Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Indonesia: Nhiều tham vọng ẩn chứa

28/10/2015 14:48

(Baonghean.vn) - Chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Indonesia trong suốt thập kỷ qua cho thấy khá nhiều tham vọng ẩn chứa khi xứ sở Vạn đảo đang đối mặt với những sức ép mới về an ninh biển và muốn xây dựng một mối quan hệ đối tác kiểu mới với Mỹ.

Chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức cách đây hơn một năm của Tổng thống Indonesia Joko Widodo khiến truyền thông khu vực và thế giới đặc biệt chú ý. Trong bối cảnh cấu trúc khu vực và môi trường toàn cầu đang thay đổi, việc Mỹ - Indonesia điều chỉnh mối quan hệ đối tác chiến lược theo kiểu mới là điều tất yếu. Đó cũng chính là một trong những mục tiêu chính của chuyến tới Mỹ lần này của ông J.Widodo.

134
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Internet

Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 26/10 sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Indonesia Joko Widodo tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo thừa nhận "sự cần thiết phải củng cố và thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Indonesia, trong đó nhấn mạnh sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và năng lượng, trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, chống khủng bố cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu khác. Giới quan sát cho rằng, tăng cường sự hợp tác với cường quốc số 1 thế giới sẽ giúp Indonesia giải quyết những thách thức trước mắt cũng như lâu dài.

Trước hết và dễ thấy nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Thời gian qua, sự suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á lao đao. Giá trị đồng nội tệ Rupiah đã bị giảm mạnh so với đồng USD. Mặc dù nội các mới của ông J.Widodo luôn cam kết bảo đảm cho các nguồn đầu tư kinh doanh từ nước ngoài, chào đón đầu tư, nhưng các chính sách kinh tế lại có xu hướng bảo hộ.

Indonesia cũng đã bỏ lỡ dịp tham gia TPP mặc dù Mỹ là thị trường dệt may lớn nhất của Indonesia, chiếm 36% trong năm 2014. Chính vì thế, qua chuyến thăm lần này, Indonesia kỳ vọng sẽ đạt được một cam kết đầu tư trị giá 20 tỷ USD thông qua hợp tác với 19 công ty của Mỹ trong các lĩnh vực khác nhau.

567
Indonesia chuyển hướng ưu tiên quốc phòng ra biển. Ảnh: Internet

Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với kế hoạch thúc đẩy kinh tế, nâng cao an sinh xã hội mà chính phủ của Tổng thống Widodo đang tiến hành. Đặc biệt, nhân dịp này nhà lãnh đạo Indonesia đã có cơ hội đưa ra tuyên bố rõ ràng cho thấy nước này có ý định nghiêm túc gia nhập hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ cùng 11 đối tác khác đã hoàn tất đàm phán. Đây rõ ràng là một lợi ích trước mắt cho nền kinh tế của đất nước 250 triệu dân.

Ngoài những lợi ích và cơ hội về kinh tế, việc bảo đảm an ninh quốc gia, trong đó có an ninh hàng hải được coi là ưu tiên cốt lõi mà Chính phủ Indonesia muốn nhận được sự ủng hộ và giúp sức từ Mỹ. Một trong những kết quả quan trọng trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo xứ sở Vạn đảo tới Mỹ lần này là việc hai bên đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác hàng hải, bao gồm các yếu tố: quốc phòng hàng hải, quản lý tài nguyên biển, cơ sở hạ tầng hàng hải. Đây được nhận định là động thái rất đáng chú ý trong bối cảnh Indonesia đang theo đuổi chiến lược “trục biển toàn cầu”.

Kể từ khi lên nhậm chức cách đây hơn một năm, ông J.Widodo đã đưa ra nhiều chiến lược đáng chú ý nhằm nâng cao vị thế của Indonesia, trong đó ý tưởng đưa Indonesia trở thành một “trục biển toàn cầu” được dư luận khu vực và quốc tế đặc biệt chú ý. Đây không chỉ là tầm nhìn đưa Indonesia trở lại vị trí của quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới mà còn là học thuyết dẫn đường, một tập hợp lộ trình phát triển sắp tới của nước này.

Dựa trên 5 trụ cột: văn hóa biển, nguồn lợi từ biển, hạ tầng và kết nối trên biển, ngoại giao biển và an toàn giao thông đường biển, giới chức Indonesia kỳ vọng chiến lược mới sẽ là sức mạnh bảo vệ an ninh khu vực và các lợi ích chính đáng của quốc gia. Theo giới quan sát, chiến lược “trục biển toàn cầu” của Indonesia được đặt trong một chính sách đối ngoại thực dụng, chú trọng thúc đẩy các lợi ích kinh tế và an ninh quốc phòng trước mắt.

Chính sách này có thể đưa Indonesia dịch chuyển toàn diện, gần hơn tới các nước phương Tây như Mỹ và Nhật Bản trước hết về kinh tế rồi đến lĩnh vực quốc phòng. Việc Tổng thống J.Widodo tiến hành các chuyến thăm đến các cường quốc phát triển trong một năm qua đã phản ánh điều này.

Các chuyên gia cho rằng, để học thuyết biển đầy tham vọng này thành công sẽ phụ thuộc vào việc liệu Indonesia có thể thực hiện được những nhiệm vụ cơ bản như: điều phối an ninh của một trong những tuyến bờ biển dài nhất thế giới hay không? Và để giải quyết những thách thức đó, một trong những yếu tố quan trọng là cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài, cụ thể là các nước lớn, đặc biệt là những quốc gia có mối quan tâm đến an ninh hàng hải châu Á Thái Bình Dương. Trong đó không thể không nhắc tới Mỹ. Hơn bao giờ hết, Mỹ đặc biệt lưu tâm đến vấn đề an ninh của khu vực châu Á, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực, đặc biệt là các tranh chấp tại biển Đông.

Ngoài những đối tác như Singapore, Philippines, giờ đây Mỹ coi Indonesia là một đối tác mới quan trọng ở Đông Nam Á. Hợp tác với Indonesia, Mỹ sẽ có thêm “cánh tay” đắc lực đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận, hợp tác trong lĩnh vực hàng hải là chìa khóa để phát triển một mối quan hệ song phương sâu sắc hơn với Indonesia. Còn chiều ngược lại, Indonesia hoàn toàn có thể tận dụng sự hỗ trợ của Mỹ trong để nâng cao vị thế của một nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đảm bảo sự an toàn để phát triển chiến lược biển. Xem ra, cái “bắt tay” với Mỹ đem lại nhiều lợi ích cho Indonesia, không chỉ những lợi ích trước mắt mà cả những mục tiêu dài hạn./.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Indonesia: Nhiều tham vọng ẩn chứa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO