Xây dựng Đảng

Để thành Vinh xứng tầm cực tăng trưởng Bắc Trung bộ Kỳ 3: Cuộc kiến tạo lịch sử cho thành Vinh mới

Linh Mạnh 31/12/2024 17:00

Việc sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh có thể xem là cuộc kiến tạo lịch sử, gỡ thế “bức bối” về không gian để khai thác hiệu quả nhất thế mạnh của thành phố Vinh và thị xã biển, cùng 4 xã của huyện Nghi Lộc trong hình hài một thành Vinh mới có diện tích rộng hơn 166km² với dân số hơn nửa triệu người.

ky 3

Việc sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh có thể xem là cuộc kiến tạo lịch sử, gỡ thế “bức bối” về không gian để khai thác hiệu quả nhất thế mạnh của thành phố Vinh và thị xã biển cùng 4 xã của huyện Nghi Lộc, trong hình hài một thành Vinh (mới) có diện tích rộng hơn 166km2 với dân số quá nửa triệu người.

Tầm nhìn nhất quán và xuyên suốt

Ngày cuối năm 2024, thành phố Vinh (mới) tổ chức Lễ công bố thành lập với sự hiện diện của đông đảo lãnh đạo tỉnh, thành phố, thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc và các địa phương sáp nhập. Sự kiện mở ra chương mới trong quá trình phát triển của đô thị Vinh được ấp ủ và trông đợi bấy lâu nay, để thành Vinh “tung cánh Phượng Hoàng” trong một tương lai không xa như mong muốn, kỳ vọng của Trung ương, tỉnh và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố.

Ảnh 1
Lễ công bố thành lập thành phố Vinh (mới), Đảng bộ thành phố Vinh (mới) và Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ tổ chức vào sáng 31/12/2024. Ảnh: Phạm Bằng

Các nghị quyết của Bộ Chính trị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong 2 thập kỷ qua cho thấy quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong các chủ trương, định hướng của Trung ương đối với việc phát triển thành phố Vinh xứng tầm. Gần đây là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 2/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Vinh được lựa chọn để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn nhằm trở thành trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới; đồng thời trở thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu và trung tâm văn hóa phía Bắc của vùng.

Screen Shot 2024-12-31 at 15.59.50
Sau khi mở rộng, thành phố Vinh có 33 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 24 phường và 9 xã. Đồ họa: Hữu Quân

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Bộ Chính trị tiếp tục định hướng “tập trung đầu tư và có cơ chế, chính sách vượt trội, để phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của cả vùng Bắc Trung bộ”. Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023, thành phố Vinh được xác định là 1 trong 2 khu vực động lực tăng trưởng của Nghệ An và là 1 trong 6 trung tâm đô thị của tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 16/7/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030, thành phố Vinh là đô thị biển văn minh, hiện đại; kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đầu tàu tăng trưởng của tỉnh, trung tâm của vùng Bắc Trung bộ trên các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, văn hóa, y tế, thương mại, du lịch, logistics, khoa học và công nghệ, công nghiệp công nghệ cao; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và niềm tin của Nhân dân được tăng cường. Tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Vinh là đô thị thông minh phát triển nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại, một trong những động lực phát triển, cực tăng trưởng quan trọng của vùng Bắc Trung bộ.

2ba2ead2eb6d56330f7c.jpg

Tại Lễ công bố thành lập thành phố Vinh (mới), Đảng bộ thành phố Vinh (mới) và quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ tổ chức vào sáng 31/12/2024, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, việc thành lập thành phố Vinh (trên cơ sở sáp nhập thêm thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc - PV) là chủ trương đúng đắn của Trung ương và tỉnh Nghệ An. Đây là quyết định có ý nghĩa bước ngoặt, có tầm chiến lược lâu dài để phát triển thành phố Vinh; tạo tiền đề để thành phố phát triển toàn diện, xứng đáng là đô thị trung tâm và động lực phát triển của tỉnh; đồng thời đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có và các nguồn lực cần có để đảm bảo thực hiện quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, bao gồm việc xây dựng kế hoạch chỉnh trang đô thị thành phố Vinh (mới), xứng đáng là đô thị trung tâm của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ; rà soát các quy hoạch và thực hiện nghiêm việc quản lý các quy hoạch để xây dựng Vinh trở thành thành phố biển thông minh, hiện đại, sáng, xanh, sạch, đẹp.

Ngày 1/12/2024, Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025 có hiệu lực; trong đó Nghệ An thực hiện sắp xếp đối với 3 đơn vị cấp huyện (gồm 1 đơn vị thuộc diện bắt buộc sắp xếp là thị xã Cửa Lò và 2 đơn vị liền kề có liên quan là thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc). Cụ thể, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị xã Cửa Lò và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 4 xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong (huyện Nghi Lộc) vào thành phố Vinh. Sau khi sắp xếp, thành phố Vinh có diện tích tự nhiên là 166,22 km2 và chính thức trở thành đô thị biển. Quy mô dân số của thành phố Vinh vượt nửa triệu người (580.669 người).

