Cập nhật mới nhất thiệt hại do bão số 3: Đã ghi nhận 296 người chết, mất tích
Tính đến 9h sáng nay (11/9), số người chết và mất tích đã tăng lên con số 201. Mức lũ sông Hồng trên báo động 2, người dân ngoài đê Hà Nội hối hả chạy lụt; Nỗi đau tột cùng của người cha Lào Cai mất 3 con nhỏ.
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, các địa phương đã thống kê bước đầu một số thiệt hại tính đến 13 giờ 30 phút ngày 11/9/2024: Có 296 người chết, mất tích (155 người chết, 141 người mất tích); tăng 4 người chết, mất tích (tại tỉnh Yên Bái) so với báo cáo lúc 11 giờ ngày 11/9.
Cụ thể, Lào Cai: 155 người (53 người chết, 102 người mất tích), gồm: Bảo Yên 109, Sa Pa 8, Bát Xát 13, Si Ma Cai 7, Bắc Hà 15, Văn Bàn 2. Cao Bằng: 52 người tại huyện Nguyên Bình (29 người chết, 23 người mất tích).
Yên Bái: 44 người (40 người chết, 4 người mất tích), gồm: thành phố Yên Bái 21, Lục Yên: 14, Văn Yên 6, Văn Chấn 1, Trấn Yên 2.
Quảng Ninh: 13 người chết (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người). Hải Phòng: 2 người chết do bão. Hải Dương: 1 người chết do bão.
Hà Nội: 1 người chết do bão.
Hòa Bình: 5 người chết do sạt lở đất.
Lạng Sơn: 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất.
Bắc Giang: 2 người chết do lũ cuốn.
Tuyên Quang: 3 người do lũ (2 người chết, 1 người mất tích).
Hà Giang: 2 người (1 người chết; 1 người mất tích).
Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất.
Vĩnh Phúc: 2 người (1 chết, 1 người mất tích do lật thuyền).
Phú Thọ: 10 người (8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người mất tích do lũ; 1 người chết do sạt lở đất).
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức báo động 3; tại Phú Thọ sẽ xuống dưới mức báo động 2, lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 3, lũ trên sông Cầu tiếp tục lên và ở trên mức báo động 3; lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3, lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức báo động 2, lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên mức báo động 3; lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức báo động 3; lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh vào trưa 11/9, trên mức báo động 2 và dưới báo động 3.
Trong 12- 24 giờ tiếp theo lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức báo động 2; tại Phú Thọ xuống mức báo động 1; lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 2; lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3; lũ trên sông Thương biến đổi chậm ở trên mức báo động 3; lũ trên sông Lục Nam biến đổi chậm ở trên mức báo động 2; lũ trên sông Thái Bình biến đổi chậm ở trên mức báo động 3, lũ trên sông Hoàng Long sẽ xuống chậm ở mức báo động 3; lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm và ở dưới mức báo động 2.
Cảnh báo, trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng- Thái Bình lên mức báo động 3 và trên báo động 3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng-Thái Bình.
Lũ trên sông Hồng trên báo động 2
Mức lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đang trên báo động 2, sẽ đạt đỉnh vào trưa nay. Người dân Hà Nội ở khu vực ngoài đê khẩn cấp chạy lụt, di chuyển tới nơi an toàn.
Tại huyện Chương Mỹ, nước sông Bùi tràn qua đê khiến nhiều nơi bị ngập rất sâu.
Lãnh đạo Công an huyện Chương Mỹ trực tiếp xuống các xã ngập nặng để kêu gọi nhân dân đi sơ tán. Về cơ bản các xã đã đưa người dân đến vùng an toàn.
Trận lũ quét kinh hoàng ập đến ngày 10/9 khi những đứa trẻ ngủ chưa tròn giấc, người lớn chưa kịp ra đồng... Không khí đau thương bao trùm cả bản làng nhỏ bé định cư lâu đời, nay ngổn ngang giữa dòng lũ dữ.
Sáng 11/9, một ngày sau vụ lũ quét kinh hoàng vùi lấp cả thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai), không khí tang thương bao trùm cả vùng quê nghèo.
Ngay đầu thôn Làng Nủ là những khuôn mặt thất thần của những người đi tìm người thân, những người xa lạ từ các thôn lân cận nghe tin đến cứu giúp cũng đỏ hoe mắt, dõi theo dòng nước, dòng bùn đất mà bất lực.
Có 5 người thân gặp nạn trong vụ lũ quét, anh Hoàng Văn Thới với gương mặt thất thần ngồi hướng ánh mắt về phía xa. Trận lũ quét này đã lấy đi những người mà anh yêu thương nhất là mẹ già, vợ và 3 đứa con nhỏ.
Người đàn ông trụ cột gia đình từng trải qua nhiều khó khăn này không thể kìm được nước mắt khi sự mất mát lần này là không gì bù đắp nổi. Ngồi bên thi thể 3 đứa con nhỏ, anh Thới không thể nói nên lời.
Cũng giống như anh Thới, với rất nhiều người dân ở thôn Làng Nủ, sau trận lũ quét kinh hoàng hôm 10/9, khó gì có thể bù đắp nổi những mất mát mà họ đã trải qua.
Tai họa ập đến khi những đứa trẻ nhỏ ngủ chưa tròn giấc, những người lớn chưa kịp ra đồng, những người già đang mong trời tạnh ráo để giúp con cháu dọn dẹp nhà cửa... Bản làng nhỏ bé định cư lâu đời, thuận hòa với thiên nhiên dưới chân núi Con Voi cứ thế mà biến mất theo dòng nước lũ.