Chuyện người cán bộ kiểm tra liêm chính, tiết tháo
(Baonghean.vn) - Tôi có hơn 20 năm gắn bó với cơ quan Huyện ủy Yên Thành - tổ ấm gắn kết những cán bộ làm công tác xây dựng Đảng. Tại đây, chúng tôi đã chia sẻ biết bao kỷ niệm vui, buồn, chia sớt cả những đắng cay, ngọt bùi vào thời điểm khó khăn nhất của đất nước. Một trong những cán bộ để lại nhiều ấn tượng trong chúng tôi là anh Lê Văn Hoàn, người cán bộ làm công tác kiểm tra vững tiết tháo và liêm chính.
Một cán bộ mẫu mực
Khi tôi về Huyện ủy Yên Thành thì anh Hoàn đã làm việc ở đây được vài năm (1983). Bấy giờ, anh làm việc ở Ban Tổ chức, sau chuyển sang làm Ủy viên Thường trực Ban Kiểm tra từ năm 1986 đến năm 1992, anh được bầu vào Ban Thường vụ, làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra 2 nhiệm kỳ.
Trước khi về Huyện ủy Yên Thành, anh Hoàn đã có một thời trẻ trai oanh liệt. Anh quê gốc ở xã Diễn Nguyên (Diễn Châu), theo gia đình đi kinh tế mới ở xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ). Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông nghiệp, anh về làm cán bộ kỹ thuật hợp tác xã, hăng hái hoạt động Đoàn, có lúc làm Thường vụ Huyện đoàn rồi được phân công lãnh đạo đoàn xe thồ phục vụ vận chuyển hàng ra tiền tuyến. Năm 1977, anh tham gia Ban Chấp hành Huyện ủy Tân Kỳ, được cử làm Trưởng phòng Nông nghiệp trước khi đi tăng cường cho các huyện biên giới ở tỉnh Đắk Lắk năm 1979.
Chân dung ông Lê Văn Hoàn. |
Sau thời gian 2 năm ở tỉnh Đắk Lắk, anh về Ban Tổ chức Huyện ủy Tân Kỳ rồi xin về quê vợ ở Yên Thành phục vụ công tác Đảng, đoàn thể cho đến ngày nghỉ hưu. Cơ quan Huyện ủy Yên Thành những năm cuối thập niên 80 đang là mấy dãy nhà cấp 4 đơn sơ, bên những ruộng lúa, nhà của các ban ở liền kề nhau. Hồi ấy, chưa có khái niệm “phối hợp nhóm” giữa cán bộ các Ban Tuyên giáo, Kiểm tra, Tổ chức khi được cử đi công tác cùng nhau.
Hồi ấy, chúng tôi gồm: Tôi - Phó Ban Tuyên huấn phụ trách lịch sử; anh Lê Văn Hoàn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy; anh Nguyễn Trung - Phó Ban Tổ chức Huyện ủy được cử lên Tân Kỳ xác minh hồ sơ bác Nguyễn Khắc Nhiếp về việc bác xin đề nghị công nhận lão thành cách mạng. Ba chúng tôi đạp xe qua Quang Thành (Yên Thành), Giang Sơn (Đô Lương) lên Tân Kỳ, càng lên đến gần cơ quan huyện ở thị trấn Lạt, dốc càng cao và dài, chúng tôi đạp bở hơi tai. Chúng tôi được các anh ở Huyện ủy Tân Kỳ đón tiếp nhiệt tình, trọng thị. Công việc xác minh hồ sơ của bác Nhiếp thật khó khăn vì bác ấy sinh ở Yên Thành nhưng hoạt động cách mạng ở Tân Kỳ từ những năm 1935 - 1939, việc tìm kiếm hồ sơ, chứng cứ như là mò kim đáy biển. Chúng tôi phải về tận cơ sở, gặp gỡ các đảng viên lão thành, họp xác minh... công việc kéo dài cả tuần. Điều đáng ngạc nhiên là chúng tôi đi đến đâu cũng được các anh ở Tân Kỳ tạo điều kiện thuận lợi để làm việc và tôi thấy dù đã chuyển về Yên Thành nhiều năm, nhưng tình cảm của cán bộ, nhân dân Tân Kỳ đối với anh Hoàn vẫn rất gần gũi, chân tình, nhiều người vẫn thắc mắc với anh: “Sao đang làm chức vụ ngon lành ở Tân Kỳ lại chuyển đi nơi khác?”. Mọi người quý trọng tình cảm, nhân cách của anh nên giúp chúng tôi hoàn thành mỹ mãn công việc được giao.
Hồ sơ về bác Nhiếp được thu thập đầy đủ, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Kỳ - Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Thành họp xác minh, thống nhất đề nghị cấp trên công nhận bác Nguyễn Khắc Nhiếp là cán bộ lão thành. Sau chuyến đi ấy, tôi nói đùa với các anh: “Chúng ta 3 phó ban làm việc hơn 1 trưởng ban là nhờ có cựu Trưởng phòng Tân Kỳ Lê Văn Hoàn”.
Quảng trường Phan Đăng Lưu - thị trấn Yên Thành. Ảnh: Sách Nguyễn |
Một cán bộ vững dũng khí, tiết tháo
Chuyến đi Tân Kỳ với anh Hoàn để lại ấn tượng tốt đẹp ban đầu trong tôi, chắc là hồi ở Tân Kỳ, anh Hoàn ăn ở tử tế với đồng chí, bạn bầu, nên dù đã đi nơi khác rồi vẫn để lại tiếng tốt như thế. Sau đó, cả anh và tôi tham gia Ban Thường vụ nhiều năm, cũng được tham gia thảo luận, bàn bạc nhiều công việc của huyện, tôi thấy tính cách thẳng thắn, bộc trực, có lúc hơi gàn của anh bộc lộ rõ. Thông thường anh Hoàn ít nói, ít phát biểu nhưng mỗi lúc anh có ý kiến đều thu hút sự chú ý của cả cuộc họp vì anh giỏi về chuyên môn, thành thạo về nghiệp vụ kiểm tra, nắm sự kiện, con người chắc chắn nên ý kiến của anh thường có trọng lượng, có cường lực thuyết phục cả hội nghị. Tôi nhớ một lần có cuộc họp Thường vụ Huyện ủy bàn về công tác cán bộ.
Lần ấy, Thường trực Huyện ủy cùng Ban Tổ chức Huyện ủy tham mưu với Thường vụ đề nghị đề bạt một cán bộ chủ trì xã N. lên làm trưởng phòng ở huyện. Thông thường, trước khi các đồng chí trong Thường trực (gồm Bí thư, Phó Bí thư Thường trực, Phó Bí thư, Chủ tịch huyện) và Trưởng Ban Tổ chức thống nhất, khi đưa ra Thường vụ thì hầu hết các ủy viên Ban Thường vụ đều đồng tình, nhưng lần ấy, riêng trường hợp đồng chí N. có một số đồng chí Thường vụ đề nghị xem xét lại. Tuy vậy, đồng chí Bí thư Huyện ủy vẫn tiếp tục giải trình, thuyết phục tất cả các đồng chí trong Ban Thường vụ nhất trí với đề xuất của Ban Tổ chức.
Lúc đó, tôi thấy anh Hoàn xin phát biểu ý kiến. Anh nói: “Tôi đồng ý với ý kiến một số đồng chí Thường vụ đề nghị Thường trực và Ban Tổ chức chưa đề bạt đồng chí N. đợt này, vì thời gian qua, đồng chí ấy còn có một số khuyết điểm tồn đọng ở xã chưa khắc phục được. Qua đợt kiểm tra tư cách đảng viên vừa rồi, tôi thấy có nhiều dư luận không thuận, có thể Đại hội Đảng bộ xã sắp tới khó trúng cử Đảng ủy xã vì không còn đủ uy tín, nếu giờ Thường vụ mà quyết định rút anh ấy lên huyện sẽ không nêu gương tốt cho cơ sở, sẽ phản tác dụng, vì lâu nay chúng ta thường đề cử những cán bộ xuất sắc, nổi trội ở các địa phương tiên tiến xuất sắc, bổ sung cho các phòng, ban cấp huyện, nay ta làm thế thì không thể được. Tôi biết, khi Thường vụ đưa ra biểu quyết về đồng chí N., có thể số phiếu sẽ vượt quá 50%, vì tôi biết đồng chí này có đến vận động từng đồng chí Thường vụ, trong đó, có đến nhà tôi nhưng tôi đã giải thích rõ cho đồng chí ấy hiểu ý kiến của tôi. Theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phải phục tùng đa số, nhưng trường hợp này tôi tha thiết đề nghị trong cuộc họp hôm nay, Thường vụ nên dừng việc biểu quyết về trường hợp đồng chí N. Nếu ý kiến đề xuất của tôi không được chấp thuận, tôi xin bảo lưu ý kiến và ngay sau cuộc họp này, tôi sẽ viết đơn đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy cho tôi xin nghỉ Thường vụ Huyện ủy và tôi sẽ trình bày đầy đủ lý do với địa chỉ chứng lý rõ ràng”.
Đồng chí Lê Văn Hoàn vừa dứt lời, có người đồng tình, có người ngỡ ngàng, riêng tôi rất đồng tình với anh Hoàn và rất phục cái dũng khí, cái tiết tháo của anh, cái “gàn” của một người Nghệ, dám đem cả sinh mệnh chính trị của mình ra để bảo vệ chính kiến, bảo vệ sự thật, bảo vệ cái đúng.
Sau khi anh Hoàn phát biểu, Bí thư Huyện ủy kết luận, hội nghị này tạm dừng việc xem xét rút đồng chí N. lên huyện. Sự việc sau đó không thấy nhắc đến nữa nhưng sự phản ứng của anh Hoàn đã dự báo những bộc lộ yếu kém về công tác cán bộ của người đứng đầu cấp ủy.
Cán bộ Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Yên Thành rà soát các chương trình kiểm tra, giám sát. Ảnh tư liệu: Minh Chi |
Nhắc đến vài kỷ niệm để nhớ lại một thời, một con người đã từng gắn bó với tôi trong tổ ấm cơ quan. Sau năm 2000, anh Hoàn được phân công làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện. Sang Hội Nông dân, được có thêm chút ít phụ cấp nhờ phúc lợi hưu trí nông dân, đời sống cha con anh có đỡ hơn nhưng anh vẫn vậy, giản dị, liêm khiết, nhỏ nhẹ, ít nói nhưng thẳng thắn, nghiêm khắc. Những lúc họp hành, có “tí bồi dưỡng”, anh lại mời chúng tôi sang chạm chén, lại nhắc đến những kỷ niệm đáng nhớ của những ngày cùng đồng cam cộng khổ, chia ngọt, sẻ bùi ở cơ quan Huyện ủy. Dầu không phải mọi chuyện đều tốt đẹp cả nhưng mỗi khi về cơ quan Huyện ủy lại nhớ đến những ấn tượng đẹp về những người đồng chí giữ được nhân cách trong sạch giữa nhiều bụi bặm của cuộc đời…