Cận cảnh khu nhà ở bán trú của học sinh một xã vùng biên ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Không có nhà ở bán trú, vì vậy, học sinh Trường Tiểu học Mai Sơn, xã biên giới Mai Sơn, huyện rẻo cao Tương Dương phải ở tạm trong nhà kho để học con chữ.
Xã Mai Sơn, huyện Tương Dương là xã biên giới, có diện tích khá rộng, địa hình bị chia cắt, phân tán thành các vùng khác nhau, nhiều điểm dân cư nhỏ lẻ, giao thông bị chia cắt… Chính vì vậy, hệ thống trường học cũng bị ảnh hưởng rất lớn, dẫn đến việc manh mún trong việc quy hoạch các điểm trường. Theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các môn Ngoại ngữ, Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3, 4, 5. Với quy mô trường lớp của cấp tiểu học như hiện nay thì việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, việc bố trí đủ giáo viên dạy 2 môn này ở tất cả các điểm trường trong điều kiện hiện nay là không thể thực hiện được. Trước thực tế đó, Trường Tiểu học Mai Sơn đã phải tổ chức gom học sinh về điểm chính để triển khai học bán trú. Trong ảnh là quang cảnh phía ngoài chỗ ở bán trú của học sinh tiểu học Mai Sơn. Ảnh: Đình Tuân |
Do cơ sở vật chất thiếu thốn trầm trọng, đặc biệt là nơi ăn ở cho học sinh, trường đã phải trưng dụng nhà kho để hàng hóa của một gia đình ở gần khu vực trường, rồi cải tạo làm chỗ ở cho các em ở điểm lẻ về. Diện tích nhà kho này khoảng 63m2, đây là nơi ở của gần 100 em học sinh. Đa số các em đều là con em của những gia đình nghèo đồng bào dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, Khơ mú. Ảnh: Đình Tuân |
Do diện tích hẹp, để đủ chỗ nằm cho học sinh, giáo viên nhà trường đã tận dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương làm giường tầng cho học sinh nằm. Khung được làm bằng gỗ, mét được dùng làm sạp. Ảnh: Đình Tuân |
Chỉ một chưa đầy một nửa học sinh được nằm giường tầng theo đúng quy chuẩn. Ảnh: Đình Tuân |
Em Moong Thanh Tùng (dân tộc Khơ Mú), học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Mai Sơn chia sẻ: “Nhà cháu ở bản Chà Lò, để đến đường trường cháu phải đi bộ hơn 3 giờ đồng hồ. Để không bị chậm học nên cháu ở bán trú tại trường, ở đây cháu được các thầy cô thường xuyên quan tâm, động viên”. Ảnh: Đình Tuân |
Để vừa gần gũi quan tâm, động viên, chăm sóc vừa quản lý học sinh, nhà trường bố trí giáo viên ở cùng với học sinh. Ảnh: Đình Tuân |
Thầy giáo Nguyễn Đình Tuấn, chia sẻ: “Ngày mới đến ở đây, cứ đêm đến các em thường hay khóc vì nhớ nhà, nhất là các em lớp 1. Để giúp các em vơi đi nỗi nhớ nhà chúng tôi thường xuyên gần gũi, động viên, chuyện trò với các em. Nhờ vậy, các em cũng dần quen với môi trường sống xa gia đình. Đêm nào cũng vậy khi các em ngủ say, các thầy mới bắt đầu soạn bài”. Ảnh: Đình Tuân |
Là xã biên giới, nên thời tiết khắc nghiệt. Mùa đông trời lạnh thấu da, thấu thịt. Sợ học sinh tắm nước khe sẽ bị ốm, nhà trường đã trích tiền mua hệ thống nóng lạnh bằng năng lượng mặt trời cho học sinh. Thầy Đào Văn Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện tại cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn rất nhiều. Cụ thể như: hệ thống tích nước sinh hoạt, nhà ăn, phòng học…Trong khi kinh phí của nhà trường lại hạn hẹp, mong muốn các tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ để học sinh vùng biên vơi bớt khó khăn ”. Ảnh: Đình Tuân |