Đội chuyên thu gom rác thải của F0 điều trị tại nhà ở TP. Vinh

Diệp Thanh 12/03/2022 12:49

(Baonghean.vn) - Không biết nhà nào có F0, nhà nào không, những người làm công việc liên quan đến rác thải sinh hoạt phải đối diện với rủi ro mắc Covid-19.

Ảnh: D.T
Từ ngày 11/1, trước tình trạng gia tăng F0 trong cộng đồng, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An thành lập 1 đội gồm 15 thành viên thu gom rác thải từ những gia đình có F0 điều trị tại nhà. Theo đó, các thành viên của đội sẽ mang đồ bảo hộ, đi xe máy trang bị thùng rác có nắp kín và bình xịt khử khuẩn để đến thu gom rác. Kể từ khi nhận nhiệm vụ, những công nhân này được bố trí chỗ ăn, nghỉ ngay tại công ty. Ảnh: D.T
Ảnh: D.T
Quy trình xử lý rác thải bao gồm các bước: Lên danh sách địa chỉ, mặc đồ bảo hộ, phun khử khuẩn khi bắt đầu xuất phát, đến thu gom rác tại nhà có ca F0, khử khuẩn túi rác của họ và cho vào thùng kín rồi đến điểm tiếp theo. Sau khoảng 1 tiếng, khi 2 thùng rác đã đầy thì đưa về điểm tập kết, đổ vào xe chuyên dụng và phun khử khuẩn một lượt nữa rồi đưa đi xử lý riêng. Ảnh: D.T
Ảnh: D.T
Thời gian đầu, khi những ca F0 chưa quá nhiều và được quản lý chặt chẽ, công ty có thể căn cứ trên danh sách F0 do các trạm y tế cung cấp để thu gom riêng. Thậm chí phát bao rác riêng cho những gia đình này. Tuy nhiên, những ngày gần đây, khi số lượng F0 lên đến 10.000 ca mỗi ngày thì việc cập nhật danh sách nằm ngoài tầm kiểm soát. Các trạm y tế xã, phường không thể cập nhật hết và khối lượng rác y tế của những gia đình có F0 cũng quá tải. Ảnh: D.T
Ở điểm tập kết rác thải trên đường 72m (phường Quán Bàu) - nơi làm việc, mưu sinh của rất nhiều lao động, nguy cơ tiếp xúc với rác thải y tế từ các ca F0 trong cộng đồng là không thể tránh khỏi. Ảnh: D.T

Những lao động tự do làm nghề thu lượm ve chai dùng liềm rạch các bao rác để tìm phế liệu. Ảnh: D.T

Trong các bao rác, rất nhiều khẩu trang và vỉ thuốc lẫn với rác thải sinh hoạt. Đây hoàn toàn có thể là rác thải y tế của những F0 trong cộng đồng. Ảnh: D.T
Trang bị đơn giản của một phụ nữ làm nghề nhặt ve chai. Chị gom cả những vỏ thuốc và bán lại cho các cửa hàng thu mua phế liệu. Ảnh: D.T
Chị Nguyễn Thị Phước - công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An chia sẻ: "Những ngày gần đây, nhiều công nhân trong công ty phải nghỉ việc vì mắc Covid-19, những người còn lại phải làm thêm cả phần việc của đồng nghiệp nên cũng vất vả hơn". Trong ảnh là một công nhân bị ngã khi chở xe rác nặng về điểm tập kết. Ảnh: D.T

Ý thức được nguy cơ mắc Covid-19 trong quá trình làm việc, những công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An cố gắng thực hiện các phương án phòng tránh, bảo hộ tốt nhất có thể để bảo vệ cho chính mình và cho gia đình. "Cũng may chúng tôi tan ca vào 12 giờ đêm, khi người thân đã đi ngủ hết nên hạn chế phần nào nguy cơ tiếp xúc ngay sau khi làm việc" - một công nhân cho hay. Ảnh: D.T

Một lao động tự do làm nghề lượm ve chai đưa tay lên lau mặt vì bụi bay vào mắt. Đối mặt với rủi ro tiếp xúc với rác thải y tế của F0, những người mưu sinh bằng nghề nhặt rác không có phương án phòng ngừa nào khả dĩ. Nhiều người trong số họ chấp nhận điều này với suy nghĩ: Đến đâu hay đến đó. Ảnh: D.T

Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý rác thải y tế cho F0 điều trị tại nhà, song thực tế, vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: D.T

Trước tình hình phức tạp của dịch, vừa qua, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý chất thải với các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà.

Theo đó, các địa phương cần xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh đối với các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà trên địa bàn. Ngoài ra, các đơn vị phải hướng dẫn việc phân loại chất thải, cụ thể:

- Chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm. Các chất thải này phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2".

- Các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của nhà có người F0 thực hiện phân loại theo hướng dẫn của địa phương để đưa đi xử lý theo quy định.

- Các địa phương tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, bố trí người thu gom các túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm của các F0 được quản lý tại nhà để đưa đến nơi lưu giữ, chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp do địa phương lựa chọn để xử lý theo quy định.


Mới nhất

x
Đội chuyên thu gom rác thải của F0 điều trị tại nhà ở TP. Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO