Bản Mông, bản Thái giàu đẹp nhờ dân vận khéo
(Baonghean.vn) - Thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Dân vận khéo việc gì cũng thành công”, những năm qua, huyện Tương Dương đã bằng nhiều giải pháp để thúc đẩy phong trào dân vận khéo đi vào thiết thực, hiệu quả. Từ đây xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay của cộng đồng người Mông, người Thái… Nhiều bản làng trở nên khang trang, đẹp đẽ, đời sống người dân vùng cao được cải thiện nhờ dân vận khéo.
Mô hình trồng cây chanh leo trên núi cao ở bản Phà lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Đào Tuấn |
Dân bản được bàn, được làm và được hưởng lợi
Về bản Lưu Thông vào những ngày đầu Xuân mới, cảm nhận sự đổi thay ở bản Mông duy nhất của xã Lưu Kiền. Con đường bê tông từ đầu bản đến các ngõ sạch sẽ, những ngôi nhà lúc nào cũng tinh tươm. Sắc xuân mới còn được điểm tô bằng những cành mận, đào bắt đầu ra trái non.
Khi được hỏi về sự đổi thay của bản, đồng chí Thò Bá Chò – Bí thư Chi bộ, kiêm Tổ trưởng Tổ dân vận bản Lưu Thông tự hào: “Khi huyện, xã có công văn hướng dẫn thực hiện xây dựng các mô hình điểm sáng về công tác dân vận, cấp ủy, ban quản lý bản và các thành viên trong tổ dân vận họp bàn và mạnh dạn đăng ký xây dựng đường vào khu sản xuất mới.
Các thành viên đã phân công nhau tuyên truyền với bà con, vận động từ hội nghị cho đến từng gia đình; mọi việc làm đều làm cho dân nên bà con được bàn, được làm, được kiểm tra và được hưởng lợi. Đến nay bản đã có con đường đẹp với chiều dài 500m dẫn vào khu sản xuất, chăn nuôi, nơi có 48 hộ tham gia sản xuất trên diện tích 85ha. Tại đây bà con chủ yếu trồng bí xanh, khoai sọ, gừng, chuối lấy lá, nuôi cá ao. Vừa qua người dân rất phấn khởi khi các loại rau màu được mùa”.
Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, một trong những mô hình dân vận khéo ở xã biên giới Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: May Huyền |
Cách bản Lưu Thông không xa, mùa này đến các bản Đình Phong, Đình Tiến của xã Tam Đình, những lồng đầy cá đang độ phát triển, hứa hẹn một vụ mới thành công. Đồng chí Lô Văn Lý – Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối dân vận xã Tam Đình phấn khởi cho biết, Tam Đình là một trong những xã về đích nông thôn mới, tuy nhiên xã vẫn còn nhiều khó khăn. Do địa hình, khí hậu, lại là xã nằm trong khu vực hành lang lòng hồ thủy điện Khe Bố nên diện tích canh tác thường bị hạn hán, lụt lội. Trước khó khăn đó, xã đã mạnh dạn đưa Đề án nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện vào triển khai.
Thời gian đầu, do chưa quen với việc áp dụng khoa học kỹ thuật nên cá phát triển chậm, người dân chán nản, muốn bỏ cuộc. Cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là các thành viên trong khối dân vận của xã đã phối hợp các ban ngành, đoàn thể cùng bàn, cùng làm với dân. Dần dần bà con đã ý thức được việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào đầu tư nuôi cá. Để có nguồn thức ăn cho cá, các thành viên đến từng hộ, hướng dẫn bà con trồng cỏ, ngô, sắn làm thức ăn cho cá. Đến nay toàn xã đã thành lập được Hợp tác xã nuôi cá lồng với 16 hộ tham gia nuôi và 126 lồng.
Người dân bản Liên Hương, xã Tam Quang (Tương Dương) gùi vật liệu xây dựng làm đường nông thôn mới. Ảnh: Hồ Phương |
Lan tỏa hàng trăm mô hình dân vận giỏi
Những ngày đầu Xuân này, đến với các bản làng, ở 17 xã, thị trấn của huyện Tương Dương, nơi có 306 mô hình dân vận khéo đã và đang phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực mới cảm nhận được sự lan tỏa của các mô hình đối với đời sống của người dân vùng cao này.
Nụ cười hiện rõ trên từng khuôn mặt của nhiều người dân khi cuộc sống trở nên đầy đủ hơn, con cái được học hành, cuộc sống từng bước đổi thay. Để có được kết quả này, thời gian qua, huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tại các làng, bản, vận dụng và phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ đó dễ dàng hơn trong việc “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin".
Đồng bào Thái ở bản Tân Hương, xã Tam Quang (Tương Dương) làm đường bê tông. Ảnh: Hồ Phương |
Trong tổng số 15 mô hình điểm sáng được triển khai trong năm 2020, có những mô hình tiêu biểu như: Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm buôn bán người ở bản Tam Bông, xã Tam Quang; mô hình Phòng chống di dịch cư trái pháp luật của đồng bào Mông ở bản Hợp Thành, xã Xá Lượng, hay mô hình Phòng chống truyền đạo trái pháp luật tại bản Phá Lõm, xã Tam Hợp.
Các mô hình nói trên đã phát huy hiệu quả, với nhiều đơn thư tố giác các loại tội phạm, giúp cơ quan chức năng kịp thời giải quyết các vụ việc phức tạp. Bên cạnh đó, các mô hình còn vận động được người dân ổn canh, ổn cư, không di dịch cư trái pháp luật. Ngoài ra còn có các mô hình dân vận khéo phát huy rất tốt hiệu quả như: chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở bản Na Lợt, xã biên giới Nhôn Mai; thực hiện tốt Quy chế chăn nuôi ở các xã Yên Na, Yên Hòa và thị trấn Thạch Giám.
Người dân xã Tam Quang (Tương Dương) mở rộng hành lang giao thông. Ảnh: Đào Tuấn |
Ông Lương Bá Vin - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tương Dương cho biết: “Huyện xác định, sự đồng thuận cao của đồng bào các dân tộc sẽ là điều kiện quan trọng, hàng đầu để xây dựng địa phương ngày càng phát triển về mọi mặt. Do vậy, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Tương Dương đã coi công tác dân vận là việc làm hết sức quan trọng và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện tích cực thực hiện tốt công tác này. Chú trọng các hình thức tuyên truyền vận động đều phải gắn với các phong trào thi đua yêu nước, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; nhất là Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) được xây dựng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng”.
Cũng từ sự lan tỏa của các mô hình dân vận khéo đã góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo an sinh xã hội của huyện Tương Dương. Huyện đã thăm và tặng quà hơn 5.800 hộ nghèo, cận nghèo, 1.326 người có công, bảo trợ xã hội, với số tiền hơn 3,86 tỷ đồng.
Đặc biệt, phong trào dân vận phát huy hiệu quả tích cực trong hoạt động phòng chống đại dịch Covid-19; vận động Nhân dân quyên góp ủng hộ đồng bào trong tỉnh và các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do thiên tai. Điều này đã khẳng định, sự lan tỏa từ các mô hình dân vận khéo không chỉ góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội mà còn tạo điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.