Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi
(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.
Bà Nguyễn Thị Kỷ bị đau nhiều ở bàn chân và các đầu ngón chân phải. Cách đây 2 tháng, bà nhập viện điều trị tại bệnh viện lớn, tuy nhiên vì tình trạng tổn thương mạch máu phức tạp và có bệnh lý nền nặng nề (hở van động mạch chủ rất nặng, suy tim độ 3) nên bác sĩ tư vấn chỉ điều trị thuốc giảm đau và không thể tiến hành phẫu thuật.
Tuy nhiên, đến ngày 1/4, bệnh nhân đau nhiều và kèm theo dấu hiệu hoại tử ngón 2 chân và có nguy cơ lan lên bàn chân bên phải. Bệnh diễn biến nặng, những cơn đau hành hạ khiến bà không thể chợp mắt; mất ngủ thường xuyên khiến sức khỏe giảm sút nhiều. Gia đình quyết định đưa bà nhập viện vào Bệnh viện ĐKTP Vinh để hy vọng bác sĩ có thể cứu được chân cho bà và chấp nhận trong trường hợp xấu nhất sẽ cắt bỏ chân phải; giúp bà thoát khỏi cơn đau.
Tại bệnh viện, bà được Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Đình Giang - Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp 01, chuyên gia về phẫu thuật và can thiệp mạch máu trực tiếp thăm khám và được chỉ định chụp cắt lớp vi tính 256 lát cắt, dựng hình toàn bộ hệ mạch máu 2 chi dưới. Khoa còn tiến hành hội chẩn bệnh lý tim với bác sĩ chuyên gia tim mạch của bệnh viện. Người bệnh được chẩn đoán: tắc hoàn toàn động mạch đùi và hệ động mạch dưới gối chân phải/ hở van động mạch chủ rất nặng - Suy tim độ 3.
Sau khi nghiên cứu kỹ tình trạng tổn thương mạch máu của người bệnh, bác sĩ Nguyễn Đình Giang đã đưa ra phương án điều trị tối ưu, để giữ lại bàn chân cho cụ bà.
Theo đó, ekip các y, bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp 01, do bác sĩ Nguyễn Đình Giang – Phó trưởng khoa, bác sĩ Đậu Thiên Hoàng và bác sĩ Hoàng Thành Sơn trực tiếp tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Đình Giang cho biết: “Với các trường hợp bình thường có thể dùng tĩnh mạch hiển của người bệnh để bắc cầu nối xa đùi- chày sau đoạn bàn chân. Tuy nhiên, trường hợp bà Kỷ hệ tĩnh mạch nông bị xơ teo, dị dạng ở đoạn cẳng chân nên không sử dụng làm vật liệu khâu nối được. Vì vậy, chúng tôi dùng mạch máu nhân tạo PTFE có vòng xoắn để đưa máu từ trên đùi xuống bàn chân của người bệnh. Đây là trường hợp bị tổn thương phức tạp, nếu không phẫu thuật kịp thời thì hoại tử sẽ lan lên toàn bộ bàn chân và phải cắt cụt chân.
Tại Bệnh viện ĐKTP Vinh, với hệ thống phòng mổ quy chuẩn, trang thiết bị y tế hiện đại đáp ứng đầy đủ cho những ca mổ vô khuẩn và đòi hỏi kỹ thuật cao, cùng với đội ngũ chuyên môn được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm và sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa; cho phép thực hiện kỹ thuật phức tạp, khâu nối chính xác được các mạch máu nhỏ và các bó sợi thần kinh.
Nhờ đó, sau gần 3 giờ, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. May mắn trong trường hợp của người bệnh là các động mạch ở 2 chân giãn lớn hơn bình thường nên việc khâu ghép với mạch máu nhân tạo khá phù hợp và thuận lợi. Sau mổ mạch máu vùng gan chân bên phải đập rõ, các đầu ngón chân có dấu hiệu hồng trở lại, da ấm hơn rõ rệt so với chân trái”.
Sau mổ sức khỏe bệnh nhân cải thiện rõ rệt, bà đã có thể ngủ trọn giấc ngon lành sau hơn 1 tháng thức trắng vì những cơn đau khủng khiếp hành hạ, đồng thời đi lại, vận động được.
Bà Kỷ vui mừng chia sẻ: "Sau thời gian dài chịu đựng bệnh tật, tưởng không chữa khỏi, tôi may mắn được các bác sĩ Bệnh viện ĐKTP Vinh tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả. Sau khi được phẫu thuật bệnh của tôi tiến triển hơn nhiều. Tôi biết ơn các bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện nhiều lắm, nhờ được chăm sóc tận tình, chu đáo mà sức khỏe tôi hồi phục tốt và đôi chân tôi được phục hồi kỳ diệu”.
Niềm vui bình phục của người bệnh đã tiếp thêm năng lượng tích cực để đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế bệnh viện không ngừng tiếp tục nỗ lực nâng cao chuyên môn, chăm sóc sức khỏe người dân ngày một tốt hơn./.