Công ty mía đường Sông Con nhân rộng cánh đồng mía mẫu lớn

Cẩm Tú 04/05/2018 15:50

(Baonghean) - Mía là cây trồng chủ lực trên đất Tân Kỳ, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho hàng ngàn hộ dân. Với những cơ chế khuyến khích của huyện và Công ty mía đường Sông Con, đến nay trên địa bàn, người dân đầu tư nhân rộng các mô hình cánh đồng mẫu

Xã Nghĩa Thái - Tân Kỳ lần đầu tiên chỉ đạo xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn đối với cây mía. Địa điểm triển khai là xóm Giang, nơi có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Để người dân đồng tình tham gia, cấp ủy, chính quyền từ xã đến xóm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của dồn điền, đổi thửa để hình thành các vùng sản xuất lớn.

Với chủ trương này, đã nhận được sự tiên phong gương mẫu của các đảng viên từ đó thu hút được quần chúng nhân dân. Khác với những năm trước, năm nay bà con sản xuất trên thửa ruộng lớn hơn, từ khâu làm đất đến gieo trồng bằng máy nên tiến độ nhanh hơn. Đến nay cây mía đã phát triển tốt.

Trao đổi với chúng tôi ông Hà Đình Hùng - Xóm trưởng xóm Giang, xã Nghĩa Thái cho biết: Ban đầu thấy khó khăn nhưng khi hiểu được chủ trương, 100 hộ dân đã tham gia thực hiện. Bước đầu người dân thấy thuận lợi là mỗi hộ sản xuất 1 thửa, không còn manh mún như trước đây và từ làm đất đến gieo trồng đều nhanh, trong quá trình làm đất còn được Công ty cổ phần Mía đường Sông Con hỗ trợ bằng máy cày 3 chảo với mỗi ha 6,5 triệu đồng.

Bà con xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) chăm sóc mía. Ảnh: Cẩm Tú
Bà con xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) chăm sóc mía. Ảnh: Cẩm Tú

Về phía cấp ủy, chính quyền xã, ông Bùi Đình Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái nhấn mạnh: Thực hiện chủ trương cấp trên nên cả hệ thống chính trị từ xã đến xóm cùng vào cuộc. Là địa phương chỉ có tổng 70 ha mía, trong đó năm nay đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung hơn 30 ha để đầu tư thâm canh, đưa giống mới LK92-11 có năng suất cao vào trồng. Tổng giá trị mô hình là hơn 1 tỷ 380 triệu đồng, trong đó nội lực của các hộ tham gia là 1 tỷ 187 triệu đồng. Chính quyền sẽ làm tốt công tác chỉ đạo, quản lý kết nối mối quan hệ nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp.


Còn tại xã Giai Xuân, đây là năm thứ hai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn đến với cây mía. Để nhân dân đồng tình tham gia, cấp ủy, chính quyền từ xã đến xóm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của dồn điền, đổi thửa để hình thành các vùng sản xuất lớn.

Mía Giai Xuân được trồng đúng theo quy trình thâm canh. Ảnh: P.V

Ông Hồ Viết Hiệu - Trưởng Ban Nông nghiệp xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ trao đổi: "Niên vụ 2017- 2018, xã Giai Xuân đã dồn điền, đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích gần 120 ha tại xóm Vạn Xuân, Vạn Long đã khẳng định hiệu quả cho năng suất đạt 85 đến 90 tấn/ha, trong khi năng suất mía trên địa bàn xã chỉ đạt 60 tấn/ha nên năm nay xã Giai Xuân nhân rộng mô hình 63 ha tại xóm Kẻ Mui, Long Thọ".

Là hộ tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, ông Trương Hải Hồ ở xóm Kẻ Mui đã được đưa cơ giới hóa vào làm đất, trồng và chăm sóc nên tiến độ nhanh hơn. Đặc biệt là giảm được chi phí cho gia đình 50 triệu đồng tiền công trồng, chăm sóc. Ông Hồ phấn khởi: “Tham gia mô hình được đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Trước đây để trồng 1 ha mía, gia đình tôi thuê 20 công nhân làm trong 2 ngày mới xong nhưng giờ chỉ có máy và 4 người làm trong 1 ngày là xong 1 ha, chăm sóc cũng vậy, có máy bón phân nữa".

Không riêng xã Nghĩa Thái, Giai Xuân mà hiện nay trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã nhân rộng cánh đồng mẫu lớn với cây mía. Nếu như niên vụ 2017- 2018 toàn huyện Tân Kỳ mới có 220 ha mía tập trung đã phát huy hiệu quả, năng suất đạt từ 85 tấn/ha trở lên, trong khi trồng mía đại trà chỉ đạt năng suất bình quân 56 tấn/ha thì niên vụ 2018 - 2019 này đã nâng lên 900 ha, tập trung nhiều ở xã Tân Xuân, Giai Xuân, Tân Phú, Kỳ Sơn, Tân Hợp, Nghĩa Đồng.

Mỗi xã thực hiện được huyện hỗ trợ 150 triệu đồng xây dựng mô hình (Chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ một phần giống cho bà con nông dân). Về phía doanh nghiệp, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con có chính sách hỗ trợ cho các hộ tham gia mô hình.

Ông Nguyễn Sỹ Hải - Trưởng Ban phát triển nguyên liệu Công ty cổ phần Mía đường Sông Con cho biết: "Thực hiện mô hình liên kết, về phía công ty hỗ trợ bà con đưa cơ giới hóa vào trồng, làm đất với mức hỗ trợ 6,5 triệu đồng/ha, Công ty còn giúp bà con tuyển chọn giống mía mới vào trồng, cung cấp phân bón và khi chăm sóc tiếp tục hỗ trợ làm bằng máy 2 triệu đồng/ha...".

Ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ cho biết thêm: Huyện Tân Kỳ nhân rộng các mô hình hiệu quả như mô hình cánh đồng mẫu lớn đến với cây mía với diện tích 900ha, cơ cấu chủ yếu bằng 2 giống mới LK92-11; KK3. Ngoài mô hình mía, huyện khuyến khích thực hiện mô hình liên kết trên lĩnh vực chăn nuôi và các loại cây trồng khác".

Chú trọng phát triển mô hình trồng mía tập trung theo chuỗi liên kết giá trị, huyện Tân Kỳ tích cực xây dựng mối liên kết giữa Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, tạo đầu ra ổn định. Đây là hướng đi bền vững nhằm giúp người dân và nhà máy mía ở Tân Kỳ từng bước làm giàu từ cây mía.

Theo (Đài Tân Kỳ)
Copy Link
Mới nhất
x
Công ty mía đường Sông Con nhân rộng cánh đồng mía mẫu lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO