Đổi mới trong công tác dân vận ở huyện rẻo cao

Khánh Ly 25/12/2023 15:05

(Baonghean.vn) - Vận dụng linh hoạt lời dạy của Bác Hồ “Dân vận khéo việc gì cũng thành công”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Tương Dương đã quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo công tác dân vận theo hướng sát thực tiễn, tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.


Chuyển động nếp nghĩ, cách làm


Xoóng Con là bản người Thái thuộc xã Lưu Kiền - địa bàn được Ban Chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” huyện Tương Dương chọn triển khai mô hình “Nâng cao chất lượng vận động quần chúng, xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại, xây dựng bản sạch về ma túy giai đoạn 2023-2025”.

khu-vuc-cam-danh-bat-thuy-san-bao-ve-ca-mat-cua-ban-xoong-con-xa-luu-kien-huyen-tuong-duonganh-kl-4053-2807.jpg
Khu vực cấm đánh bắt thủy sản của người dân bản Xoóng Con, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương. Ảnh: K.L


Nói về những chuyển động ở bản, ông Ngân Văn Hạnh - Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi bản Xoóng Con cho hay, rõ nhất là sự thay đổi trong tư duy, nếp nghĩ, nếp làm của người dân. Ví như trước đây dân bản hay có ý kiến thắc mắc về chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, giờ đây bà con đã chủ động xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Điển hình như hộ ông Ngân Văn Mão với mô hình trồng ổi, dứa; hộ ông Lộc Văn Thìn với mô hình trồng dứa, chuối lấy lá; hộ ông Lộc Văn Phượng nuôi gần 19 con dê, 4 con trâu, lợn, gà, trồng xoan để tăng thu nhập.

can-bo-ban-xoong-con-xa-luu-kien-ao-trang-va-ao-xanh-chia-se-ve-cong-tac-dan-van-kheo-bao-ve-nguon-loi-thuy-san1-4300-8198.jpg
Cán bộ bản Xoóng con xã Lưu Kiền (áo trắng và áo xanh) chia sẻ về công tác dân vận khéo bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Q.A


Bên cạnh đó, nhờ “khéo” dân vận, Chi bộ, Ban Quản lý bản Xoóng Con đã xây dựng thành công mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản (cá mát), bình quân mỗi năm thu hoạch 3 vụ khai thác tập thể để phục vụ các ngày lễ, Tết và gây quỹ. Trong năm 2023, bản khai thác được 9,3 yến cá mát lấy kinh phí lắp 3 camera, 3 bóng điện năng lượng mặt trời trên trục đường chính; vận động nhân dân làm 850m đường nội đồng, chỉnh trang 1.500 đường nhánh dọc Tỉnh lộ 543D.
Nói về hiệu của công tác dân vận, ông La Đình Thi - Bí thư Chi bộ bản Xoóng Con cho hay: Khi xã chủ trương xây dựng điểm du lịch sinh thái Văng Phột, Chi bộ và Ban Quản lý bản đã vận động nhân dân hiến 1.000m2 đất, hiến cây cối, đóng góp ngày công tạo nên vóc dáng, hình hài điểm du lịch như hiện nay.

can-bo-ban-dan-van-huyen-uy-tuong-duong-va-lanh-dao-dang-uy-xa-luu-kien-tham-mo-hinh-trong-chuoi-lay-la-cua-nguoi-dan-ban-luu-thonganh-kl-6863-5578.jpg
Cán bộ ban Dân vận Huyện ủy Tương Dương và lãnh đạo Đảng ủy xã Lưu Kiền thăm mô hình trồng chuối lấy lá của người dân bản Lưu Thông. Ảnh K.L

Ghé thăm bản Khe Kiền, là bản được xã chọn làm điểm về thực hiện xây dựng bản nông thôn mới, từ dân vận khéo, đến nay, 100% đường nội bản được bê tông hóa, sân vận động xây khang trang. Ông La Văn Duy - Bí thư Chi bộ bản Khe Kiền cho biết: Năm 2023, chi bộ đã vận động nhân xây dựng đường nội đồng rộng 3m, dài 1.000m; mở rộng diện tích trồng chuối lấy lá lên 20 ha, sắn cao sản 25 ha, nâng tổng đàn bò lên 220 con, lợn trên 400 con, gia cầm trên 2.500 con, dê 140 con với nhiều gia trại cho thu nhập cao.

Với sự đoàn kết đồng lòng “ý Đảng - lòng dân”, bản Khe Kiền đã xây dựng thành công mô hình làng bản không ma túy và camera an ninh được cấp ủy, chính quyền xã ghi nhận.

nu-bi-thu-chi-bo-vu-y-do-a3-7810-2039.png
Từ trục đường chính đến các tuyến đường nhánh ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ;; Rác thải nhựa được người dân bản Lưu Thông phân loại cho vào lò đốt rác. Ảnh: K.L

Toàn xã Lưu Kiền hiện có 11 tổ dân vận cơ sở thường xuyên bám bản, bám dân phối hợp với hệ thống chính trị làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã - ông Lữ Duy Hải: Cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo xây dựng 15 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó, có 5 mô hình phát triển kinh tế (trồng chuối lấy lá; sắn cao sản; ổi Đài Loan; chăn nuôi trâu, bò nhốt; chăn nuôi lợn thịt); 3 mô hình quốc phòng - an ninh (bản sạch ma túy; camera an ninh; “Nhà tôi có bình chữa cháy”); 6 mô hình thực hiện quy chế dân chủ...

Nhờ vậy, các khó khăn, vướng mắc từng bước được tháo gỡ; kinh tế - xã hội có sự ổn định, an ninh, trật tự trên địa bàn được giữ vững.

Xã biên giới Mai Sơn (Tương Dương), địa bàn có đường biên dài 10,23 km, tiếp giáp với cụm xã Phá Đánh, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào), xã Nhôn Mai (Tương Dương) và xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn). Cuộc sống của đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú ở xã Mai Sơn hiện còn nhiều vất vả, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 64,07%.

truong-ban-kha-thi-hoa-ao-do-trao-doi-ve-cong-tac-dan-van-de-xay-dung-cong-trinh-san-van-dong-ban-anh-khanh-ly2-6174-6032-7579.jpg
Nhờ dân vận khéo, bản Piêng Mựn, xã Mai Sơn đã xây dựng được sân vận động và sân khấu khang trang phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: K.L

Vì vậy, theo ông Lô Văn Điện - Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối Dân vận xã Mai Sơn cho biết: Ban Chỉ đạo cấp xã ưu tiên hướng đến các mô hình dân sinh. Như mô hình gây quỹ “Cây ATM một nghìn đồng” với 12 đơn vị thực hiện, thu được 21 triệu đồng dùng để hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Hay các mô hình trên lĩnh vực phát triển kinh tế như mô hình trồng sắn cao sản tại các bản Huồi Tố 1, Chà Lò với tổng diện tích là 87,9 ha; mô hình nuôi bò vỗ béo tại bản Piêng Coọc; nuôi lợn đen tại bản Piêng Mựn; nuôi vịt bầu tại bản Na Hang… mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

z5007018276588-d30524e918ad995f09b13be63be58bef-5678-1540.jpg
Rừng đinh hương ở bản Na Hang, xã Mai Sơn được người dân chung tay bảo vệ, giữ gìn. Ảnh: K.L

Ngoài ra, xã Mai Sơn còn ghi dấu ấn với các mô hình giữ rừng bằng hương ước tại thôn, bản. Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh rừng đinh hương trăm gốc ở bản Na Hang, rừng săng lẻ quý hiếm ở bản Huồi Tố, Phó Bí thư Đảng ủy Lô Văn Điện cho hay: Đó là kết quả của sự dày công trong tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc, bảo vệ rừng, chống khai thác lâm sản trái phép của cấp ủy, chính quyền.

Hướng về cơ sở

Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" huyện Tương Dương đã chú trọng công tác tuyên truyền miệng, lấy chủ thể là 142 già làng, người có uy tín của huyện; đồng thời, vận dụng song ngữ để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân.

Theo ông Lương Ba Vin - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tương Dương: Trước khi thực hiện xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, Ban Chỉ đạo phong trào của huyện đã tổ chức 146 buổi họp dân ở 17 xã, thị trấn nhằm lắng nghe kiến nghị, đề xuất của nhân dân để xây dựng mô hình phù hợp với thực tiễn.

lanh-dao-tinh-va-huyen-tuong-duong-tham-mo-hinh-trong-thanh-long-ruot-do-cua-gia-dinh-ong-tong-van-chien-o-xa-tam-quang-anh-tu-lieu-pv-957-5174-3616-1912.jpg
Lãnh đạo tỉnh và huyện Tương Dương thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông Tống Văn Chiến ở xã Tam Quang. Ảnh tư liệu: P.V

Nhờ vậy, năm 2023 có 189/254 mô hình được các địa phương, đơn vị công nhận; 63 mô hình đạt tiêu chí mô hình “Dân vận khéo” cấp huyện mang lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Trong đó, điển hình như mô hình “Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cá mát” với 15/17 xã, thị trấn; 56 tổ dân vận bản, làng triển khai trên tổng chiều dài 73 km. Mô hình “Cây ATM 1 nghìn đồng” với 252 chi bộ khối, bản, làng và các trường học, tổ chức công đoàn, đoàn thể thực hiện, thu về hơn 717 triệu đồng; kinh phí trích từ nguồn quỹ này được dùng để hỗ trợ 289 hộ nghèo mua con giống (bò, dê, lợn), 135 hộ mua cây giống (lúa, ngô, sắn, rau đậu các loại), tặng 5 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, đỡ đầu 19 cháu mồ côi, tiếp sức đến trường cho 148 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

bna-quy-1-nghin-dong-ht-3276637951091039633945-2225.jpeg
Đảng viên Chi bộ bản Phá Lõm, xã Tam Hợp góp "Quỹ 1000 đồng". Ảnh: K.L

Mô hình phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình, sau khi phát động đã có 123/146 tổ chức cơ sở đảng và 398 đảng viên hỗ trợ 435 hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm nhà ở, mua cây, con giống, giúp đỡ 86 trẻ mồ côi, học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Tương Dương có tỷ lệ hộ nghèo cao (6.232 hộ chiếm 34,03%; 3.187 hộ cận nghèo, chiếm 17.40%), để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo triển khai xây dựng 98 mô hình đem lại hiệu quả kinh tế, kết hợp hài hòa giữa lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân với lợi ích của Nhà nước.

ong-vi-van-hoang-to-truong-to-hop-tac-san-xuat-rau-cu-qua-sach-ban-phong-cung-trao-doi-voi-can-bo-xa-ve-cach-phong-ngua-sau-benh-cho-rau-cac-loai-5014-8449.jpg
Cán bộ thị trấn Thạch Giám (bên trái) tuyên truyền, hướng dẫn người dân bản Phòng trồng rau sạch. Ảnh: K.L

Điển hình như mô hình “Vận động phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn” của Đảng bộ, chính quyền huyện với 6 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh; mô hình “Dân vận khéo” nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Nậm Nơn tại bản Lạ, xã Lượng Minh; mô hình “Vận động nhân dân trồng đào lấy cành” ở các bản Huồi Măn, Huồi Cọ và Thằm Thẩm (xã Nhôn Mai); vận động thanh niên nuôi ong” ở bản Na Bón, xã Yên Na; “VAC kết hợp dịch vụ nông nghiệp” ở bản Piêng Ồ (xã Xiêng My); “Vận động nhân dân bảo vệ và trồng măng đắng” ở bản Chà Lâng (xã Hữu Khuông)…

Qua đó, góp phần từng bước “xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân” theo Đề án số 07-ĐA/HU ngày 08/3/2022 của Đảng bộ huyện Tương Dương.

ucanh-dong-lua-tuoi-tot-o-xa-yen-hoa-tuong-duong-anh-dinh-tuyen-7416-3570-7361.jpg
Cánh đồng lúa tươi tốt ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương. Ảnh: Đình Tuyên

“Từ kết quả đã đạt được, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua của huyện sẽ tiếp tục đổi mới hình thức xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở vùng dân tộc thiểu số một cách có chiều sâu, mang tính bền vững gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, mở rộng và phát huy dân chủ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị làm công tác dân vận, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn” - ông Lương Ba Vin nhấn mạnh.

Đổi mới trong công tác dân vận ở huyện rẻo cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO