Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh kiểm tra công tác ứng phó với bão Wipha
Chiều 21/7, đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão Wipha (bão số 3).
.jpg)
Cùng đi có đồng chí: Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường; Đại tá Nguyễn Công Lực - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An; Ngô Đức Kiên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Cửa Lò; Cao Minh Tú - Chủ tịch UBND phường Cửa Lò.

Di chuyển bằng ca nô dọc lạch Lò, đến thị sát tại bến cá Nghi Tân (phường Cửa Lò) và tiếp tục thị sát tuyến sông Lam từ khu vực Cửa Hội đến cầu Bến Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra tình hình neo đậu, chằng buộc tàu thuyền tránh trú bão; đồng thời nghe lãnh đạo các địa phương, cơ quan chức năng báo cáo về công tác triển khai các phương án ứng phó.

Theo báo cáo nhanh số 10 ngày 21/7/2025 của Bộ đội Biên phòng tỉnh, Nghệ An có 2.816 phương tiện với 12.644 lao động trực tiếp khai thác hải sản. Toàn bộ phương tiện đã vào nơi neo đậu an toàn, trong đó 6 phương tiện đang tránh trú tại đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).
Toàn bộ ngư dân trên tàu cá đã được đưa vào đất liền, chỉ để lại lực lượng túc trực khi cần thiết và phải rời tàu ngay khi có cảnh báo từ cơ quan chức năng. Các lồng bè nuôi thủy sản ven biển đã được gia cố.

Chính quyền địa phương yêu cầu du khách tuyệt đối không tắm biển. Các khu vực dân cư xung yếu, nguy cơ sạt lở ven biển và ven sông đã được rà soát, chuẩn bị phương án di dời nếu tình hình xấu diễn ra.
UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương và lực lượng chức năng tiếp tục rà soát toàn bộ tàu thuyền, lồng bè, dân cư và du khách tại các khu vực có nguy cơ; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bão. Đồng thời, tất cả các lực lượng phải tuyệt đối không chủ quan, theo dõi sát diễn biến, chủ động xử lý mọi tình huống, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, có trên 1.061 hồ đập lớn nhỏ. Hiện nay, các công trình hồ đập đều đang được các địa phương, đơn vị triển khai vận hành theo phương án phòng chống thiên tai đã được phê duyệt.

Đồng thời, tỉnh có 23 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác; trong đó, có 8 hồ chứa đang thực hiện vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả (Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mô, Bản Ang, Nhạn Hạc A, Châu Thắng), các hồ còn lại vận hành theo quy trình đơn hồ. Riêng hồ thủy điện Bản Vẽ hiện nay đang ở cao trình 188,33/200 (ứng với dung tích khoảng 1,35/1,83 tỷ m3). Các hồ chứa thủy điện hiện nay đang vận hành bình thường theo đúng quy trình được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt.


Tổng số lượng lồng, bè là 4.040 cái. Tổng số nhà tạm, chòi canh là 4.008 cái. Hiện tại, tất cả người dân nuôi trồng thủy sản tại các lồng bè, chòi canh, nhà tạm đã được di dời về nơi trú ẩn an toàn.
Sáng 19/7, bão Wipha đã đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 3 trong năm 2025, cường độ đã đạt cấp 10, giật cấp 12. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão còn tiếp tục mạnh lên (sức gió mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 12, giật cấp 15), từ ngày 21-22/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, gây gió mạnh, mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).

Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi và cường độ ảnh hưởng trên biển và đất liền rất rộng và nguy hiểm. Sáng 21/7, bão Wipha đã tiến vào phía Bắc vịnh Bắc Bộ. Lúc 10h, tâm bão cách Quảng Ninh 190 km, Hải Phòng 310 km; cách Hưng Yên 340 km và Ninh Bình 360 km.
.jpg)
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 9, giật cấp 11. Trong ngày, bão dự báo mạnh lên cấp 10 - 11, giật cấp 14 khi tiến vào vùng biển Hải Phòng - Thanh Hóa, duy trì cường độ nhiều giờ và gây ảnh hưởng rộng trên đất liền.


Trước diễn biến phức tạp của bão Wipha, tối 20/7, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đã ký công điện hoả tốc số 21/CĐ-UBND, chỉ đạo ứng phó với bão và mưa lũ do hoàn lưu bão.