Chiến binh IS không muốn hồi hương
(Baonghean) - Cái chết của sinh viên Otto Warmbier cùng động thái leo thang hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng đã khiến Washington thêm lo ngại, buộc phải ban hành lệnh cấm công dân nước mình đặt chân đến Triều Tiên để phòng trường hợp “đi dễ, về khó”.
Trong khi đó, các chiến binh ngoại của lực lượng IS lại đang bám trụ Syria, Iraq, không muốn hồi hương dù giấc mộng thành lập nhà nước riêng đang dần lụi tắt.
Chính quyền Trump vừa ra lệnh cấm công dân tới Triều Tiên sau cái chết của sinh viên Otto Warmbier. Ảnh Telegraph |
Mỹ cấm công dân tới Triều Tiên
Triều Tiên - quốc gia Đông Bắc Á đầy bí ẩn là nơi mà không ít người Mỹ ham khám phá muốn được đặt chân đến một lần. Tuy nhiên, sau cái chết đột ngột và nhiều uẩn khúc của cậu sinh viên Mỹ Otto Warmbier, Mỹ vừa ban hành lệnh cấm công dân nước này tới Triều Tiên.
Lệnh cấm có hiệu lực vào tháng tới. Cụ thể, ngày 21/7, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã quyết định áp đặt một “lệnh hạn chế đi lại về mặt địa lý” đối với Triều Tiên, trong bối cảnh Mỹ gia tăng quan ngại về các động thái thúc đẩy các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết: “Do các quan ngại đang tăng lên về rủi ro nghiêm trọng của việc bắt giữ và giam lỏng thời gian dài theo hệ thống hành pháp Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ đã ban hành một lệnh hạn chế đi lại về mặt địa lý, cấm toàn bộ công dân Mỹ sử dụng hộ chiếu để đi lại hoặc quá cảnh Triều Tiên.
Khó có thể đưa ra con số chính xác về số du khách Mỹ tới Triều Tiên, nhưng theo Simon Cockerell thuộc Tập đoàn Koryo - một trong những đơn vị hàng đầu tổ chức tour du lịch có hướng dẫn viên đến Triều Tiên, mỗi năm có khoảng 800-1.000 người Mỹ tới đây và sẽ thuộc diện ảnh hưởng bởi lệnh cấm mới chính thức có hiệu lực cuối tháng 8.
Đến khi đó, người Mỹ muốn tới Triều Tiên hợp pháp phải xin hộ chiếu đặc biệt do Bộ Ngoại giao cấp tùy từng trường hợp, nhằm “mục đích nhân đạo trong giới hạn nhất định hoặc các mục đích khác”. Và để tăng tính răn đe, bất kể công dân nào vi phạm quy định dù là lần đầu tiên đều có khả năng phải đối diện với án phạt tiền và 10 năm tù giam.
Cho đến nay, hầu hết các trường hợp công dân Mỹ tới Triều Tiên đều bình an vô sự trở về. Tuy nhiên, cá biệt có một số trường hợp bị bắt giữ, tuyên án vì phạm những tội danh mà phía Washington cho là không quá nặng. Theo ước tính, trong 1 thập niên qua, ít nhất 16 công dân Mỹ đã bị Bình Nhưỡng bắt giam.
Điều đáng chú ý là lệnh cấm được đưa ra khi chính quyền Trump tìm các cách hiệu quả hơn để tăng sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân. Vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa thành công mới đây của Bình Nhưỡng đã khiến tình hình thêm phần cấp bách, thôi thúc Mỹ tìm cách ngăn chặn trước khi Triều Tiên làm chủ quá trình phức tạp là phóng đầu đạn hạt nhân đủ khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Theo luật Mỹ, Ngoại trưởng có quyền yêu cầu hạn chế dùng hộ chiếu đi lại với các nước Mỹ đang giao tranh, khi các lực lượng thù địch đang triển khai vũ trang, hoặc khi có yếu tố nguy hiểm đối với sức khỏe và an ninh của người dân Mỹ. Tuy điều này từng có nhiều tiền lệ, nhưng lệnh cấm mới nhất vẫn vấp phải sự hoài nghi và phê phán của không ít người, nhất là các công ty lữ hành trực tiếp chịu ảnh hưởng.
Luồng quan điểm mà họ đưa ra là, lệnh cấm sẽ khiến sự can dự của Mỹ với Triều Tiên thụt lùi. Một siêu cường vốn thường xuyên chỉ trích Bình Nhưỡng theo chủ nghĩa cô lập, giờ đây vô hình trung đang hùn sức gia tăng sự cô lập ấy, khiến người ta đặt dấu hỏi về vai trò của cái gọi là “quyền lực mềm” của Washington.
Chỉ huy tối cao IS được cho là vẫn còn sống. |
Chiến binh ngoại của IS không muốn hồi hương
Trong khi đó, ở một điểm nóng khác của thế giới, khi ảo mộng về một “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng đang dần tan thành mây khói sau những thất bại liên tiếp, thay vì trở về nơi chôn nhau cắt rốn, các tay súng ngoại quốc của IS nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở lại “chảo lửa” Iraq và Syria, cố thủ với tàn tích còn sót lại của nhà nước tự xưng.
Nicholas Rasmussen - Giám đốc Trung tâm quốc gia chống khủng bố Mỹ cũng khẳng định điều này trong phát biểu mới đây tại diễn đàn an ninh thường niên Aspen: “Rất nhiều nếu không muốn nói là hầu hết các tay súng ngoại quốc từng tìm đường tới vùng xung đột rốt cuộc sẽ vẫn ở lại, chiến đấu và có thể là bỏ mạng để duy trì nhà nước Hồi giáo tự xưng”.
Trái ngược với đánh giá trước đây không lâu rằng nhiều chiến binh IS rồi sẽ trở về nhà, đặt ra những mối đe dọa lớn về an ninh cho chính quê hương của họ, quan điểm trên có vẻ “xuôi tai” hơn trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi bản thân người đứng đầu Trung tâm quốc gia chống khủng bố Mỹ cũng khẳng định không thể xác nhận nguồn tin chỉ huy tối cao IS Abu Bakr al Baghdadi đã bị tiêu diệt.
Thậm chí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 21/7 cũng lên tiếng cho rằng Abu Bakr al Baghdadi hiện vẫn còn sống, đồng nghĩa với việc “rắn chưa mất đầu” và lực lượng IS sẽ vẫn cố thủ đến cùng.
Và kể cả khi muốn hồi hương thì cũng không phải chuyện dễ dàng với các tay súng cực đoan, bởi con đường trở về đầy rẫy trở ngại, khi chiến dịch vẫn đang diễn ra tại “chảo lửa” Trung Đông, khi Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác đã mạnh tay siết chặt cửa biên giới.
“Trong cái rủi có cái may”, bản đánh giá mới nhất này sẽ là tin tức được hoan nghênh đối với những nước là quê nhà của hàng chục nghìn phần tử Hồi giáo cực đoan - những kẻ ồ ạt ly hương vì mục tiêu lập ra một nhà nước Hồi giáo tự xưng năm 2014, sau khi càn quét Syria, chiếm thành phố Bắc Iraq Mosul và tấn công vào các vùng ngoại ô thủ đô Baghdad.
Thực tế cho thấy, những phần tử cực đoan trở về quê nhà đều đã lên kế hoạch tiến hành các vụ tấn công đẫm máu, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội, khiến các chính phủ phải nghĩ đến kịch bản các vụ không kích mới khi IS dần thất thủ trên thực địa ở Syria và Iraq.
Tuy nhiên, theo giới chức tình báo Mỹ, các quốc gia không được phép chủ quan, bởi điều đáng lo ngại hơn hiện nay không hẳn là dòng chiến binh ngoại ấy, mà là mối đe dọa từ các nhánh của IS đặt tại châu Á và châu Phi, đồng nghĩa với việc cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu vẫn còn tiếp diễn căng thẳng trong những năm tới.
Thu Giang
(Theo AP, Reuters)
TIN LIÊN QUAN |
---|