Đoàn ĐBQH Nghệ An đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật về hội

25/10/2016 16:50

(Baonghean.vn)- Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 2 (QH Khóa XIV), ngày 25/10 dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến Dự thảo Luật về hội.

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật về Hội do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày cho biết: về phạm vi điều chỉnh, UBTVQH nhận thấy, Luật này ban hành nhằm cụ thể hóa quyền lập hội của công dân Việt Nam đã được Hiến pháp quy định. Do đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật: “Luật này quy định về quyền lập hội của công dân Việt Nam; tổ chức, hoạt động của hội và quản lý nhà nước về hội”.

Ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo, đa số thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhất trí với dự thảo luật và báo cáo tiếp thu, chỉnh lý giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời tập trung các ý kiến đóng góp phân tích, làm rõ hơn về chính sách đối với hội, vai trò quản lý của Nhà nước đối với hội; các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội; điều kiện thành lập hội…

Theo Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) trong phần bố cục của dự thảo luât cần bổ sung một điều về giải thích từ ngữ tại phần quy định chung để làm rõ các vấn đề trong dự thảo luật, tránh trùng lặp, hiểu không đúng khi thi hành; chuyển điều 4 (Hội) lên trước điều 3 (Quyền lập hội) cho phù hợp và logic hơn, bởi vì muốn quy định quyền lập hội trước hết phải quy định hội là gì...

Liên quan đến Khoản 5 Điều 8 của dự thảo Luật quy định “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Thống nhất quy định của dự thảo Luật để tránh sự lợi dụng từ các thế lực phản động ở nước ngoài, thông qua việc liên kết, tài trợ để hoạt động lôi kéo,chống phá Nhà nước và chế độ.

Đại biểu Trần Văn Mão phát biểu.

Tuy nhiên cũng cần cân nhắc quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thông thoáng để khắc phục được sự bất bình đẳng giữa các hội và tạo nên cơ chế xin – cho, phức tạp thêm thủ tục hành chính trong các trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định - đại biểu Trần Văn Mão phân tích.

Về chính sách tài chính đối với Hội tại Điều 5 và Điều 7, đa số đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH. Song, theo đại biểu Trần Văn Mão,việc quy định như trong Khoản 4, Điều 7 là chưa rõ ràng, chưa thể hiện hết nội dung đã quy định tại Điều 36, Điều 38 Luật Ngân sách Nhà nước. Do đó, Dự thảo cần quy định rõ chính sách của nhà nước đối với từng loại hội nhằm tránh cơ chế xin cho, bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự trang trải kinh phí của các hội, giảm bớt gánh nặng ngân sách hỗ trợ của nhà nước do các hội hiện nay theo báo cáo của TC khoảng trên 30 ngàn tỷ đồng và còn tiếp tục gia tăng. (Hiện nay cả nước có khoảng 63.000 hội có đăng ký, nhà nước hỗ trợ ngân sách hàng chục tỷ đồng cho các hội) – Đại biểu Trần Văn Mão nêu dẫn chứng.

Các đại biểu thảo luận về dự án luật.

Liên quan đến điều kiện thành lập hội (Điều 10) các ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị bổ sung Điều 10 về quy định một trong những điều kiện thành lập hội là “lĩnh vực hoạt động chính không trùng với hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động”. Quy định như vậy nhằm tránh tình trạng thành lập hội tràn lan, phức tạp trong việc huy động nguồn lực trong xã hội. Trong thực tế đã có rất nhiều hội được thành lập trùng lắp lĩnh vực hoạt động, mục đích, thậm chí là hội viên tham gia. Ví dụ như liên quan đến quân nhân có các hội: Hội cựu chiến binh, Hội cựu quân nhân, hội địch bắt tù đày...

Liên quan đến thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội tại điểm a, khoản 2, Điều 11, đại biểu Trần Văn Mão đề nghị rút ngắn thời hạn. Bởi, quy định thời hạn 60 ngày là quá dài (trong khi đó Luật Doanh nghiệp quy định về thời hạn thành lập doanh nghiệp chỉ 3 ngày hoặc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ 15 ngày).

Nhấn mạnh Khoản 4 điều 22 dự thảo quy định một trong những quyền của hội là: “Đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ hành nghề cho hội viên khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật” là không phù hợp. Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) lý giải: Việc đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ hành nghề cho những người đủ điều kiện ở những ngành, nghề là do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Ví dụ theo quy định của pháp luật hiện hành: Cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư do Bộ Trưởng Bộ Tư pháp quyết định; cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người Việt Nam thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế… Do đó, dự thảo quy định hội có quyền đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ hành nghề cho hội viên là không phù hợp.

Liên quan đến Chương III về Điều khoản thi hành, các thành viên của Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị quy định bổ sung một Điều “Căn cứ quy định của Luật này và luật xử lý vi phạm hành chính, giao chính phủ quy định hành vi vi phạm Hành chính, hình thức xử lý, mức xử phạt, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với các vi phạm hành chính trong hoạt động tổ chức hội” để có cơ sở pháp lý trong xử lý hành chính về hoạt động hội, bảo đảm khả năng thực thi của luật Hội.

Ngày mai, QH tiếp tục làm việc, thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự.

Diệp Anh - Anh Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Đoàn ĐBQH Nghệ An đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật về hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO