Đoá hồng nhung trên đá
(Baonghean.vn) - Ở Trường THPT Đô Lương 2, các giáo viên, học sinh nhiều thế hệ vẫn kể cho nhau nghe về câu chuyện của cô giáo dạy môn Địa lý Nguyễn Thị Kim Nhung bằng sự yêu thương, ngưỡng mộ và tự hào. Như một đoá hoa trên sỏi đá, giữa sóng gió cuộc đời, cô mạnh mẽ sống và trọn vẹn trao đi.
Vươn lên từ nghịch cảnh
Trong bảng tổng hợp danh sách 80 nữ giáo viên vượt khó tiêu biểu năm 2023 của Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, phần hoàn cảnh gia đình của cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung (sinh năm 1977) là phần có nội dung ngắn gọn nhất: “Chồng mất khi cô 31 tuổi, con đầu 5 tuổi và cháu thứ hai 13 tháng. Một mình nuôi 2 con (nay 1 cháu học đại học, 1 cháu lớp 11). Bản thân bị ung thư máu. Chưa có nhà, đang ở ký túc xá của nhà trường”. Những dòng ngắn ngủi nhưng nặng trĩu.
Kể từ khi chồng mất, ông bà nội, ngoại đều ở xa, 3 mẹ con chị Nhung vẫn xem gian nhà nhỏ trong khu ký túc xá Trường THPT Đô Lương 2 là tổ ấm. Một vai là mẹ, một vai là bố, chị chăm sóc, dạy dỗ 2 con chăm ngoan, học tốt, chu toàn gánh vác trách nhiệm với gia đình nội, ngoại.
Bên cạnh việc nhà, chị Nhung còn cùng lúc nhận nhiều vai trò, nhiệm vụ trong công tác chuyên môn. Nhờ biết sắp xếp công việc khoa học, chị vừa dạy, vừa tham gia tất cả những công việc mũi nhọn của trường. Từ việc tham gia ở tổ an ninh trường học đến đào tạo học sinh giỏi, từ các hoạt động phong trào của trường đến các lớp tập huấn của huyện, từ những phần việc của công đoàn đến những nội dung của Sở… Khi con lớn hơn một chút, chị Nhung còn tranh thủ học lên cao học. Hầu hết các giáo viên môn phụ thường chọn “chân trong, chân ngoài” để có thêm thu nhập, nhưng chị Nhung thì khác. Chị từ chối tất cả những cơ hội việc làm khác và dành toàn bộ tâm huyết cho giảng dạy môn Địa lý. Nhiều đồng nghiệp của chị còn nói vui, chị bị "nghiện" công việc và không thể dừng làm dù chỉ một ngày.
“Tôi cảm thấy yêu công việc, bản thân hoàn toàn phù hợp với công việc nên làm mà không cảm thấy mệt mỏi, làm xong cái này lại nghĩ ra cái khác, liên tục và hào hứng. Hơn thế, khi làm việc, tôi sẽ bớt nghĩ ngợi, buồn phiền, đồng thời cảm thấy lạc quan, vui vẻ hơn” - chị Nhung chia sẻ.
Mọi chuyện cứ thế êm đềm trôi, cho đến tháng 5/2022. “Tôi xuất hiện những cơn đau khó chịu ở vùng bụng nên đã xuống Vinh kiểm tra sức khoẻ. Không ngờ, từ cơn đau này, sau nhiều lần thăm khám, hồ sơ của tôi được chuyển ra Hà Nội với kết quả chẩn đoán bị ung thư máu. Thời điểm đó, 2 con của tôi đều đang ôn thi, một cháu thi vào đại học, một cháu thi vào cấp 3, bản thân tôi cũng đang trực tiếp dìu dắt các em lớp 12 thi tốt nghiệp…” - chị nhớ lại.
Những ngày đầu điều trị ở Hà Nội, các bác sĩ gần như không thể điều trị cho chị. Cứ nghĩ đến cảnh mồ côi của các con, nghĩ đến chuyện chưa phụng dưỡng được bố mẹ hai bên, chị không thể cầm lòng, cứ thế khóc và không thực hiện theo phác đồ. Rồi cũng chính trong khuôn viên bệnh viện đầy ám ảnh đó, những bệnh nhân cùng cảnh ngộ đã động viên, thuyết phục chị kiên cường chống chọi với bệnh tật. “Họ làm được, mình cũng làm được” - chị đã nghĩ như vậy để vực dậy tinh thần và bước vào những đợt hoá trị đầu tiên.
