Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt chuẩn bị vận hành chính thức
Ông Giáp Văn Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Thành Hưng – doanh nghiệp dự án cho biết, dự kiến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt sẽ thu phí trong tháng 11/2024. Tuy nhiên, thời điểm chính thức thu phí phụ thuộc vào việc nghiệm thu của Bộ Giao thông vận tải và được Bộ này phê duyệt.
Sản lượng các gói thầu đạt 100%
Dự án cao tốc đường bộ Diễn Châu – Bãi Vọt có tổng mức đầu tư 11.157,82 tỷ đồng, trong đó vốn BOT xấp xỉ 4.461,80 tỷ đồng. Tuyến do liên danh các nhà thầu thi công gồm: Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2. Tổng chiều dài tuyến là 49,3km, đi qua địa phận các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An (44,4km) và huyện Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh (4,9km).
Đến nay, lũy kế sản lượng của dự án đạt 8.595,1/8.595 tỷ đồng (bằng 100% hợp đồng) và phát sinh ngoài hợp đồng 73 tỷ đồng (tạm tính). Cụ thể có 4 gói thầu xây lắp đã hoàn thành 100% giá trị. Doanh nghiệp dự án đã giải ngân dự án 8.062,402 tỷ đồng.
Dự án đã hoàn thành toàn bộ tuyến chính và từ ngày 30/6/2024, đường đã vận hành tạm thời. Tuy nhiên, hiện trường vẫn còn một số hạng mục phát sinh do địa phương yêu cầu ngoài hợp đồng. Doanh nghiệp đã phối hợp các bên để xử lý. Doanh nghiệp dự án cũng đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường cao tốc, Cục Quản lý đầu tư xây dựng và Ban Quản lý dự án 6 để hoàn thiện hồ sơ, phụ lục hợp đồng BOT.
Chuẩn bị chu đáo các điều kiện vận hành chính thức
Ông Giáp Văn Bình - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phúc Thành Hưng - doanh nghiệp dự án, cho biết: Trước khi vào thu phí, Bộ Giao thông vận tải sẽ ban hành quyết định cho phép. Thời điểm này, đơn vị tiếp tục thực hiện công tác bảo trì, duy tu, vận hành đối với tuyến chính đã thông xe từ 30/6/2024.
Đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn trả và khắc phục những tồn tại do quá trình thi công các nhà thầu làm ảnh hưởng. Bên cạnh đó, hoàn thiện các thủ tục, báo cáo để tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng và làm các thủ tục đưa dự án vào thu phí chính thức; triển khai kế hoạch bàn giao cho địa phương và Cục Đường bộ Việt Nam đối với các cầu vượt ngang và hầm chui dân sinh, đường ngang...
Doanh nghiệp dự án cũng đã ký hợp đồng giám sát thi công lắp đặt, vận hành với các đơn vị: Thuê tư vấn giám sát là Liên doanh Viện khoa học và công nghệ GTVT, Công ty CP Tư vấn thiết kế Cầu Lớn Hầm, Công ty Tư vấn 6 Nghệ An để giám sát theo từng đoạn. Ký hợp đồng với đơn vị trực chốt lên xuống, tuần đường, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh trên tuyến như hàng hóa rơi vãi, tai nạn giao thông phục vụ công tác an toàn và bảo vệ tài sản…
Tuy chưa thu được phí, nhưng 6 tháng qua, chi phí thuê đảm bảo an toàn tuyến đã lên đến gần 500 triệu đồng/tháng. Đơn vị cũng tập trung đầu tư, lắp đặt hệ thống trạm thu phí với các phương tiện, máy móc hiện đại đảm bảo thu phí không dừng đối với các phương tiện khi đi qua cao tốc.
Các công tác thủ tục, nghiệm thu, chạy thử đạt yêu cầu mới tiến hành thu phí. Mức giá thu phí đã được ký hợp đồng với Bộ Giao thông vận tải trước khi thi công theo từng giai đoạn.
Ông Giáp Văn Bình cũng lưu ý, các phương tiện khi lên cao tốc phải mua thẻ thu phí không dừng, các trạm thu phí hiện không thu tiền mặt, phương tiện nào chưa mua thẻ trả phí không dừng sẽ không đi đường cao tốc do đã có quy định của Nghị định số 32/2014/NĐ – CP.
Theo đó, các phương tiện phải dán thẻ thu phí không dừng lên kính xe để khi đi qua trạm quét, xử lý được thông tin nhằm cho phương tiện lưu thông thuận lợi. Việc thu tiền dịch vụ sử dụng và khai thác các công trình đường cao tốc đã được quy định: Từ ngày 15/7/2023, đối với đường cao tốc được thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng (ETC). Người dân có thể dán thẻ thu phí tự động tại các trạm thu phí, tại các đại lý, hoặc tự dán thẻ thu phí không dừng tại nhà.
Cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt thu phí trong thời gian 16 năm 6 tháng tính từ thời điểm cơ quan chức năng cho phép thu phí. Theo các nhà thầu thi công cho biết, trước đây, do ít sự lựa chọn khi lưu thông nên một số tuyến BOT thường bị người dân phản ứng không nộp phí do trạm phí lắp trên các tuyến đường cũ. Nay người dân và các phương tiện có nhiều sự lựa chọn, nếu không đi cao tốc thì người dân và các phương tiện vẫn có thể đi đường cũ với các ngã rẽ được hướng dẫn trên bảng chỉ dẫn.
Bộ Giao thông vận tải cho biết: Trong thời gian chờ các trạm dừng nghỉ hoàn thiện công tác đầu tư đưa vào khai thác, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai tổ chức 8 điểm dừng nghỉ tạm dọc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông chưa có trạm dừng nghỉ. Trong đó, đoạn từ Hà Nội đến Vinh, bên cạnh 2 trạm dừng nghỉ đang khai thác đoạn Hà Nội - Ninh Bình, đã bố trí 3 trạm tạm đoạn từ Mai Sơn (tỉnh Ninh Bình) đến Vinh (Nghệ An); đoạn từ TP.HCM đi Nha Trang bố trí 5 trạm tạm, gồm 3 trạm tạm theo hướng từ Nha Trang đi TP.HCM và 2 trạm tạm theo hướng từ TP.HCM đi Nha Trang.