Cần biện pháp quyết liệt để dự án cải tạo Quốc lộ 7 đoạn qua Đô Lương không bị thu hẹp quy mô
(Baonghean.vn) - Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 là công trình trọng điểm quốc gia, nếu vì việc khiếu nại không có sơ sở mà thu hẹp quy mô sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động GTVT, tác động tiêu cực đến môi trường phát triển kinh tế và suy giảm niềm tin của người dân đối với địa phương.
NGUY CƠ THU HẸP QUY MÔ DỰ ÁN
Ngày 31/10/2023, Cục Đường bộ Việt Nam có Công văn số 7403/CĐBVNCCĐT gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc báo cáo tình hình thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0-Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An và Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8A đoạn Km37 - Km85+300, tỉnh Hà Tĩnh.
Đối với Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7, Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo: “Mặc dù trong tháng 10/2023, các địa phương đã tích cực thực hiện công tác đền bù, thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho dự án, tuy nhiên, đến nay, kết quả đạt được vẫn còn hạn chế, dẫn đến chậm giải ngân giải phóng mặt bằng, các nhà thầu không có công địa để thi công nên không có sản lượng để giải ngân xây lắp. Toàn bộ 3 gói thầu xây lắp của dự án đều có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ của hợp đồng (kết thúc tháng 12/2023)”. Vì vậy, Cục Đường bộ Việt Nam có kiến nghị: “Đến cuối năm 2023, trường hợp địa phương không bàn giao mặt bằng cho dự án, Cục Đường bộ Việt Nam kính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, cho phép thu hẹp quy mô dự án, chỉ thực hiện tăng cường trong phạm vi mặt bằng hiện có”.
Về Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn qua thị trấn Đô Lương và các xã Hòa Sơn, Lưu Sơn có tổng chiều dài 9,078 km (từ Km24+650 đến Km35+225), sau 1 năm triển khai, đến thời điểm cuối tháng 12/2023, dự án vẫn chưa hoàn thành, nguyên do là có một số hộ dân ở xóm Lưu Diên, xã Lưu Sơn không thống nhất phương án hỗ trợ, không bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đại diện chủ đầu tư, ông Trần Đình Sơn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, có 15 hộ dân không chấp nhận các phương án hỗ trợ giải phóng mặt bằng của địa phương, không bàn giao mặt bằng.
Tham dự nhiều cuộc họp của UBND tỉnh, của huyện Đô Lương tổ chức nhằm tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, ông Sơn cho rằng, việc các hộ dân đòi bồi thường là không đủ điều kiện, không có căn cứ; Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Đô Lương đã tiến hành các bước thận trọng, đúng pháp luật, đúng quy trình, tuy nhiên, các hộ dân vẫn không đồng thuận. Vì vậy, nếu mặt bằng không được bàn giao thì như quan điểm thể hiện tại Công văn số 7403/CĐBVN-CCĐT của Cục Đường bộ Việt Nam gửi Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư sẽ thu hẹp quy mô của dự án.
Thông tin từ UBND huyện Đô Lương, sau khi Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 chính thức triển khai, vào ngày 12/10/2022 thì đã ban hành Thông báo số 312/TB-UBND về việc thu hồi đất. Theo đó, có 40 hộ dân xóm Lưu Diên và 3 tổ chức (Cửa hàng xăng dầu, Bưu điện xã và UBND xã Lưu Sơn) thuộc diện thu hồi đất, với diện tích 4.193,1m2 (trên tổng số diện tích đất là 14.144,7m2 ). Về 40 hộ dân xóm Lưu Diên, đều là những hộ được UBND huyện Đô Lương giao đất tái định cư vào tháng 7/1996. Điều này có nghĩa là diện tích đất của các hộ được Nhà nước giao không phải đất thổ cư, mà là đất đã được quy hoạch, xác định chỉ giới rõ ràng, và không có hộ dân nào được Nhà nước giao đất chồng lấn lên hành lang chỉ giới của Quốc lộ 7.
Trong 40 hộ dân, có 34 hộ gia đình, cá nhân có công trình nhà cửa, vật kiến trúc bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong đó, có 17 hộ gia đình, cá nhân có một số công trình, vật kiến trúc xây dựng sau ngày 1/7/2004 (thời điểm Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực) trên phần diện tích đất hành lang Quốc lộ 7, không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, tại thời điểm các hộ xây dựng không bị cơ quan chức năng đình chỉ. Nay khi dự án triển khai, các hộ kiến nghị được bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các công trình, nhà cửa, vật kiến trúc do các hộ đã đầu tư kinh phí để xây dựng.
ĐÒI HỎI “KHÔNG CÓ CĂN CỨ”
Tìm hiểu thực tế, đoạn “nút thắt” cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đi qua xóm Lưu Diên chỉ dài khoảng 300m; được thiết kế rộng rãi, với 2 làn đường có hình vòng cung hướng từ thị trấn lên cầu Đô Lương. Do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đình trệ thi công nên hơn 1 năm qua, người dân trong khu vực phải chịu cảnh khổ sở do bụi đất và ngập nước; các phương tiện tham gia giao thông cũng hết sức khó khăn. Thực tế cũng cho thấy, có khá nhiều công trình, vật kiến trúc được các hộ nơi này xây dựng từ nhiều năm như tường rào, sân nền, ki-ốt… phạm vào quy hoạch chỉ giới hành lang giao thông Quốc lộ 7.
Tìm hiểu, trong số 34 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cải tạo, các hộ bên trái tuyến đã chấp nhận phương án, tự tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; trong khi đó, 15 hộ bên phải tuyến (phía bên phải đường - hướng Đô Lương đi huyện Anh Sơn) không chấp hành, có đơn thư kiến nghị phản ánh.
Sau khi kiểm tra, rà soát chi tiết hiện trạng sử dụng đất của các hộ dân liên quan, ngày 10/7/2023, UBND huyện Đô Lương đã ban hành Văn bản số 1469/UBND.QLDA trả lời những nội dung kiến nghị. Trong đó, với nội dung kiến nghị xem xét bồi thường, hỗ trợ phần diện tích đất không được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất UBND huyện Đô Lương trả lời: “Các hộ gia đình đang sử dụng phần diện tích đất hành lang bảo vệ đường bộ (phần diện tích này năm 1996, UBND huyện không giao đất cho các hộ gia đình sử dụng, mà thuộc quỹ đất được quy hoạch vào mục đích mở rộng đường giao thông được quy định tại Điều 61 và Điều 62, Luật Đất đai năm 2013) không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì vậy, Nhà nước thu hồi diện tích đất này sẽ không bồi thường, hỗ trợ về đất. Do đó, kiến nghị của các hộ dân không có cơ sở xem xét, giải quyết”.
Về kiến nghị xem xét bồi thường, hỗ trợ nhà cửa, công trình, vật kiến trúc được xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường về đất, UBND huyện Đô Lương trích dẫn Khoản 6, Điều 16, Quy định về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An ban hành kèm theo Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND ngày 14/02/2022 của UBND tỉnh Nghệ An quy định: “Nhà, công trình khác xây dựng trước ngày 1/7/2004 trên đất không đủ điều kiện được bồi thường về đất theo quy định, nhưng tại thời điểm xây dựng vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền công bố và cắm mốc nhưng không bị cơ quan có thẩm quyền thông báo đình chỉ thì được hỗ trợ bằng 50% giá trị bồi thường theo quy định của Khoản 1 Điều này”.
Kết luận nội dung này, Văn bản số 1469/UBND. QLDA nói rõ: “Các công trình nhà cửa, vật kiến trúc xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường về đất (phần diện tích đất trừ hành lang đường giao thông, Nhà nước không giao cho các hộ gia đình) nếu xây dựng trước ngày 1/7/2004, khi tiến hành xây dựng không bị cơ quan có thẩm quyền thông báo đình chỉ thì được hỗ trợ bằng 50% giá trị bồi thường; còn những công trình, vật kiến trúc xây dựng sau ngày 1/7/2004 sẽ không được bồi thường, hỗ trợ.
Liên quan đến ý kiến của người dân về trường hợp 3 hộ gia đình được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định vào các năm 2006, 2011 và 2021, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đô Lương đã ban hành các Quyết định số: 82/QĐ-CNVPĐK ngày 03/11/2023, số 83/QĐ-CNVPĐK ngày 03/11/2023 và số 96/QĐ-CNVPĐK ngày 28/11/2023 hủy 3 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
SẼ BẢO VỆ THI CÔNG!
Để giải đáp trọn vẹn kiến nghị của các hộ dân, ngày 10/8/2023, UBND huyện Đô Lương có Văn bản số 1709/UBND.TN gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, đề nghị xem xét, cho phép áp dụng các biện pháp hỗ trợ đối với công trình, nhà cửa, vật kiến trúc xây dựng sau ngày 1/7/2004 trên phần diện tích đất hành lang Quốc lộ 7, nhưng tại thời điểm xây dựng không bị cơ quan có thẩm quyền thông báo đình chỉ (không đủ điều kiện bồi thường về đất). Tuy nhiên, đề nghị này không được chấp thuận.
Bởi như Sở Tài chính phân tích tại Văn bản số 4009/STC-QLG&CS ngày 30/8/2023 rằng: “Căn cứ theo quy định tại Khoản 6, Điều 15 Quyết định 24/2022/QĐ-UBND ngày 14/02/2022 của UBND tỉnh Nghệ An quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì các công trình xây dựng sau ngày 1/7/2004 trên đất không đủ điều kiện bồi thường về đất thì không được bồi thường, hỗ trợ. Vì vậy, Sở Tài chính đề nghị không xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ khác đối với các công trình nhà cửa, vật kiến trúc của 17 hộ gia đình, cá nhân tại xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương đã xây dựng trên đất hành lang giao thông Quốc lộ 7 từ sau ngày 1/7/2004”.
Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng cũng đều thống nhất với ý kiến của Sở Tài chính. Vào ngày 31/10/2023, UBND tỉnh có Văn bản số 9285/UBND-CN về việc giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp QL7 đoạn Km0-Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi – Nậm Cắn. Tại đây, thống nhất với ý kiến của Sở Tài chính, UBND tỉnh chỉ đạo: “Giao UBND huyện Đô Lương tổ chức kiểm tra, rà soát lại cụ thể hiện trạng, kết cấu các công trình, tài sản, vật kiến trúc của 17 hộ dân đã xây dựng trái phép trên đất hành lang giao thông của Quốc lộ 7. Trường hợp cần thiết có thể thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực để xác định các công trình, tài sản này có kết cấu liên hoàn với công trình nhà ở chính của 17 hộ dân hay không.
Đối với các công trình, tài sản, vật kiến trúc xây dựng trái phép của các hộ dân mà khi phá dỡ không làm ảnh hưởng đến kết cấu, khả năng chịu lực của công trình nhà ở chính (nằm ngoài phạm vi hành lang ATGT) thì không xem xét, áp dụng chính sách hỗ trợ khác. Đối với các công trình, tài sản, vật kiến trúc xây dựng trái phép của các hộ dân mà khi phá dỡ có ảnh hưởng đến phần công trình nhà ở chính của các hộ dân (nằm ngoài phạm vi hành lang ATGT) có kết cấu liên hoàn với các tài sản này thì đề nghị UBND huyện Đô Lương nghiên cứu đề xuất phương án hỗ trợ khác cụ thể, phù hợp với thực tế hiện trạng. UBND huyện Đô Lương chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh về việc kiểm tra, rà soát và xác định kết cấu của các loại công trình, tài sản với kiến trúc”.
Theo đại diện UBND huyện Đô Lương và UBND xã Lưu Sơn, những chỉ đạo của UBND tỉnh đều đã được tổ chức thực hiện kỹ lưỡng, khách quan. Lãnh đạo UBND huyện và UBND xã Lưu Sơn cũng tiến hành đối thoại nhiều lần với các hộ dân. Xã Lưu Sơn cũng đã và sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Nhưng để dự án được thực hiện, không bị chủ đầu tư thu hẹp quy mô, trong trường hợp các hộ dân liên quan vẫn không chấp hành, huyện sẽ tổ chức bảo vệ thi công theo quy định.
Liên quan đến vấn đề này, khi được hỏi, bà Phan Thị Đào - Xóm trưởng xóm Lưu Diên cho biết: “Thực tế là các hộ đang theo nhau để đòi hỏi quyền lợi nhưng không đúng đối tượng. Tuy nhiên, trên địa bàn xóm từ trước đến nay chưa có trường hợp hộ dân nào phải cưỡng chế cả. Vì vậy, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền để các hộ dân hiểu, tự giác chấp hành...”.
Còn theo Chủ tịch UBND xã Lưu Sơn, ông Nguyễn Quốc Giáp, công tác tuyên truyền, vận động đã được thực hiện qua nhiều thời gian; trong khi các hộ dân liên quan được Nhà nước cấp đất tái định cư với chỉ giới rõ ràng, vì vậy, việc đòi hỏi quyền lợi là không có căn cứ pháp lý để được xem xét.
Nếu các hộ dân cố tình không hiểu, cố tình dây dưa, theo tôi thì phải tổ chức bảo vệ thi công!”
Theo ông Trần Đình Sơn - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 4, quy hoạch xây dựng Quốc lộ 7 đoạn qua xóm Lưu Diên, xã Lưu Sơn có hình cong, nên có những điểm phải thu hồi đất vượt chỉ giới hành lang. “Công trình có tọa độ. Tọa độ cắm đến đâu thì đo đến đó, vấn đề đã rất rõ rồi. Tôi khẳng định là không hề sai, vì đã có ranh giới rõ ràng”, ông Trần Đình Sơn nhấn mạnh.
Mọi thông tin liên quan đều được niêm yết công khai tại trụ sở xã 20 ngày. Tất cả người dân đều đọc và biết rõ, huyện làm rất thận trọng và đúng quy trình”