Cùng với những mũi thuốc, những cơn đau, những cơn khó chịu và những mảng tóc rụng đến với chị tần suất ngày một dày. Dù vô cùng mệt mỏi sau mỗi đợt điều trị, nhưng chị vẫn muốn tiếp tục duy trì công việc để khuây khoả tinh thần. Chị còn đọc thêm sách, nghiên cứu thêm các tài liệu liên quan đến chăm sóc sức khoẻ và tích cực áp dụng theo. Những chuyển biến tốt của cơ thể đã tiếp thêm cho chị niềm tin vào phương pháp mình lựa chọn. Những sợi tóc con đã mọc lại, nụ cười rạng rỡ lại thường trực trên môi, ánh mắt lại lấp lánh những niềm vui nhỏ…
“Hãy cứ cho đi”
Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, chị Nhung luôn giữ cho mình quan điểm: Hãy cứ cho đi. Những thứ chị cho không chỉ là kiến thức, những người chị cho không chỉ là học trò.
Cùng lúc mang nhiều vai trò, quỹ thời gian của chị Nhung không bao giờ là dư giả. Nhưng chỉ cần học trò cần, chị sẵn sàng có mặt. Sự có mặt đó luôn đi cùng sự chân thành, yêu thương và tôn trọng. “Khi dạy, tôi là một người khá nghiêm khắc, thậm chí hơi khó tính. Nhưng ngoài giờ học, tôi sẵn sàng dành thời gian lắng nghe học sinh trò chuyện, giải đáp tất cả mọi thắc mắc, kể cả những thắc mắc ngoài nội dung kiến thức, thậm chí tôi có thể đi uống trà sữa, dã ngoại, nhí nhố cùng các em. Thậm chí nhiều chuyện tình cảm, khó nói các em cũng nhờ tôi tư vấn” – chị Nhung tâm sự.
Vậy là, bên cạnh việc dìu dắt những học trò “nhất quỷ, nhì ma” đi chinh phục các kỳ thi học sinh giỏi, cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung còn được mệnh danh là chuyên gia tâm lý, tổng đài tư vấn vô cùng uy tín và chân thành của các thế hệ học sinh Trường THPT Đô Lương 2. Có lẽ vì bắt nhịp được với tâm lý học trò nên cô Nhung đã trở thành một người bạn, một người chị chứ không chỉ là một người cô.
Tình yêu thương và sự tôn trọng mà chị dành cho những học trò hoàn toàn vô tư, không màng nhận lại. Nhưng cũng chính vì vậy, chị đã nhận lại được rất nhiều. Chị xúc động kể: “Học sinh đến thăm tôi đông lắm, khi tôi đang điều trị tại Hà Nội, khi tôi nằm ở Vinh, khi tôi đã về ký túc xá… Tôi không thể nhớ và thuộc tên hết những người học trò đã đến thăm mình. Có em đến thăm mà chưa vào nhà đã khóc. Có em không về được thì gọi điện, nức nở trong máy. Có những nhóm cựu học sinh cử đại diện cả khoá đến nhà, có nhóm xin được hỗ trợ tiền thuốc men… Rồi thì mỗi lần tôi lên lớp, các em đều tự giác nhắc nhau phải ngoan, phải chăm, không để cô buồn. Những quan tâm, yêu thương đó khiến tôi xúc động vô cùng”.
Không chỉ với học sinh, trong tất cả các mối quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, chị Nhung đều sẵn sàng nhận phần thiệt về mình. Chị làm vậy vì cái tâm muốn vậy.
Trước khi tạm biệt chị Nhung, tôi hỏi chị về cái tên “Hoa Đá” mà chị chọn đặt cho những tài khoản mạng xã hội của mình. Chị cười: “Tôi chọn cái tên này để nhắc nhở mình, trong khó khăn, nghịch cảnh, bản thân phải mạnh mẽ vươn lên…”.
Chị là một trong những đoá hoa đẹp nhất, kiên cường nhất tôi từng gặp.
Với những nỗ lực và tận tâm của mình, từ năm học 2018-2019 đến nay, cô Nguyễn Thị Kim Nhung luôn xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua. Cô từng nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước ngành Giáo dục; Bằng khen của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”; Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam về phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”… Dịp 20/11 năm nay, cô Nhung là 1 trong 80 giáo viên được tôn vinh tại Hội nghị biểu dương nữ giáo tiêu biểu do Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An tổ chức.