Đánh thức tiềm năng du lịch Tân Kỳ

Đinh Nguyệt 13/05/2018 06:41

(Baonghean) - Với bản sắc văn hóa phong phú, đặc sắc cùng nhiều danh thắng đẹp và đa dạng sinh học, huyện Tân Kỳ được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Để khai mở tiềm năng đó, các cấp, ngành và người dân trên địa bàn huyện vào cuộc với nhiều giải pháp tích cực.

Ở nhà sàn, ăn đặc sản của đồng bào Thái

Vào những ngày hè này, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) “hút” khách du lịch trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, khám phá hang động nguyên sơ, thác nước tuyệt đẹp và các phong tục độc đáo của đồng bào dân tộc Thái ở bản Thái Minh (100% hộ dân của bản là đồng bào Thái).

Đến nơi đây, du khách được hòa mình vào cuộc sống bình yên nơi bản nhỏ với những mái nhà sàn kiến trúc độc đáo nép mình dưới chân núi. Hàng ngày, những phụ nữ Thái vẫn tỉ mẩn dệt những tấm váy, chiếc gối, túi thổ cẩm sặc sỡ hoa văn...

Khi du khách đến, các chị còn trực tiếp chế biến những món ăn đặc sắc của đồng bào Thái như: Cơm lam, cá nướng, canh bồi, măng loi... và cùng du khách vui điệu lăm vông bên vò rượu cần.

Du khách trải nghiệm dệt thổ cẩm truyền thống ở bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ).  Ảnh: Đinh Nguyệt
Du khách trải nghiệm dệt thổ cẩm truyền thống ở bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ). Ảnh: Đinh Nguyệt

Từ xã Tiên Kỳ, du khách chỉ cần di chuyển trong quãng đường để khám phá nhiều danh thắng tuyệt mỹ, độc đáo trên địa bàn huyện Tân Kỳ như: Thác nước Hồng Sơn nguyên sơ, kỳ vĩ, cụm hang động Thung Khiển đẹp như tranh vẽ ở xã Tân Hợp; Cây Sanh ngàn năm tuổi - cây di sản Việt Nam ở bản Kẻ Mui, xã Giai Xuân...

Chị Nguyễn Thanh Thúy cùng gia đình và bạn bè từ thành phố Vinh đến Tân Kỳ tham quan những khu vực trên vô cùng thích thú chia sẻ: “Chuyến đi đến mảnh đất Tân Kỳ cho chúng tôi trải nghiệm tuyệt vời khi được chiêm ngưỡng những cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, tuyệt đẹp vừa được khám phá về di tích lịch sử Quốc gia Km số 0 và những nét văn hóa độc đáo của bà con dân tộc Thái nơi đây. Tuy nhiên, các điểm du lịch của Tân Kỳ còn nguyên sơ, nếu được đầu tư phát triển chắc chắn sẽ trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn du khách thập phương”.

“Đánh thức” tiềm năng

Là vùng đất có bề dày văn hóa lịch sử đáng tự hào, nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh kỳ thú, tuyệt đẹp, bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo, huyện Tân Kỳ hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh theo cách “hữu xạ tự nhiên hương”. Nhằm “đánh thức” nguồn tiềm năng phong phú, huyện Tân Kỳ xác định phát triển du lịch là một trong những trọng tâm để phát triển kinh tế bền vững. UBND huyện đã đề ra lộ trình phát triển du lịch từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo với nhiều giải pháp, nhằm khai mở tiềm năng du lịch địa phương.

Ông Trịnh Hữu Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: “Từ năm 2016, sau khi quy hoạch tổng thể từng cụm du lịch, huyện giao cho các xã có tiềm năng phát triển du lịch tiến hành quy hoạch đất đai, hiện nay cơ bản đã xong. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn để nâng cấp sửa chữa hệ thống giao thông vào các điểm du lịch như thác nước Hồng Sơn (Tân Hợp); đã có tuyến đường thông từ Nghĩa Hành, Phú Sơn qua xã Tiên Kỳ. UBND tỉnh đã có chủ trương xây dựng tuyến đường từ thị trấn Lạt vào Tiên Kỳ. Cùng với đó, huyện tạo điều kiện cho các địa phương thu hút đầu tư. Chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về phát triển du lịch. Hiện đã có một số doanh nghiệp khảo sát và dự kiến đầu tư ở xây dựng thác Mó (Tiên kỳ), thác Hồng Sơn (Tân Hợp)...”.

Bản Thái Minh còn lưu giữ nhiều nếp nhà sàn, là điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn ở Tân Kỳ. Ảnh: Đinh Nguyệt
Bản Thái Minh còn lưu giữ nhiều nếp nhà sàn, là điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn ở Tân Kỳ. Ảnh: Đinh Nguyệt

Trong chiến lược phát triển du lịch cộng đồng ở Tân Kỳ, xã Tiên Kỳ được xác định là điểm nhấn với mục tiêu đón 3.500 du khách vào năm 2020. Ông Trương Công Thạch - Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ cho biết: Thực hiện đề án "Phát triển du lịch cộng đồng xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025", địa phương vận động các hộ dân trong bản tu sửa, nâng cấp nhà sàn và chọn 8 hộ có điều kiện tham gia thí điểm mô hình, chuẩn bị các điều kiện phục vụ du khách.

Cùng đó, địa phương phục dựng lễ hội Bươn Xao truyền thống bài bản. Thời gian qua, huyện đã tổ chức cho cán bộ xã và người dân bản Thái Minh đi tham quan mô hình du lịch cộng đồng và dự kiến sẽ tiếp tục mở lớp tập huấn hướng dẫn viên, ẩm thực, văn hóa văn nghệ, an ninh, bảo đảm vệ sinh môi trường... cho đồng bào, để triển khai mô hình du lịch cộng đồng”.

Cây sanh ngàn năm tuổi ở bản Kẻ Mui, xã Giai Xuân (Tân Kỳ). Ảnh: Đinh Nguyệt
Cây sanh ngàn năm tuổi ở bản Kẻ Mui, xã Giai Xuân (Tân Kỳ). Ảnh: Đinh Nguyệt

Thường đón tiếp các đoàn khách du lịch ghé thăm, các thành viên gia đình Lào Thị Hải (bản Thái Minh) luôn niềm nở, thân thiện và khéo léo quảng bá nghề truyền thống, giúp du khách trải nghiệm dệt vải, giới thiệu sản phẩm truyền thống, nét đẹp văn hóa của người dân bản địa, danh thắng địa phương... Nhờ được tuyên truyền, tập huấn và tham quan mô hình du lịch cộng đồng, người dân bản Thái Minh đã dần hình thành ý thức làm du lịch.

Cột mốc Km số 0, thị trấn Lạt (Tân Kỳ) - Di tích lịch sử  Quốc gia. Ảnh: Đinh Nguyệt
Cột mốc Km số 0, thị trấn Lạt (Tân Kỳ) - Di tích lịch sử Quốc gia. Ảnh: Đinh Nguyệt

Để “hút” du khách, huyện Tân Kỳ hướng đến xây dựng các tour, tuyến du lịch trải nghiệm qua các địa danh hấp dẫn, giàu tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện. Muốn vậy, cần có sự quan tâm của các nhà đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác hiệu quả các điểm đến; xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo và nâng cao ý thức người dân về làm du lịch, từ đó khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có.


Mới nhất
x
Đánh thức tiềm năng du lịch Tân Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO