

Qua trao đổi, Chủ tịch UBND xã Tăng Thành, xã Liên Thành đều cho rằng năm nào cũng có người đuối nước, kể cả người biết bơi. Việc làm kè mái sông bằng bê tông chống sạt lở, thất thoát nước, giúp lưu lượng nước chảy nhanh hơn, nhưng cần thiết phải có nhiều bậc lên xuống hoặc lan can, giúp con người, trâu bò khi rơi xuống còn có chỗ để lên. Ngoài ra còn thuận tiện để lên xuống khi dọn rác, nạo vét lòng kênh. 

Ông Trần Văn Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Nhằm phòng tránh đuối nước, trên địa bàn thời gian qua chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo các tổ chức như đoàn thanh niên, tiến hành cắm các biển cảnh báo. Tuy nhiên, ở những điểm mật độ người dân qua lại đông, các bến lên xuống, đề nghị đơn vị quản lý cần phải lắp đặt thêm các lan can, các phương tiện cứu sinh, cứu hộ để khi chẳng may có người đuối nước sẽ được ứng cứu kịp thời.

Cần có giải pháp cứu hộ, cứu nạn

Ông Phan Văn Long- Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thành cho biết: Kênh Đào ba ra Đô Lương đi qua địa bàn thị trấn Yên Thành với chiều dài gần 1,5 km, đi qua một số khu dân cư nên tuyến đường bờ kênh mật độ người tham gia rất đông. Trước thực trạng nguy hiểm của bờ kênh, người dân và chính quyền địa phương đã có ý kiến với huyện Yên Thành, xin được 100 m dự án nên làm 1 bến rửa cho bà con. Bến rửa còn là nơi cứu hộ, cứu nạn khi có người lỡ chân rơi xuống sông có thể thuận tiện bơi vào lên bờ. Tuy nhiên cả gần 1,5km bờ kênh chỉ làm được 1 bến rửa chiều dài 3 mét, sâu 8 bậc.

"Nên chăng dự án kè kênh Đào ba ra Đô Lương cần xây dựng thêm các hạng mục như cứ khoảng 100 mét cho đóng neo thả phao, để khi gặp sự cố người dân có thể níu phao để vào bờ an toàn"- ông Long đề nghị.

Lực lượng cứu hộ phải đề xuất phương án đóng nước sông Đào để tiến hành rà khắp lòng sông tìm kiếm thi thể cháu Huy. Hình ảnh sông Đào khi cạn nước cho thấy, hai bên bờ được đổ bê tông rất dốc, rêu mốc bám đầy, trơn trượt. Ảnh: CTV
Lực lượng cứu hộ phải đề xuất phương án đóng nước sông Đào để tiến hành rà khắp lòng sông tìm kiếm thi thể cháu Huy. Hình ảnh sông Đào khi cạn nước cho thấy, hai bên bờ được đổ bê tông rất dốc, rêu mốc bám đầy, trơn trượt. Ảnh: CTV

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết thêm: Trước khi xây dựng dự án kênh tưới ba ra Đô Lương, các địa phương có kênh này đi qua đã khảo sát và trình lên cấp trên số lượng bến rửa. Qua đó, kênh ba ra Đô Lương đi qua huyện Yên Thành trên trên 30 km được xây dựng 43 bến rửa 2 bên dọc kênh. Để đảm bảo an toàn, huyện Yên Thành đang tiếp tục cho các xã rà soát, đề xuất nếu cần xây dựng thêm các bến rửa, huyện Yên Thành sẽ trình lên Sở Nông nghiệp và PTNT để xem xét.

Được biết, Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt  đầu tư tại Quyết định số 1929/QĐ.BNN-TCTL ngày 14/8/2012 với tổng mức đầu tư trên 5.705 tỷ đồng, vay vốn ODA Nhật Bản (JICA). Riêng gói thầu kè kênh Đào ba ra Đô Lương có trị giá 700 tỷ đồng, được xây dựng từ năm 2019, theo hợp đồng kết thúc vào năm 2021. Theo thiết kế bờ kênh kè hình thang lát mái, chiều dài kênh 56 km đi qua 5 địa phương gồm Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai. Tính đến thời điểm này dự án đã hoàn thành được trên 70% tiến độ.

Hiện tại mái kênh chính đang được sửa chữa, tuy nhiên việc lắp đặt thêm các thiết bị cứu sinh, mở thêm các bến lên xuống đòi hỏi phải được cơ quan chức năng cho phép và có trong thiết kế. Ảnh: Tiến Đông
Hiện tại hai bên mái kênh chính đang được sửa chữa, tuy nhiên việc lắp đặt thêm các thiết bị cứu sinh, mở thêm các bến lên xuống đòi hỏi phải có trong thiết kế và được cơ quan chức năng cho phép. Ảnh: Tiến Đông

Trao đổi về những bất cập hiện nay, đại diện BQL dự án Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trước khi thi công kênh ba ra Đô Lương, người dân và các địa phương đã có kiến nghị với dự án là xây dựng các bến rửa trên tuyến kênh để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Dự án này được triển khai theo thiết kế, giám sát của Nhật Bản, cứ khoảng 500 mét là có 1 bến rửa, các điểm qua cầu đều có bến rửa, không thể xây dựng bến rửa với mật độ dày hơn bởi liên quan đến thiết kế và dòng chảy của kênh. Còn vấn đề xây dựng thêm các hạng mục để bảo đảm an toàn cho người dân khi lưu thông trên tuyến kênh nay thì đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, phải được sự đồng ý của phía Nhật Bản …

Sông Đào được xây dựng từ năm 1930, nối từ Bara Đô Lương dẫn nước cung cấp cho các cánh đồng trên địa bàn huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Hệ thống này có tổng chiều dài khoảng 300 km tính từ kênh chính đến kênh cấp 3. Trong đó, kênh chính từ Bara Đô Lương đến xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu), có chiều dài 56km, cùng các hệ thống kênh phụ như: Kênh N2 nối từ kênh chính đoạn qua xã Lý Thành (Yên Thành), đến xã Diễn Cát (Diễn Châu), dài 19km; kênh N8 dài 12km, từ khu vực Thị trấn Yên Thành đến xã Diễn Đồng (Diễn Châu); hay kênh N13 nối khu vực Yên Lý (Diễn Châu) ra tưới tiêu cho khu vực Quỳnh Lưu… 

tin mới

Bước chuyển mình ở vùng đất khó Thanh Tùng

Bước chuyển mình ở vùng đất khó Thanh Tùng

(Baonghean.vn)- Những ngày tháng 4 lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương vui mừng chào đón sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày thành lập xã. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi dịp này, xã Thanh Tùng được đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

Nghệ An trồng thử nghiệm giống sắn mới kháng bệnh khảm lá

(Baonghean.vn) - Trong những năm gần đây, bệnh khảm lá sắn bùng phát và lan ra diện rộng khiến năng suất, chất lượng sắn giảm sút, người dân thất thu và nhà máy thì “đói nguyên liệu”. Hiện giải pháp tìm giống sắn mới kháng bệnh thay thế đang được triển khai ở các địa phương trong tỉnh.

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.