Đô thị “dọc sông, hướng biển”

Bước sang năm mới 2025, “Vinh - thành phố bình minh” đang đứng trước thời cơ, vận hội, chu kỳ phát triển mới. Cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố, mong rằng trong quá trình cụ thể hóa các văn kiện quan trọng trên, thành phố sẽ sớm có được các cơ chế, chính sách vượt trội và các nguồn lực, bằng sự phân cấp, phân quyền phù hợp, riêng biệt từ Trung ương, tỉnh để phát triển xứng tầm vai trò và vị thế trung tâm khu vực. Bởi như chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhiều lần nhận định: “Thành phố Vinh cao đến đâu thì phần còn lại của Nghệ An và của Bắc Trung Bộ cao đến đấy”, cho thấy sự cần thiết phải xác lập tầm nhìn, chiến lược phát triển vượt trội cho thành phố đúng với tư thế thủ phủ khu vực Bắc Trung Bộ.

Ảnh 1
Tiến sĩ, KTS Trần Ngọc Chính trao đổi cùng PV Báo Nghệ An. Ảnh: Nhật Lệ

Còn Tiến sĩ, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính hiện là Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An có nhiều duyên nợ gắn bó với đô thị Vinh từ nửa thế kỷ nay, là một trong những người từ lâu đã gợi mở và rất ủng hộ việc mở rộng thành phố Vinh trở thành đô thị biển. Theo kinh nghiệm đã thực chứng trải dài từ Bắc, Trung, Nam của nước ta, các đô thị biển đều rất phát triển so mặt bằng chung.

Sau khi mở rộng, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính đề nghị lãnh đạo tỉnh Nghệ An thực hiện các bước theo quy định để nhanh chóng lập Quy hoạch thành phố Vinh với tầm nhìn của đô thị 1 triệu dân, dọc sông Lam và hướng biển Đông, để không chỉ là trung tâm của tỉnh Nghệ An mà còn của khu vực; từ đó làm quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để triển khai các dự án phát triển thành phố Vinh mở rộng.

Quá trình lập quy hoạch thành phố Vinh mở rộng, ông Trần Ngọc Chính đề nghị tỉnh quan tâm đến các trục, ranh giới phát triển, bởi nhắc đến Vinh không thể không nhắc đến biển và sông Lam. Cho nên, trước hết, quy hoạch cần xây dựng Vinh xứng tầm là thành phố biển, phát triển theo hướng biển với trục trung tâm là Đại lộ Vinh - Cửa Lò. Hai bên đại lộ cần quy hoạch các phân khu chức năng phù hợp, đúng tầm vóc; đồng thời quy hoạch phát triển dọc tuyến biển ở Cửa Lò, chú ý làm rõ quan hệ giữa Cửa Lò và Hòn Ngư để có phương án đầu tư xây dựng hòn đảo khá gần đất liền này phát triển thành trọng điểm du lịch.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính đồng thời khuyến nghị phải thiết kế quy hoạch rất rõ trục phát triển từ Cửa Hội dọc sông Lam cho đến Hưng Nguyên, bởi thành Vinh mở rộng không chỉ có biển, mà có cả sông Lam. “Nếu quy hoạch tốt thì Vinh trở thành đô thị biển, đô thị sông rất tốt”. Đây cũng sẽ là trục kết nối quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và quê hương Đại thi hào Nguyễn Du. Với tầm nhìn quy hoạch thành phố Vinh mở rộng hiện đại, phát triển “dọc sông, hướng biển”, ông cũng đề nghị cần lưu tâm đến việc tiếp nối các yếu tố văn hóa, lịch sử của đô thị Vinh. Ông nhấn mạnh việc quy hoạch khu vực đô thị lịch sử ở phía Nam thành phố, chính là toàn bộ nội thành hiện hữu của thành phố Vinh hiện nay.

Cum 5.3
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố Vinh là đô thị dọc sông, hướng biển có cảng hàng không và cảng biển. Ảnh: Thành Duy - Thành Cường

Hơn 200 năm từ khi chính thức là lỵ sở của Nghệ An, tròn 50 năm sau khi được những người bạn Đức chung tay tái thiết từ “gạch vụn”, đô thị Vinh đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Bức tranh tương lai của thành phố Vinh mở rộng đã được phác họa rõ nét, với các tầm nhìn, mục tiêu xuyên suốt, cụ thể. Vấn đề bây giờ là trên các cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng đó, cùng thế và lực mới, bản thân cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị thành phố Vinh cũng như tỉnh Nghệ An chủ động phát huy nội lực, huy động hiệu quả ngoại lực để xây dựng thành Vinh phát triển hiện đại, xứng tầm, kế thừa những giá trị được tích lũy theo dòng chảy thời gian để làm giàu thêm bản sắc. Bởi sự hình thành và phát triển của đô thị là cả một quá trình tiếp biến của quá khứ, hiện tại và tương lai, của sự kế thừa, phát huy và phát triển.

Để thành Vinh xứng tầm cực tăng trưởng Bắc Trung bộ Kỳ 3: Cuộc kiến tạo lịch sử cho thành Vinh mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO